Tham vấn môi trường dự án thuê 68 ha rừng đặc dụng Tam Đảo để làm du lịch sinh thái
Bộ Tài nguyên và Môi trường đang thực hiện tham vấn môi trường báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Khu du lịch sinh thái số 2 tại Vườn quốc gia Tam Đảo, thuê 68 ha môi trường rừng đặc dụng trong 30 năm. Chủ đầu tư dự án này là Công ty cổ phần Nam Tam Đảo, với đại diện là ông Lê Xuân Trường - Tổng giám đốc.
Theo báo cáo, tổng diện tích thuê môi trường rừng là 68 ha tại tiểu khu 102 và 105A, thuộc phân khu hành chính - dịch vụ của Vườn quốc gia Tam Đảo (xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc). Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 731,480 nghìn tỷ đồng.
Vườn quốc gia Tam Đảo đã ký hợp đồng với Công ty Nam Tam Đảo cho thuê môi trường rừng đặc dụng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí. Thời gian thuê rừng là 30 năm kể từ ngày hai bên bàn giao diện tích cho thuê.
Các loại đất trong khu vực thuê bao gồm: Đất trống, vườn, nhà, nương rẫy, cây bạch đàn, chuồng gia súc…: 24,61 ha; Rừng tái sinh phục hồi (gồm cả mặt nước, đường): 21,48 ha; Rừng hỗn giao, gồm cả mặt nước, đường: 12,96 ha; Rừng trồng thông, keo (gồm cả mặt nước, đường): 8,95 ha.
Kết quả điều tra, đánh giá hiện trạng tài nguyên sinh học của khu vực thực hiện dự án cho biết, tổng trữ lượng gỗ trong khu vực là 5.542,500 m3, trong đó gỗ rừng tự nhiên là 1.678,984 m3, gỗ rừng trồng là 3.863,514 m3, tổng số cây tre nứa là 853.575 cây.
Không bắt gặp các loài thực vật quý hiếm có giá trị cần được bảo tồn tại khu vực dự án. Các loài động vật phân bố tại đây chủ yếu là các loài phổ biến phân bố rộng, kích thước nhỏ như: các loài chim trích, chim sẻ, gõ kiến…; Các loài thú (chuột, dúi…); Các loài bò sát (thằn lằn, rắn…)…
Tiến độ thực hiện dự án là 36 tháng. Quy mô chia làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 với 60,15 ha và giai đoạn 2 với 7,85 ha. Khi khai thác kinh doanh, số lượng khách ước tính 500 khách/ngày (175.000 khách/năm). Số lượng nhân viên phục vụ khoảng 220 người.
Các hạng mục công trình chính của dự án, gồm: Khu nhà dừng chân nghỉ ngơi tại 6 vị trí với tổng diện tích 23.448,98 m2, tầng cao 2 tầng, mật độ xây dựng 40%;
Khu cây xanh dịch vụ tại 8 vị trí (vườn thực vật - vườn Nhật; khu thể thao - dã ngoại - vườn thực vật; khu vui chơi ngoài nhà; 3 khu cắm trại - các hoạt động sự kiện ngoài trời; khu vườn thực vật, cắm trại - các hoạt động sự kiện ngoài trời; khu công viên nước; khu các chòi ngắm cảnh) với tổng diện tích 91.620,48 m2, tầng cao tối đa 2 tầng, mật độ xây dựng 5% ÷ 15%;
Khu nhà hàng - dịch vụ có diện tích 5.471,37 m2, tầng cao tối đa 2 tầng, mật độ xây dựng 40%;
Khu dịch vụ - sinh hoạt cộng đồng tại 8 vị trí (7 công trình dịch vụ và lầu vọng cảnh trên cao) với tổng diện tích 18.060,32 m2, tầng cao tối đa 3 tầng, mật độ xây dựng 40%;
Khu quảng trường - sân lễ hội tại 2 vị trí với tổng diện tích 3.323,81 m2, tầng cao tối đa 1 tầng, mật độ xây dựng dự kiến 5%.
Các hạng mục công trình phụ trợ của dự án: Khu hạ tầng kỹ thuật tại 7 vị trí (khu thu gom rác thải; khu bể chứa nước sạch; khu trạm biến áp; khu xử lý nước thải; bãi đỗ xe; đường giao thông, cầu, cống hộp; đường dạo) với tổng diện tích 32.113,78 m2, mật độ xây dựng dự kiến 40% (riêng khu đỗ xe mật độ xây dựng là 5%), số tầng cao tối đa 1 tầng.
Các hạng mục công trình bảo vệ môi trường: hệ thống thoát nước mưa; hệ thống thoát nước thải; hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt (gồm 13 hệ thống. Nước thải sau xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật, một phần được tận dụng tưới cây rửa đường, một phần xả ra suối và hồ trong khu vực dự án); 2 nhà kho chứa chất thải nguy hại; khu cây xanh cảnh quan với tổng diện tích 39.909,27 m2, tầng cao tối đa 1 tầng; mặt nước với tổng diện tích 35.065,92 m2; khu cây xanh lâm nghiệp có tổng diện tích 362.236,25 m2.
Trong khu vực triển khai dự án có khoảng 15 hộ dân địa phương đang canh tác. Vườn quốc gia Tam Đảo đã phối hợp với nhà đầu tư và chính quyền địa phương hỗ trợ tài sản hoa màu, vật nuôi cho các hộ dân. 13 hộ dân đã nhận hỗ trợ, thu dọn lều lán, nhà tạm, cây cối, chuồng trại vật nuôi... bàn giao lại đất cho Vườn quốc gia Tam Đảo. Hiện đang vận động 2 hộ dân còn lại nhanh chóng tận thu hoa màu, thu dọn lều trại để bàn giao lại đất cho Vườn quốc gia Tam Đảo.
Trong khu vực dự án có một số nhà tạm, chòi của các hộ dân tự khai hoang để trông coi cây bạch đàn, keo, chăn nuôi... Các khu vực thuộc dự án chưa tiến hành xây dựng, hiện nay là đất đồi núi, đất trống và đất cây xanh mọc tự nhiên.
Trong phạm vi khu đất dự án không có các công trình văn hóa, lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng, không có mồ mả thuộc diện di dời và giải tỏa. Đền Thượng Thanh Lanh cách dự án khoảng 3,2 km. Chùa Thanh Lanh cách khu vực dự án khoảng 4,2 km.
Nhà đầu tư thuê môi trường rừng của Vườn quốc gia Tam Đảo sẽ sử dụng đất rừng để triển khai hoạt động xây dựng các công trình dịch vụ phục vụ du lịch sinh thái; bảo đảm nguyên tắc theo quy định của pháp luật về lâm nghiệp: không chuyển mục đích sử dụng rừng và đất rừng, không chuyển quyền sử dụng đất rừng.
"Dự án là dự án đầu tư nhóm I có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và có yếu tố nhạy cảm về môi trường quy định tại điểm c khoản 4 Điều 28 Luật Bảo vệ môi trường, do đó dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường theo quy định", báo cáo cho biết.
Báo cáo nhận dạng các đối tượng bị tác động, yếu tố nhạy cảm về môi trường khu vực thực hiện dự án. Theo đó, đối tượng bị tác động là môi trường không khí tại khu vực dự án và xung quanh dự án; Môi trường nước mặt tại khu vực suối Theo Cầu có khả năng bị ô nhiễm do các hoạt động thi công và vận hành dự án;
Người dân xung quanh dự án, du khách tại các dự án trên tuyến đường giao thông vào dự án ảnh hưởng bởi hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu trong giai đoạn thi công; Tuyến đường giao thông vào khu vực dự án ảnh hưởng do hoạt động vận chuyển nguyên vật liệu ra vào khu vực dự án bởi các xe có tải trọng lớn; Tài nguyên sinh vật tại dự án (động vật, thực vật và vi sinh vật).
Các yếu tố nhạy cảm là suối Theo Cầu (nơi tiếp nhận trực tiếp nước thải sau xử lý của dự án); hồ Thanh Lanh (nơi tiếp nhận nguồn nước từ suối Theo Cầu chảy về, nguồn nước tại hồ có nhiệm vụ chính giữ nước phục vụ tưới cho khoảng 160 ha đất canh tác nông nghiệp, cải thiện môi trường sinh thái và cấp nước sinh hoạt cho dân cư vùng hạ lưu công trình; Đất cây xanh lâm nghiệp được xác định là vùng bảo tồn thiên nhiên có diện tích 352.167,3 m2 được giữ nguyên hiện trạng.
“Để hạn chế, giảm thiểu những tác động bất lợi do dự án gây ra trong quá trình triển khai, nhà đầu tư cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp giảm thiểu đã nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường này nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những tác động tiêu cực đến môi trường tự nhiên và xã hội. Đồng thời, chịu sự giám sát về công tác quản lý và bảo vệ môi trường của các cơ quan chức năng trong tất cả các giai đoạn của dự án”, báo cáo cho biết.
Phạm Anh Tuấn
Vườn quốc gia Tam Đảo nằm trọn trên dãy núi Tam Đảo, một dãy núi lớn dài trên 80 km, rộng 10 –15 km chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Vườn trải rộng trên ba tỉnh Vĩnh Phúc (huyện Tam Đảo), Thái Nguyên (huyện Đại Từ) và Tuyên Quang (huyện Sơn Dương), cách Hà Nội khoảng 75 km về phía Bắc.
Vườn quốc gia Tam Đảo nổi tiếng là một khu rừng rậm sinh thái, với diện tích rộng đến 34.995 ha, trong đó diện tích rừng chiếm tới 26.163 ha, đây chủ yếu là dạng rừng tự nhiên mưa ẩm thường xuyên, nên rất đa dạng về những loại động thực vật.