Thẩm tra các Tờ trình và dự thảo Nghị quyết về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã

Tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 25, sáng nay, 16.8, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng, Ủy ban Pháp luật thẩm tra các Tờ trình của Chính phủ về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 của các tỉnh, thành phố; dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định một số nội dung liên quan đến các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2030.

Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng người dân khi sắp xếp đơn vị hành chính

Báo cáo về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của TP. Cần Thơ và các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, trong giai đoạn này, TP. Cần Thơ không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp; đối với đơn vị hành chính cấp xã, có 4 phường thuộc diện sắp xếp (An Phú, An Nghiệp, An Cư, Thới Bình) thuộc quận Ninh Kiều. Thành phố xây dựng phương án nhập 4 phường nêu trên để thành lập phường Thới Bình (mới) thuộc quận Ninh Kiều. Kết quả, TP. Cần Thơ giảm 3 phường, còn 80 đơn vị hành chính cấp xã.

Ninh Thuận không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp; đối với đơn vị hành chính cấp xã, có 3 phường thuộc diện sắp xếp (Mỹ Hương, Kinh Dinh, Thanh Sơn) và 2 phường liền kề (Tấn Tài và Phủ Hà) thuộc TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Tỉnh xây dựng 2 phương án sắp xếp để thành lập phường 2 mới. Phương án 1: nhập 3 phường (Mỹ Hương, Kinh Dinh, Tấn Tài) để thành lập phường Kinh Dinh (mới) thuộc TP. Phan Rang - Tháp Chàm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu

Phương án 2: nhập 2 phường (Thanh Sơn, Phủ Hà) để thành lập phường Phủ Hà (mới) thuộc TP. Phan Rang - Tháp Chàm. Kết quả, Ninh Thuận giảm 3 phường, còn 62 đơn vị hành chính cấp xã.

Phú Yên không có đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện sắp xếp; đối với đơn vị hành chính cấp xã, có 5 đơn vị thuộc diện sắp xếp (xã Bình Ngọc và các Phường 1, 2, 3, 4); 4 phường liền kề (Phường 5, 6, 8, 9) thuộc TP. Tuy Hòa. Tỉnh xây dựng 3 Phương án sắp xếp để thành lập 5 phường mới.

Phương án 1: nhập xã Bình Ngọc với Phường 1 để thành lập Phường 1 (mới). Phương án 2: nhập Phường 4 với Phường 6 để thành lập Phường 4 (mới). Phương án 3, sắp xếp 5 phường (phường 2, 3, 5, 8, 9) để hình thành 3 phường (mới). Kết quả, Phú Yên giảm 4 đơn vị hành chính cấp xã, còn 106 đơn vị.

Các thành viên Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã và phương án sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách, phương án giải quyết trụ sở, tài sản công tại các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp của TP. Cần Thơ và các tỉnh Ninh Thuận, Phú Yên như đã nêu trong các Đề án của Chính phủ.

Quang cảnh phiên họp

Quang cảnh phiên họp

Đồng thời, đánh giá cao hồ sơ các Đề án được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, đúng quy định; trình tự, thủ tục lập các Đề án đáp ứng quy định của các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một số ý kiến nhận thấy, phường Tân An thuộc quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ có diện tích tự nhiên rất nhỏ (1,37 km2, đạt 24,91% tiêu chuẩn), thuộc diện phải thực hiện sắp xếp trong giai đoạn 2026 - 2030; đồng thời lại nằm liền kề với các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp trong giai đoạn này. Do đó, đề nghị Bộ Nội vụ báo cáo rõ về dự kiến của địa phương về phương án sắp xếp đối với phường Tân An trong giai đoạn 2026 - 2030, không vì lý do là đơn vị hành chính liền kề với đơn vị hành chính đã sắp xếp trong giai đoạn 2023 - 2025 để không thực hiện sắp xếp trong giai đoạn tới.

Các đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ, chính quyền các địa phương lưu ý, quan tâm thực hiện một số công việc liên quan đến công tác thông tin, tuyên truyền, tạo thuận lợi nhất cho tổ chức, cá nhân trong việc thay đổi con dấu, giấy tờ; có biện pháp huy động các nguồn lực đầu tư đối với các đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp, đặc biệt là các đơn vị hành chính đô thị; việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn; việc sắp xếp, bố trí các chức danh cán bộ chủ chốt để chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân khi sắp xếp đơn vị hành chính...

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính

Cũng tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã báo cáo về đề nghị ban hành Nghị quyết quy định một số nội dung liên quan đến các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị, tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính, sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2030 để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là đô thị giai đoạn 2023-2025.

Theo đó, việc ban hành Nghị quyết nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giảm bớt thời gian hoàn thiện các bước; áp dụng cho các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã là đô thị cơ bản đáp ứng nguyên tắc sắp xếp đơn vị hành chính về phù hợp quy hoạch và bảo đảm chất lượng đô thị; xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm các cấp, các ngành trong việc hoàn thiện các hồ sơ về quy hoạch đô thị, đánh giá chất lượng đô thị.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày Báo cáo về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng trình bày Báo cáo về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023 - 2025

Dự thảo Nghị quyết áp dụng đối với đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025 đã được đưa vào phương án tổng thể và đã được lấy ý kiến của cử tri và HĐND cấp tỉnh về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.

Dự thảo Nghị quyết gồm 6 Điều. Điều 1: Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Điều 2: Quy định áp dụng về đánh giá phân loại đô thị để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính là thành phố, thị xã giai đoạn 2023 - 2025.

Điều 3: Quy định áp dụng về đánh giá phân loại đô thị là thị trấn để thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 - 2025. Điều 4: Quy định thành phần hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã đối với các trường hợp quy định tại dự thảo Nghị quyết.

Điều 5: Quy định việc khảo sát phục vụ việc thẩm định đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Điều 6: Điều khoản thi hành.

Ủy ban Pháp luật tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết với những lý do như đã nêu tại Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ dự thảo Nghị quyết đã bảo đảm đầy đủ theo quy định.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại phiên họp

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị phát biểu tại phiên họp

Về đối tượng áp dụng, một số ý kiến đề nghị chỉnh lý Điều 1 của dự thảo Nghị quyết theo hướng xác định cụ thể đối với: các quy định về bảo đảm yêu cầu phù hợp quy hoạch, rà soát, đánh giá, phân loại đô thị để thực hiện sắp xếp thành phố, thị xã, thị trấn thì chỉ áp dụng trong giai đoạn 2023 - 2025; các nội dung khác như rà soát, đánh giá, phân loại đô thị trong một số trường hợp cụ thể, khảo sát để phục vụ việc thẩm định đề án sắp xếp đơn vị hành chính thì có thể áp dụng cho cả giai đoạn 2023 - 2030.

Bên cạnh đó, đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết quy định: trong trường hợp sắp xếp, thành lập quận, phường ở các địa phương thực hiện mô hình chính quyền đô thị, không tổ chức cấp chính quyền địa phương thì không thực hiện đánh giá chỉ tiêu cân đối thu chi ngân sách để phù hợp với luật, nghị quyết của Quốc hội đối với các đơn vị hành chính đô thị đang thực hiện mô hình chính quyền đô thị (thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh).

Tin, ảnh: Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/thoi-su-quoc-hoi/tham-tra-cac-to-trinh-va-du-thao-nghi-quyet-ve-sap-xep-don-vi-hanh-chinh-cap-huyen-cap-xa-i384382/