Thắm tình Nga Sơn - Tiên Phước

Trong những năm qua, hai huyện Nga Sơn - Tiên Phước đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm, giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Cùng với đó là những việc làm đầy ý nghĩa, mang tính nhân văn được thực hiện trên địa bàn hai huyện, như các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật; hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa; giúp đỡ nhau trong lĩnh vực an sinh xã hội...

Ông Nguyễn Công Lập, thôn Mậu Thịnh, xã Ba Đình (Nga Sơn) đang kể lại những kỷ niệm hơn 30 năm công tác, sinh sống tại tỉnh Quảng Nam.

Có dịp gặp gỡ những người con quê hương huyện Nga Sơn từng công tác, chiến đấu ở tỉnh Quảng Nam nói chung, huyện Tiên Phước nói riêng, tất cả đều khẳng định họ có 2 quê hương. Ông Vũ Thế Giao, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, hiện đang sinh sống tại tiểu khu Hưng Long, thị trấn Nga Sơn, cho biết: Năm 1968, khi ông đang còn là Bí thư Huyện ủy Trung Sơn (nay là huyện Hà Trung và huyện Nga Sơn) trong thời gian đầu kết nghĩa giữa huyện Nga Sơn và huyện Tiên Phước, địa phương đã thành lập Tiểu đoàn Ba Đình, tập hợp hơn 400 thanh niên vào tỉnh Quảng Nam tham gia chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc. Khi vào đến tỉnh Quang Nam, đi đến đâu người dân cũng đón tiếp, đùm bọc, giúp đỡ anh em trong những ngày tham gia chiến đấu. Đó không chỉ là sự chia sẻ, nhường nhịn về miếng cơm, tấm áo, mà hơn cả là sự quan tâm, tình cảm gắn bó thân tình đối với những người con xa gia đình, xa người thân, được đùm bọc, động viên trong hoàn cảnh đất nước bị chia cắt. Ông Giao cũng rất tự hào về mối tình kết nghĩa của huyện Nga Sơn và huyện Tiên Phước, đây là những quê hương có truyền thống cách mạng. Nếu như quê hương Tiên Phước, nơi sinh ra cụ Huỳnh Thúc Kháng, người đứng đầu phong trào Duy Tân ở miền Trung. Thì quê hương Nga Sơn có Chiến khu Ba Đình, nơi đã diễn ra cuộc khởi nghĩa hưởng ứng Phong trào Cần vương vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, do các anh hùng Đinh Công Tráng, Phạm Bành và Hoàng Bật Đạt lãnh đạo.

Đối với ông Nguyễn Công Lập, thôn Mậu Thịnh, xã Ba Đình (Nga Sơn) thì tỉnh Quảng Nam không chỉ là quê hương thứ 2 mà còn là nơi ông gắn bó gần hết cả cuộc đời. Năm 1973, khi đang là cán bộ Công an tỉnh Thanh Hóa, ông đã hai lần viết đơn tình nguyện đi vào chiến trường B tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Sau ngày giải phóng đất nước, ông Lập được điều động về công tác tại Phòng Cảnh sát 1, Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cũ, như một cơ duyên định sẵn, người thanh niên đầy nhiệt huyết ngày ấy đã đến và gắn bó đời mình với vùng đất giàu nghĩa tình. Bây giờ, khi đã là một cán bộ hưu trí, ông Nguyễn Công Lập luôn nghĩ rằng mình đã may mắn khi đặt chân đến đây, gắn bó với vùng đất này và có thêm nhiều anh em, bạn bè và người thân ruột thịt nơi đây.

Khắc ghi những công lao đóng góp của nhân dân huyện Nga Sơn, trong cuốn Lịch sử đấu tranh cách mạng huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 1858-1975 ghi nhận: “Huyện kết nghĩa Nga Sơn (Thanh Hóa) đã đóng góp nhiều mồ hôi, xương máu cùng huyện nhà trong những năm kiên cường chống đế quốc Mỹ xâm lược. Sự quan tâm giúp đỡ này đã góp phần to lớn và quyết định vào những thành tích của Đảng bộ và nhân dân Tiên Phước”. Truyền thống, mối quan hệ đoàn kết, sâu nặng nghĩa tình đó sẽ luôn là điểm tựa để các thế hệ cán bộ, lãnh đạo quản lý và nhân dân hai huyện tiếp tục gìn giữ, vun đắp. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, với bao thăng trầm của đất nước, nhưng mối tình kết nghĩa giữa huyện Nga Sơn và huyện Tiên Phước vẫn vững vàng và ngày càng sâu sắc hơn. Cả hai huyện đã nâng niu, trân trọng và gắn kết với nhau trong nhiều sự kiện lịch sử, nhiều công trình ghi đậm dấu ấn, thể hiện mối tình keo sơn, gắn bó giữa hai địa phương. Bằng chứng là huyện Nga Sơn đã đầu tư xây dựng tuyến đường mang tên Tiên Phước khang trang giữa trung tâm thị trấn Nga Sơn. Đây là tuyến đường mang nhiều ý nghĩa, thể hiện quan hệ truyền thống gắn bó keo sơn giữa Đảng bộ, nhân dân hai huyện. Phát huy truyền thống kết nghĩa, tạo điều kiện cho nhân dân khắc phục bão lũ, Đảng bộ và nhân dân huyện Nga Sơn đã tổ chức đoàn động viên thăm hỏi và hỗ trợ huyện Tiên Phước 1.300 đôi chiếu (trị giá 130 triệu đồng) và 240 triệu đồng tiền mặt... Tất cả những việc làm của huyện Nga Sơn, minh chứng cho mối tình kết nghĩa thủy chung, son sắt giữa hai huyện Nga Sơn – Tiên Phước qua bao năm tháng không hề nhạt phai. Trong những năm qua, hai huyện Nga Sơn – Tiên Phước đã tổ chức nhiều đoàn công tác đến thăm, giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Cùng với đó là những việc làm đầy ý nghĩa, mang tính nhân văn được thực hiện trên địa bàn hai huyện, như các hoạt động giao lưu văn hóa, nghệ thuật; hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa; giúp đỡ nhau trong lĩnh vực an sinh xã hội...

Có thể nói, hơn nửa thế kỷ trôi qua, mối tình sâu nặng giữa hai huyện Nga Sơn – Tiên Phước vẫn vẹn nguyên, thắm thiết và bền vững theo thời gian. Những thế hệ hôm qua, hôm nay và mai sau sẽ mãi trân trọng, giữ gìn và vun đắp thêm cho mối tình ấy ngày càng keo sơn, gắn bó và trường tồn.

Bài và ảnh: Lê Hợi

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/tham-tinh-nga-son-tien-phuoc/115407.htm