'Thấm thía cái giá phải trả cho việc mất rừng'
'Nhìn vào mưa lũ và hậu quả ở miền Trung vừa qua, chúng ta càng thấm thía và thấy cái giá phải trả cho việc mất rừng lớn như thế nào', đại biểu Hoàng Đức Thắng nói trước Quốc hội.
Sáng 3/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020.
Thực trạng thiên tai, lũ lụt và những hậu quả nặng nề mà người dân miền Trung phải gánh chịu thời gian qua tiếp tục được nhiều đại biểu đề cập. Đồng thời, các đại biểu bày tỏ lo ngại trước thực trạng phá rừng, xây dựng thủy điện là một phần nguyên nhân khiến thiên tai thêm khắc nghiệt.
Cái giá phải trả cho việc mất rừng
Giải trình làm rõ thêm ý kiến của các đại biểu nói về vấn đề này, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cung cấp thông tin đến nay, tổng diện tích rừng là 14,6 triệu ha, trong đó rừng tự nhiên là 10,3 triệu ha và rừng trồng hơn 4,3 triệu ha, độ che phủ gần 42% (bình quân của thế giới 29%).
Theo ông Cường, đây là cố gắng vượt bậc cả hệ thống chính trị và toàn dân, khẳng định sự phát triển bền vững, vì “chỉ trong 30 năm, chúng ta đã tăng trên 5 triệu ha rừng”.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Nông nghiệp, rừng tự nhiên trước đây bị ảnh hưởng rất nhiều, nhất là trong giai đoạn chiến tranh. Việc phục hồi vì thế phải dần dần từng bước.
Ngay sau phần giải trình của Bộ trưởng Cường, đại biểu Hoàng Đức Thắng (Quảng Trị) tiếp tục đề cập nội dung này.
Theo đại biểu tỉnh Quảng Trị, khi lý giải về thiên tai, có ý kiến giải thích do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đất khô bị mưa lớn kéo dài dẫn đến sạt lở. Tuy nhiên, lý giải đó chưa đủ, khi trong thời gian qua chúng ta đã mất diện tích rừng tự nhiên quá nhiều, khiến cho hậu quả thiên tai dữ dội hơn, nặng nề hơn.
“Nhìn vào mưa lũ và hậu quả ở miền Trung vừa qua, chúng ta càng thấm thía và thấy cái giá phải trả cho việc mất rừng lớn như thế nào”, ông Thắng nêu ý kiến.
Từ thực tế, ông cho biết những năm qua, các dự án thủy điện nhỏ được xây dựng ồ ạt, cùng với việc phát triển phục vụ sinh kế khiến cho diện tích rừng tự nhiên bị thu hẹp. Đặc biệt, độ che phủ rừng hàng năm tuy tăng, vẫn không thể chống chọi được với thiên tai.
“Lũ lụt, sạt lở đất xảy ra ngoài lý do địa chất còn do nằm ở khu vực đồi núi trọc. Mất rừng, mất khả năng điều tiết nước thì đương nhiên lũ đi nhanh hơn, mạnh hơn, tai họa lớn hơn”, ông Thắng phân tích.
Phân tích kỹ hơn, ông Thắng cho rằng thủy điện có thể không làm tăng lũ nhưng có thể làm tăng mất rừng, khiến lũ dữ hơn và sạt lở nặng hơn. Từ đó, ông kiến nghị Chính phủ cần có chỉ đạo rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng rừng, nhất là xây dựng thủy điện vừa và nhỏ để có giải pháp căn cơ, lâu dài.
Tranh luận với Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cảnh báo "thảm họa còn xảy ra nếu chúng ta không thay đổi".
"Chúng ta hô hào trồng rừng nhưng vẫn cho phép dự án khởi công ở lõi rừng. Nếu thủy điện 'cóc' vẫn được duy trì, thậm chí là cấp phép mới, sẽ còn xảy ra những trận lụt lịch sử tang thương nữa", vị đại biểu lo ngại.
Quy hoạch phải tuân theo tự nhiên
Phát biểu trước đó, đại biểu Triệu Thị Thu Phương (Bắc Kạn) chia sẻ sâu sắc với đồng bào miền Trung chịu thiệt hại lớn về người và tài sản.
Nhắc đến chính sách phát triển, bảo vệ rừng, bà nêu thực trạng chất lượng môi trường nước ta theo chiều hướng bất lợi, biểu hiện rõ nét nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và thiên tai xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng.
Dù tỷ lệ che phủ rừng tăng, việc giữ rừng tự nhiên ở một số khu vực chưa hiệu quả.
Theo thống kê của Tổng cục lâm nghiệp, chỉ trong 5 năm 2012-2017, diện tích rừng tự nhiên bị mất do chặt phá trái phép là hơn 11% và 89% là do chuyển mục đích sử dụng rừng tại các dự án được phê duyệt, trong đó phần lớn là các dự án phát triển kinh tế xã hội.
Trước thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra, nữ đại biểu cho rằng cần nhìn nhận đúng tầm quan trọng của phát triển rừng trong phòng chống thiên tai.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cũng nhận định quy hoạch vừa qua có tác động đến tự nhiên “một cách có chủ đích”, phá vỡ và phát triển trái quy luật tự nhiên.
“Việc xây dựng quá nhiều các dự án thủy điện vừa và nhỏ đã phá vỡ đáng kể tỷ lệ diện tích rừng, làm đất đá dễ xói mòn, gây nguy cơ lũ quét ngày càng gia tăng ở vùng núi, trung du”, ông Hải nói.
Dù nhiệm kỳ qua, các bộ, ngành đã rà soát, đưa ra khỏi danh mục đầu tư nhiều dự án thủy điện vừa và nhỏ, ông Thắng đánh giá bất cập của một số thủy điện đã và đang được đầu tư cho thấy công tác thẩm định dự án, đánh giá tác động môi trường của dự án chưa tốt.
“Quy hoạch rất quan trọng và cần thiết, phải tuân theo tự nhiên, có tầm nhìn dài hạn và hướng tới phát triển bền vững”, ông Hải nhấn mạnh.
Đại biểu Phan Thái Bình (Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam) cũng đề xuất đặc biệt quan tâm đến các dự án thủy điện.
“Cần rà soát lại toàn bộ hệ thống hồ đập, đặc biệt các thủy điện vừa và nhỏ trên cả nước xem tác động đến môi trường thế nào, để đảm bảo an toàn và thông tin rộng rãi cho nhân dân yên tâm. Vừa qua nhân dân vùng hạ lưu rất bất an khi xảy ra thiên tai, bão lũ”, ông Bình nói.
Ông cũng kiến nghị xây dựng kiên cố các cơ sở giáo dục theo hướng “lưỡng dụng”, vừa là nơi học tập, vừa là nơi tránh trú khi bão lũ xảy ra. Cùng với đó, khuyến khích người dân làm nhà sàn ở nơi hay bị sạt lở vì nhà sàn chỉ bị đẩy đi chứ không bị vùi lấp; làm nhà chống lũ cho dân vùng trũng và hầm chống bão cho dân ven biển.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tham-thia-cai-gia-phai-tra-cho-viec-mat-rung-post1148971.html