Thẫm tình Lâm Đồng ở Trường Sa

Giờ đây, tại các điểm, đảo trên quần đảo Trường Sa đâu đâu cũng có các sản vật đặc trưng rau, hoa Đà Lạt. Ở Trường Sa còn có cả tòa nhà cao tầng khang trang và xe ô tô vận chuyển hàng hóa… do Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng tặng quân, dân đang sinh sống, làm nhiệm vụ nơi đảo xa.

Lính đảo chăm sóc lan Đà Lạt tại các đảo, điểm đảo. Ảnh: H.Đ

Lính đảo chăm sóc lan Đà Lạt tại các đảo, điểm đảo. Ảnh: H.Đ

Sản vật tốt tươi

Trong suốt chuyến hải trình dài ngày cùng Đoàn công tác của Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân vượt sóng ra thăm, chúc Tết Canh Tý 2020 quân và dân trên quần đảo Trường Sa, chúng tôi được ghé thăm nhiều đảo nổi, đảo chìm như Song Tử Tây, Đá Nam, Đá Thị, Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn Đông và đảo Sinh Tồn. Mặc dù chưa thể đầy đủ như ở đất liền, nhưng cơ bản tại hầu hết các đảo và điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa Việt Nam đã chủ động được nguồn rau xanh hàng ngày cho cán bộ, chiến sĩ. Ở các đảo, điểm đóng quân đều có sự hiện diện của nhiều loại rau Đà Lạt như cải cúc, cải ngọt, cải cay, rau mầm… được cán bộ, chiến sĩ trồng, chăm sóc trong nhà lưới, nhà kính chẳng khác nào ở đất liền. Ngoài ra, ở các đảo nổi, cán bộ, chiến sĩ còn trồng được các loại rau, quả khác như mùng tơi, rau ngót, rau muống, các loại rau thơm, mướp hương và bí đao…

Theo anh Phan Thanh Sang - Chủ tịch Hiệp hội Hoa Đà Lạt, hàng năm, các cá nhân, doanh nghiệp đều gửi tặng các giống rau, hoa Đà Lạt để các đảo chủ động tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống cho cán bộ, chiến sĩ. “Lâm Đồng là địa phương kết nghĩa với Vùng 4 Hải quân, đặc biệt là huyện đảo Trường Sa. Vì vậy, hàng năm, Hiệp hội Hoa Đà Lạt đều tặng quân và dân Trường Sa nhiều loại hạt giống rau, hoa Đạt Lạt và giá thể trồng rau. Qua đó, mỗi cành hoa lan được đưa ra đảo trong các dịp tết, những vườn rau xanh tốt tại điểm đảo luôn chứa đựng những tình cảm thiêng liêng của người dân Lâm Đồng dành cho cán bộ, chiến sĩ nơi đây. Hiện nay, ngoài những giống rau Đà Lạt đã bén rễ xanh tươi trên các điểm đảo thì lan Hồ điệp đã 7 lần ra Trường Sa đón tết. Để quân, dân Trường Sa luôn cảm thấy gần hơn với đất liền, Hiệp hội Hoa Đà Lạt sẽ tiếp tục cố gắng hàng năm, cứ vào dịp tết cổ truyền sẽ tiếp tục gửi hoa lan ra tặng cán bộ, chiến sĩ vui xuân” - anh Phan Thanh Sang cho biết.

Theo Thượng tá Đậu Đình Dân - Chỉ huy trưởng, Chủ tịch xã đảo Song Tử Tây, hiện toàn đảo đang có 15 vườn rau xanh, với khoảng 2.200 m2 được trồng trong nhà kính, nhà lưới. “Rau xanh được trồng ở đảo, hoàn toàn sử dụng phân xanh (phân ủ từ lá cây), nhưng được cán bộ, chiến sĩ thay nhau tưới tắm thường xuyên nên luôn xanh tốt. Đặc biệt, nhiều hạt giống rau cải được gửi ra từ Lâm Đồng rất phù hợp với khí hậu trên đảo, nên luôn xanh tốt. Đây là nguồn rau chính trong các bữa ăn hàng ngày của quân và dân trên đảo. Ngoài rau xanh, trên đảo còn có 2 vườn lan Hồ điệp, với khoảng 60 chậu đang được cán bộ, chiến sĩ chăm sóc xanh tốt và nhiều chậu đã trổ bông. Đây là những chậu lan do Hiệp hội Hoa Đà Lạt tặng quân, dân trên đảo vào các dịp tết được chúng tôi lưu giữ, chăm sóc tạo thêm màu xanh cho đảo” - Thượng tá Đậu Đình Dân chia sẻ.

Trong khi các đảo nổi có quỹ đất để tăng gia sản xuất, thì ở các đảo chìm lại là con số “0” tròn trĩnh. Trước đây, để trồng được rau xanh cải thiện bữa ăn, cán bộ, chiến sĩ phải mang theo đất và thùng xốp ra đảo. Những năm gần đây, nhờ quy trình trồng rau an toàn tiết kiệm nước bằng các giá thể giữ ẩm do Hiệp hội Hoa Đà Lạt trao tặng đã và đang giúp cán bộ, chiến sĩ tại các đảo chìm chủ động được nguồn rau xanh hàng ngày.

Tòa nhà được xây dựng khang trang nơi đảo xa. Ảnh: H.Đ

Tòa nhà được xây dựng khang trang nơi đảo xa. Ảnh: H.Đ

Nhà do Lâm Đồng tặng Trường Sa

Không chỉ có các sản vật rau, hoa mà giờ đây ở nhiều điểm đóng quân còn có sự hiện diện của các phương tiện giao thông, máy lọc nước biển và công trình xây dựng… do Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lâm Đồng trao tặng cho quân, dân Trường Sa.

Tại xã đảo Song Tử Tây đang có hơn 10 chiếc xe đạp và 1 xe ô tô tải do Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lâm Đồng trao tặng để cán bộ, chiến sĩ đi lại, vận chuyển hàng hóa trên đảo. Thượng tá Bùi Thanh Tùng - Chính trị viên đảo Song Tử Tây, khoe với chúng tôi: “Song Tử Tây là hòn đảo nằm ở vị trí “tiền tiêu” phía Bắc quần đảo Trường Sa. Đây còn là nơi hội tụ của 2 dòng hải lưu, nên thời tiết quanh năm rất khắc nghiệt “trái gió, nghịch sóng”. Trước đây, cứ mỗi lần tàu cập âu cảng đưa hàng hóa, lương thực vào đảo phải mất nhiều thời gian, khiến cán bộ, chiến sĩ rất vất vả. Thế nhưng 3 năm trở lại đây, khi được tỉnh Lâm Đồng tặng chiếc ô tô đã góp phần rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa, lương thực, giúp cán bộ, chiến sĩ đỡ vất vả hơn. Đây là một trong những niềm động viên to lớn để quân và dân Song Tử Tây xây dựng xã đảo thành điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi, bám biển bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo quê hương”.

Để các đảo, điểm đóng quân trên quần đảo Trường Sa ngày càng khang trang, giàu đẹp thì việc đầu tư của Nhà nước, đóng góp của Nhân dân ở đất liền xây dựng các công trình hạ tầng là vô cùng quan trọng. So với chuyến công tác ra Trường Sa vào năm 2013 thì lần này, tôi không khỏi ngạc nhiên và vui mừng khi những căn nhà mới khang trang mọc lên tại hầu hết các đảo, điểm đóng quân. Tòa nhà mới 2 tầng, với 12 phòng hướng ra biển khơi mênh mông trên đảo Sơn Ca khang trang, lộng lẫy. Đây là chỗ ở của cán bộ, chiến sĩ đang công tác, làm nhiệm vụ trên đảo. Tòa nhà do Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lâm Đồng đóng góp tặng cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa, với giá trị 20 tỷ đồng.

Trung tá Hoàng Đình Chiến - Chính trị viên đảo Sơn Ca, chia sẻ: “Tòa nhà do tỉnh Lâm Đồng trao tặng như “lá chắn thép” che chở cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm canh giữ vùng trời, vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đây không chỉ là nơi ăn, chốn ở mà còn là nơi hội họp và tổ chức các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ của cán bộ, chiến sĩ. Những món quà vật chất, lẫn tinh thần quý giá tăng thêm động lực để chúng tôi một lòng kiên trung quyết tâm giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương”.

Cùng với cả nước, những sản vật, vật chất, công trình đã, đang và sẽ tiếp tục hiện diện trên các đảo, điểm đóng quân nơi tuyến đầu Tổ quốc chính là những tình cảm chân thành, sâu đậm mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Lâm Đồng dành cho Trường Sa. Để rồi tinh thần “Cả nước vì Trường Sa” cứ thế chảy mãi trong huyết quản của người dân Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung luôn hướng về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

HẢI ĐƯỜNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202001/tham-tinh-lam-dong-o-truong-sa-2984472/