Thẩm tra dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

Sáng 11-4, tại Hà Nội, Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội tổ chức phiên họp thường trực ủy ban mở rộng để thẩm tra sơ bộ dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội chủ trì phiên họp. Tham dự phiên họp có Trung tướng Lê Quốc Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an và đại diện một số bộ, ngành.

Theo Bộ Công an, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án luật, về sự cần thiết xây dựng, ban hành luật, trước hết, để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về xây dựng củng cố, duy trì lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách đối với lực lượng này gắn liền với kiện toàn, tinh gọn đầu mối, giảm chi ngân sách Nhà nước, tăng cường công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở cơ sở.

Bên cạnh đó, kịp thời tạo cơ sở pháp lý để quy định cụ thể nhiệm vụ, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng công an xã bán chuyên trách. Theo khảo sát, hiện nay trên toàn quốc có 70.867 công an xã bán chuyên trách đang được tiếp tục sử dụng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Đồng thời, sắp xếp, kiện toàn, thống nhất lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và các chức danh đội trưởng, đội phó đội dân phòng thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và được bố trí ở thôn, tổ dân phố, đơn vị dân cư tương đương.

Việc xây dựng, ban hành luật cũng giúp bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân; nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự tại địa bàn cơ sở; xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, có hiệu lực pháp lý cao.

Dự thảo luật có 5 chương, 31 điều, quy định về phạm vi điều chỉnh; vị trí, chức năng của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; tiêu chuẩn tuyển chọn; quan hệ công tác, phối hợp; các hành vi bị nghiêm cấm; nhiệm vụ của lực lượng này; bảo đảm điều kiện hoạt động; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức…

 Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội phát biểu tại phiên họp.

Trung tướng Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội phát biểu tại phiên họp.

Thẩm tra dự án luật, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành luật. Có ý kiến cho rằng, đây là vấn đề lớn, có nhiều nội dụng liên quan đến công tác tổ chức, vị trí pháp lý, kinh phí, ngân sách bảo đảm… Do đó, đề nghị việc sắp xếp, kiện toàn các lực lượng cần phải quán triệt nguyên tắc không tăng biên chế, chi phí và kinh phí quản lý ở trung ương, địa phương, không phát sinh thủ tục hành chính gây phiền hà cho nhân dân và không chồng chéo với chức năng, nhiệm vụ của lực lượng khác.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị, nếu dự án luật được Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Chính phủ cần chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, giải trình đầy đủ, thuyết phục hơn ý kiến của đại biểu Quốc hội khóa XIV, thể hiện rõ hơn tính chất tự nguyện, tự quản của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; bảo đảm tinh gọn tổ chức, bộ máy, không tăng số người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, không tăng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.

Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nhất trí với đề xuất của Chính phủ là trình Quốc hội xem xét bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5-2023), xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023). Một số ý kiến đề nghị lùi một kỳ họp so với đề xuất của Chính phủ, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-2023), xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5-2024).

Phát biểu tại phiên họp, Trung tướng Lê Tấn Tới nhấn mạnh, hội nghị thống nhất quan điểm về tính cấp thiết, phạm vi điều chỉnh, tên gọi, sự phù hợp với chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, quy định của Hiến pháp, pháp luật… của dự án luật. Đồng thời, thống nhất một số chính sách lớn và đề nghị bổ sung dự án luật vào Chương trình xây dựng luật và pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh chương trình năm 2023.

Trung tướng Lê Tấn Tới đề nghị, để hoàn thiện hồ sơ dự án luật cần có thẩm định chính thức của Bộ Tư pháp, ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, hoàn chỉnh một số nội dung của dự án luật theo ý kiến góp ý và xây dựng dự thảo nghị định kèm theo luật.

Tin, ảnh: MẠNH HƯNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tham-tra-du-an-luat-luc-luong-tham-gia-bao-ve-an-ninh-trat-tu-o-co-so-724617