Tham vấn ý kiến nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi)

Chiều 8/10, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Tổng Liên đoàn) đã tổ chức Hội nghị tham vấn ý kiến các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi).

Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Đình Khang - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn, Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật Công đoàn (sửa đổi); các Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn: Ngọ Duy Hiểu, Phan Văn Anh; các đồng chí là nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn các thời kỳ; đại diện Ủy ban Xã hội của Quốc hội.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn.

Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Đình Khang cho biết, Luật Công đoàn (sửa đổi) được xác định là đạo luật khó, vừa bảo đảm để Công đoàn thực hiện tốt vai trò là tổ chức chính trị - xã hội, vừa làm tốt vai trò là tổ chức đại diện, bảo vệ người lao động. Trong thời gian vừa qua, được sự phân công của Quốc hội, Tổng Liên đoàn đã tích cực phối hợp với các cơ quan có liên quan chuẩn bị dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5, 6/2024).

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Tổng Liên đoàn đã phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Đến nay cơ bản đã hoàn thành, chuẩn bị trình Quốc hội xem xét thông qua vào Kỳ họp thứ 8, dự kiến báo cáo tại hội trường vào ngày 24/10, thông qua vào ngày 26/11. Quá trình chuẩn bị dự thảo Luật được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá là nghiêm túc, thận trọng, chất lượng. Kết quả đạt được đến nay là sự cố gắng rất lớn của Tổng Liên đoàn.

Đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, Tổng Liên đoàn xác định, việc sửa đổi Luật Công đoàn lần này phải đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam, tổ chức rộng lớn của giai cấp công nhân và người lao động, ngày càng lớn mạnh, hoạt động hiệu quả, thu hút được đông đảo người lao động tham gia.

Sửa Luật Công đoàn cần kế thừa những nội dung đã khẳng định được tính hợp lý, ổn định, hiệu quả trong quá trình thực hiện. Việc sửa đổi phải phù hợp với thể chế chính trị, phù hợp với yêu cầu phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế dưới sự lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn.

Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: Hải Nguyễn.

Việc sửa Luật Công đoàn trong bối cảnh hiện nay cũng đã có nhiều thay đổi so với thời điểm ban hành Luật Công đoàn 2012, cùng với đó là yêu cầu tuân thủ các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản mà Việt Nam đã và sẽ tham gia, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; tình hình công nhân Công đoàn cũng có những thay đổi quan trọng…

Tại Hội nghị, từ kinh nghiệm thực tiễn hoạt động và sự tâm huyết với tổ chức Công đoàn, các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn đã đóng góp nhiều ý kiến thiết thực vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong đó, các đại biểu đánh giá cao dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã cụ thể hóa về quyền đại diện của Công đoàn đã được Hiến pháp quy định, trong đó có quyền giám sát, phản biện của Công đoàn; đồng tình với việc giữ 2% kinh phí Công đoàn là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay…

Nhiều ý kiến bày tỏ đồng tình, đánh giá cao với quy định tại Khoản 4 Điều 26 của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), đó là Tổng Liên đoàn quyết định số lượng cán bộ Công đoàn chuyên trách là người làm việc theo hợp đồng lao động trong các cơ quan chuyên trách của Công đoàn và Công đoàn cơ sở theo từng giai đoạn, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, số lượng đoàn viên Công đoàn, người lao động và khả năng tài chính của Công đoàn. Các đại biểu cho rằng, quy định này rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay, khi đoàn viên liên tục tăng, cơ sở của Công đoàn liên tục phát triển.

Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của Tổng Liên đoàn trong việc xây dựng dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và cho rằng dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Các đại biểu cũng cho rằng, cần tiếp tục kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền để ủng hộ các quy định trong dự thảo Luật.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trân trọng cảm ơn những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các đồng chí nguyên lãnh đạo Tổng Liên đoàn vào dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi); đồng thời cho biết, Tổng Liên đoàn sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) để trình Quốc hội.

Mạnh Quân

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tham-van-y-kien-nguyen-lanh-dao-tong-lien-doan-ve-du-thao-luat-cong-doan-sua-doi-178802.html