Thăm, viếng Bác ở Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh - nét đẹp ngày xuân
Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình văn hóa có ý nghĩa đặc biệt đối với nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Nơi đây lưu giữ, trưng bày gần 2.000 ảnh, tư liệu, hiện vật, kỷ vật, sách báo, phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những thành tựu mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực đạt được trong 50 năm thực hiện Di chúc của Người và những lời dạy của Bác đối với Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa. Chính vì vậy, đây là điểm đến vừa có ý nghĩa chính trị, tư tưởng, vừa thể hiện tình cảm sâu sắc, tri ân và lòng thành kính đối với Người cha già dân tộc.
Đông đảo nhân dân đến tham quan trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Thanh Hóa – Thanh Hóa 50 năm thực hiện Di chúc của Bác” tại Khu Văn hóa tưởng niệm Bác.
Đã thành thông lệ, Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh là điểm đến đầu tiên của ông Lê Đức Nghi mỗi độ tết đến, xuân về. Vinh dự được gặp, nghe Bác Hồ nói chuyện trong lần đầu Người về thăm Thanh Hóa, trong suốt cuộc đời mình, ông luôn nỗ lực học tập, dấn thân theo con đường mà Đảng, Bác Hồ đã lựa chọn. Trưởng thành từ phong trào đoàn thanh niên, làm giáo viên, rồi cán bộ, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thị ủy phụ trách mảng khoa giáo, lịch sử; khi về hưu, ông tiếp tục nghiên cứu lịch sử, hiện là Chi hội trưởng Chi hội khoa học lịch sử TP Thanh Hóa.
Thành kính thắp nén nhang dâng Bác, bên những kỷ vật của Người được trưng bày tại Khu Văn hóa tưởng niệm, ông Lê Đức Nghi xúc động cho biết: Cụ Hồ từ Chi Nê (Hòa Bình) vào Nho Quan (Ninh Bình) hôm trước; rồi tiếp tục hành trình đến Đò Lèn (Thanh Hóa) chừng 3 giờ sáng ngày 20-2-1947. Một số cán bộ tỉnh Thanh Hóa đi đón, được Bác mời đi cùng xe ô tô. Biết gần tỉnh lỵ có rừng, Bác bảo lên thẳng đó làm việc. Nói chuyện với cán bộ tỉnh ở rừng Thông, huyện Đông Sơn, Bác nhấn mạnh: “Phải nhớ đoàn thể làm việc cho dân... Dân nghe theo là mình mạnh. Hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân. Hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Nhưng có những việc dân không muốn mà phải làm..., phải giải thích cho dân rõ. Phải tôn kính dân, phải làm cho dân tin, phải làm gương cho dân. Muốn cho dân phục phải được dân tin, muốn cho dân tin phải thanh khiết”. Ông Lê Đức Nghi còn nhớ, buổi chiều cùng ngày, Cụ Hồ có buổi nói chuyện với các đại biểu nhân sĩ trí thức, phú hào trong tỉnh tại nhà ông Đỗ Hùng, ở thôn Tân Thọ (nay là Tân Độ, xã Đông Tân, TP Thanh Hóa). Cụ Hồ trao đổi sâu về trường kỳ kháng chiến và nhấn mạnh: “Tỉnh Thanh Hóa rất có thể làm một tỉnh kiểu mẫu. Vì tỉnh nhà có đủ điều kiện: Người đông, đất rộng, của nhiều, chỉ cần có thêm lòng quả quyết nữa”. Người còn chỉ rõ về văn hóa, quân sự, chính trị, kinh tế phải làm những gì và kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo đi làm. Báo “Chống giặc” của cơ quan Ủy ban Kháng chiến Thanh Hóa phản ánh: Sau khi hăng hái tham gia ý kiến, các phú hào đã quyên vào quỹ giúp đồng bào tản cư, di cư hơn 6 vạn đồng và nhiều thóc gạo.
Ngoài những hiện vật, tài liệu gắn liền với cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Người được trưng bày trong Nhà tưởng niệm thì có một hiện vật thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách đến tham quan là chiếc trống đồng - biểu tượng tinh hoa văn hóa, hồn cốt dân tộc Việt Nam, đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam trao giấy xác lập kỷ lục: Trống đồng đúc bằng phương pháp thủ công truyền thống lớn nhất, phá kỷ lục Việt Nam vào tháng 11-2010. Kỷ vật do ông Nguyễn Xuân Lâm, từng là hội viên Hội Di sản Văn hóa và Cổ vật Thanh Hóa, dâng tặng. Ông Lâm cho biết, chiếc trống đồng ông đúc tặng dâng lên Khu Văn hóa tưởng niệm Bác Hồ nhân dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội và Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2010 - 2015). Lý do hết sức chân thành, đơn giản chính là tình cảm, sự ngưỡng mộ, biết ơn dành cho Bác Hồ, các vị anh hùng dân tộc, tôn vinh làng nghề đúc đồng truyền thống, nền văn hóa Đông Sơn và góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc dâng tặng chiếc trống đồng với ông là điều hiển nhiên của một công dân Việt Nam yêu nước.
Nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019) và 50 năm Ngày mất của Người (2-9-1969 – 2-9-2019); 74 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc khánh 2-9, từ ngày 28-8 đến ngày mùng 5-9-2019, tại Khu Văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa 50 năm thực hiện Di chúc của Bác”, thu hút đông đảo các đoàn đại biểu của các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, thị xã, thành phố và các tầng lớp nhân dân, các em học sinh về dâng hoa, dâng hương, báo công với Bác Hồ và tham quan.
“Thông qua trưng bày chuyên đề nhằm tuyên truyền nội dung và khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn của Di chúc; thể hiện sự tri ân sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn vàn kính yêu. Qua đó, góp phần củng cố nền tảng tư tưởng và bồi đắp niềm tin của nhân dân với Đảng; khơi dậy niềm tự hào, tin tưởng, tích cực thi đua học tập, công tác, tu dưỡng, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác và thực hiện những lời dạy trong Di chúc của Người trong toàn Đảng bộ, toàn quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa” - là khẳng định của đồng chí Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Văn Phát tại lễ khai mạc trưng bày chuyên đề “Bác Hồ với Thanh Hóa - Thanh Hóa 50 năm thực hiện Di chúc của Bác”.
Thực hiện theo di huấn của Bác Hồ, Đảng bộ, quân, dân Thanh Hóa đã giành được thành tựu toàn diện. Trong năm 2019, kinh tế - xã hội của tỉnh đã có sự phát triển đột phá trên nhiều lĩnh vực mà từ trước đến nay chưa bao giờ đạt được: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt tới 17,15%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả cao hơn bình quân chung cả nước về số tiêu chí/xã, tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới và là một trong những tỉnh có kết quả xây dựng nông thôn mới tốt nhất cả nước. Giáo dục mũi nhọn và thể thao thành tích cao tiếp tục duy trì vị trí nhóm các tỉnh dẫn đầu cả nước. Thi Olympic quốc tế, học sinh Thanh Hóa giành được 3 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc, là kết quả cao nhất từ trước đến nay. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường và đạt nhiều kết quả quan trọng. Thanh Hóa là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã theo tinh thần Nghị quyết số 37 ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị. Đây là kết quả của sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nỗ lực cố gắng của rất nhiều thế hệ lãnh đạo và các tầng lớp nhân dân Thanh Hóa trong suốt thời gian qua. Năm nay, kỷ niệm 73 năm Ngày Bác Hồ lần đầu tiên về thăm Thanh Hóa; tiếp tục khắc ghi tình cảm, công ơn sâu nặng của Bác Hồ; tôn vinh những tập thể kiểu mẫu, công dân gương mẫu; tự giác, thường xuyên học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh khá của cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; xây dựng “Thanh Hóa trở nên tỉnh kiểu mẫu” như Bác hằng mong muốn.