Thăm Từ đường Nguyễn Khuyến

Giữa tháng 10, trong tiết trời thu nắng vàng nhẹ, gió heo may dịu mát thổi từng cơn, hương lúa mùa vẫn còn thơm ngát trên những con đường sau mùa thu hoạch, chúng tôi có dịp tới thăm Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến, ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục.

Giữa tháng 10, trong tiết trời thu nắng vàng nhẹ, gió heo may dịu mát thổi từng cơn, hương lúa mùa vẫn còn thơm ngát trên những con đường sau mùa thu hoạch, chúng tôi có dịp tới thăm Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến, ở làng Vị Hạ, xã Trung Lương, huyện Bình Lục.

Hưởng ứng phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, như bao làng quê khác, đường làng Vị Hạ giờ được bê tông rộng rãi, phẳng nhẵn. Nhưng đoạn ngõ nhỏ khoảng vài chục mét rẽ vào Từ đường Nhà thơ Nguyễn Khuyến lại được lát gạch nghiêng, tạo cảm giác hoài cổ trước khi bước vào Từ đường. Cúi người bước qua chiếc cổng gạch nhỏ (đã được sơn lại) phía trên có 3 chữ lớn “Môn tử môn” (cửa ra vào của học trò) thể hiện đạo lý “Tôn sự trọng đạo” của dân tộc là không gian tĩnh lặng, bình yên, linh thiêng - nơi thờ tự và lưu giữ nhiều kỷ vật quý gắn với cuộc đời, sự nghiệp của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Trên cổng ra vào, đúng mùa, hoa Sử quân tử (còn gọi là hoa giun) nở đỏ rực rỡ, mềm mại thả từng chùm, từng chùm xuống bên cổng tạo nên vẻ đẹp tao nhã mà gần gũi, thân thuộc. Hương hoa thơm dịu nhẹ, thanh khiết mê đắm lòng người. Theo quan niệm của nhiều người, hoa Sử quân tử với sức sống mãnh liệt là loài hoa đại diện cho người quân tử, người có khí chất thanh cao.

Cổng Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến. Ảnh: Thanh Châu

Nhà thơ Nguyễn Khuyến (1835 – 1909), tên thật là Nguyễn Thắng, hiệu là Quế Sơn, tự Miễu Chi, sinh ngày 15/2/1835, tại quê ngoại làng Văn Khế, xã Hoàng Xá, huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định. Quê nội ông ở làng Vị Hạ (tục gọi làng Và), xã Yên Đổ, nay là xã Trung Lương, huyện Bình Lục. Năm 1864, Nguyễn Khuyến đỗ đầu khoa thi Hương, đến năm 1871 ông liên tiếp đỗ đầu thi Hội, thi Đình. Vì đỗ đầu cả ba kỳ thi nên đương thời gọi ông là “Tam Nguyên Yên Đổ”. Năm 1873, ông được bổ chức Đốc học Thanh Hóa rồi thăng lên Án sát tỉnh Thanh Hóa. Năm 1883 ông được cử là Phó sứ đoàn đi sứ nhà Thanh. Làm quan từ năm 1871 đến năm 1884 thì ông cáo quan về nghỉ tại quê nhà khi 50 tuổi. Với hơn 800 tác phẩm viết bằng chữ Nôm, chữ Hán ở nhiều thể loại như: Thơ, văn, câu đối… Đặc biệt là chùm 3 bài thơ: Thu Điếu, Thu Ẩm, Thu Vịnh, thấm đẫm hồn Việt, đưa ông lên vị trí hàng đầu “Nhà thơ làng cảnh Việt Nam”.

Sau khi thành kính thắp nén hương thơm tưởng nhớ nhà thơ, chúng tôi dạo một vòng tham quan ao thu và “vườn Bùi” nổi tiếng - mang nét đặc trưng của “làng cảnh Việt Nam”. Trời sang thu, vườn Bùi đang được phát quang, dọn tỉa gọn gàng. Trong vườn, cây vối già nhiều năm tuổi vẫn vững vàng, trầm mặc dáng đổ nghiêng nghiêng. Trước nhà lạch nước trong in bóng cỏ cây hoa lá xung quanh. Ao thu, sen đã tàn, lác đác xuất hiện những bông súng đầu mùa nở hồng rực rỡ trên mặt nước. Quanh ao, phần giáp ruộng tre, trúc được trồng ken dầy thành rào kín, bốn mùa lá xanh, ríu rít tiếng chim kêu, xào xạc đón gió heo may hết thu này tới thu khác. Ngay cạnh ao thu là bia đá khắc bài thơ “Thu điếu” nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khuyến, một mặt chữ quốc ngữ, một mặt chữ Nôm và tiếng Anh: “Ao thu lạnh lẽo nước trong veo/ Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo/ Sóng biếc theo làn hơi gợn tí/ Lá vàng trước gió khẽ đưa vèo/ Tầng mây lơ lửng trời xanh ngắt/ Ngõ trúc quanh co khách vắng teo/ Tựa gối ôm cần lâu chẳng được/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo”.

Không chỉ là nơi thờ tự, từ đường còn lưu giữ nhiều kỷ vật gắn bó mật thiết với cuộc đời nhà thơ: 2 hòm sách, 2 ống quyển, 2 biển “Ân tứ vinh quy” vua ban cho ông nghè Nguyễn Khuyến, tấm ảnh ông chụp lúc sinh thời, câu đối của Tổng đốc Ninh - Thái Bùi Ước mừng vào mùa thu năm1872; bài thơ của tiến sỹ Dương Khuê tặng năm 1871, được khắc trên bức cuốn thư…

Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Làng Vị Hạ giờ không còn cảnh “Năm gian nhà cỏ thấp le te/ Ngõ trúc đêm sâu đóm lập lòe” - như trong bài "Thu ẩm” của nhà thơ Nguyễn Khuyến. Kinh tế phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, cảnh sắc làng quê cũng có nhiều thay đổi so với trước. “Nhà cỏ thấp le te” không còn, thay vào đó là nhà mái bằng, nhà cao tầng mọc lên san sát. Đường làng, ngõ xóm được bê tông rộng rãi, đêm về ánh đèn điện sáng trưng. Chỉ khu vực Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến vẫn giữ được nét phong cảnh làng quê xưa. Nhà mái ngói phủ rêu phong đậm phong cách cổ truyền của dân tộc. Trước nhà sân lát gạch, trồng hoa, cây ăn quả, có lạch nước, có ao thu…

Cô Lê Thị Thu, cháu dâu đời thứ 4 của cụ Nguyễn Khuyến chia sẻ: Gia đình tôi ở Hà Nội, nhưng tháng nào cũng vậy, cứ ngày mùng 1 và ngày rằm tôi đều bắt xe về Từ đường kính cẩn thắp hương cụ Nguyễn, cầu sức khỏe, bình an cho gia đình. Về Từ đường, không gian tĩnh lặng, vẫn giữ được nét đẹp cảnh sắc làng quê xưa đem lại cảm giác bình yên, thư thái. Bao năm qua, các thế hệ con cháu trong dòng họ luôn tự hào về cụ - nhà thơ lớn của dân tộc, một nho sĩ với nhân cách cao đẹp, một tấm lòng yêu nước thiết tha.

Chúng tôi rời Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến khi trời đã quá trưa, nắng thu trải vàng rực rỡ. Đi qua cổng làng Vị Hạ, trở lại cuộc sống ồn ào, náo nhiệt, bộn bề lo toan càng thấy trân trọng cảm giác tĩnh lặng, bình yên, thư thái khi đặt chân tới Từ đường. Làng quê giờ đổi thay nhiều, nhưng khu Từ đường Nguyễn Khuyến vẫn giữ được nét đẹp cảnh sắc vùng đồng chiêm xưa, vẫn giữ được nét thu đặc sắc của làng cảnh Việt Nam trong thời kỳ đổi mới; là điểm đến của nhiều du khách, đặc biệt là các em học sinh trong và ngoài tỉnh khi muốn tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp và quê hương của Nhà thơ Nguyễn Khuyến.

Vĩnh Linh

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/van-hoa/di-san/tham-tu-duong-nguyen-khuyen-105527.html