Tham vấn ý kiến các địa phương về dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ
Bộ Giao thông Vận tải GTVT đề nghị UBND 6 tỉnh, thành phố có tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ đi qua cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án hạ tầng quan trọng này.
Bộ GTVT vừa có Công văn số 4615 gửi UBND TP HCM, Cần Thơ và UBND các tỉnh: Bình Dương, Vĩnh Long, Tiền Giang, Long An đề nghị tham gia ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ.
Hiện, Ban quản lý dự án đường sắt đã hoàn thành dự thảo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án. Để đảm bảo trình tự, thủ tục và cơ sở pháp lý trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ.
Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh/thành phố có tuyến đường sắt đi qua nghiên cứu, tham gia ý kiến về nội dung Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, đặc biệt lưu ý tới sự phù hợp của dự án với chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; sự cần thiết đầu tư; sự phù hợp về mục tiêu, địa điểm, phạm vi, quy mô dự kiến.
Ý kiến thống nhất về hướng tuyến, vị trí và quy mô, diện tích các nhà ga, diện tích quỹ đất phát triển đô thị, công nghiệp liên quan đến các nhà ga (TOD); Phương án kết nối các ga hành khách, hàng hóa, các điểm khống chế, kết nối đầu mối vận tải; Khối lượng giải phóng mặt bằng dự kiến; hiệu quả kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững...
Để có cơ sở hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi bảo đảm tiến độ, Bộ GTVT đề nghị UBND các tỉnh/thành phố gửi ý kiến tham gia về Bộ GTVT trước ngày 15/5/2023.
Theo dự thảo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi do Ban quản lý dự án đường sắt lập, tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh, thành với tổng chiều dài 174,42 km.
Tuyến đường sắt này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ đường 1.435 mm, điện khí hóa để khai thác cả tàu khách và tàu hàng. Trên tuyến cần bố trí 15 ga, 11 trạm bảo dưỡng, sửa chữa...
Công nghệ được lựa chọn cho đường sắt TP HCM - Cần Thơ là đoàn tàu động lực phân tán (EMU) cho tàu khách và đoàn tàu động lực tập trung cho tàu hàng, tín hiệu điều khiển tàu tự động trên nền tảng thông tin vô tuyến. Tốc độ thiết kế lớn nhất để chạy tàu là 190km/h, khai thác tàu khách với tốc độ dưới 190km/h, tàu hàng khai thác tốc độ dưới 120km/h.
Tổng mức đầu tư dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ dự kiến 213.948 tỷ đồng (khoảng 9,07 tỷ USD).
Đơn vị tư vấn nghiên cứu dự án đề xuất đầu tư dự án đường sắt TP HCM - Cần Thơ theo phương thức đối tác công tư (PPP). Nhà nước thanh toán tiền giải phóng mặt bằng, nhà đầu tư PPP huy động vốn xây dựng hạ tầng, thử nghiệm và bàn giao lại cho Nhà nước theo hình thức hợp đồng BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ).
Theo đó, nhà đầu tư PPP đầu tư hạ tầng và cho đơn vị vận hành thuê. Đề xuất thuê khai thác trong vòng 30 năm.