Tham vọng bứt phá sau phát súng lệnh
Trong khi hầu hết quốc gia, các hãng viễn thông trên thế giới mới bước vào giai đoạn đầu của quá trình triển khai mạng 5G và thực tế 5G vẫn chưa phổ biến thì một cuộc chạy đua mới về nghiên cứu và phát triển mạng di động không dây thế hệ thứ 6 (gọi tắt là 6G) đã chính thức nổ ra.
Tuần qua, trang tin công nghiệp c114.com.cn của Trung Quốc cho biết, nhà mạng China Unicom và nhà sản xuất thiết bị viễn thông ZTE đã đạt được thỏa thuận hợp tác về việc nghiên cứu và phát triển mạng 6G. Theo thỏa thuận này, hai bên sẽ thảo luận về triển vọng, xu hướng công nghệ, nghiên cứu các công nghệ 6G chủ chốt và hợp tác về các tiêu chuẩn. Tờ Hindustan Times của Ấn Độ thì cho biết, đến nay, Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc cũng đã thực hiện một số công việc nhằm chuẩn bị cho công nghệ 6G và sẽ triển khai những chi tiết về công nghệ này trong vài năm tới.
Dù cho công nghệ 6G được dự báo phải cần ít nhất một thập kỷ nữa mới có thể chính thức ra đời và thương mại hóa, song đến nay, 6G đã được nhìn nhận như một công nghệ sẽ có thực chứ không phải viễn tưởng. Một số đánh giá cho rằng mạng 6G sẽ sở hữu tốc độ “siêu khủng”, cụ thể là có thể đạt tốc độ dữ liệu tải xuống lên tới 1.000GB/giây, nhanh gấp nhiều lần so với mạng 5G. Chuyên gia Mahyar Shirvanimoghaddam của Đại học Sydney (Australia) còn cho rằng, một khi 6G ra đời, con người thậm chí có thể sử dụng các thiết bị điện tử thông minh thông qua sóng não. Nói cách khác, 6G được dự báo sẽ đem lại những bước tiến vượt bậc cho khoa học và công nghệ trong tương lai. Và dĩ nhiên, để đạt được điều đó còn cần những bước nhảy vọt trong nhiều lĩnh vực đi kèm như khoa học vật liệu, kiến trúc máy tính, thiết kế chip hay sử dụng năng lượng…
Nhưng đó là chuyện sau này, còn hiện tại, khi các cường quốc đều đang nỗ lực chiếm vị trí tiên phong trong thị trường công nghệ viễn thông, nghiên cứu và phát triển mạng 6G đang thực sự trở thành một chiến trường cạnh tranh khốc liệt và được ưu tiên hàng đầu. Tháng 2-2019, đích thân Tổng thống Donald Trump đã xuất hiện trên mạng Twitter để tuyên bố rằng, nước Mỹ muốn mạng 5G, thậm chí là 6G càng sớm càng tốt và chẳng có lý do gì người Mỹ phải chịu lùi bước trong nỗ lực sở hữu mạng di động với chất lượng “siêu thực” này. Khi ấy, nhiều người chỉ "cười nhẹ". Nhưng đến nay thì tất cả đều thừa nhận rằng ông Donald Trump không chỉ nói khoác cho vui, bởi theo một số nguồn tin, cường quốc số một thế giới đã chính thức bắt đầu triển khai nghiên cứu 6G.
Ngoài Mỹ và Trung Quốc, hiện một số quốc gia và công ty lớn chuyên về công nghệ khác cũng đang bước vào cuộc đua. Gần đây nhất, tháng 1-2020, Nhật Bản đã đưa ra một dự án về phát triển mạng 6G, đồng thời tuyên bố ý định đưa đất nước mặt trời mọc chiếm vị trí dẫn đầu trong các nỗ lực tiêu chuẩn hóa và nghiên cứu 6G. Trước đó, hai công ty danh tiếng là Samsung và LG đều đã thành lập các trung tâm nghiên cứu 6G tại Hàn Quốc…
Không chỉ là xu thế tất yếu của thời đại số, phát triển mạng 6G còn phản ánh một cuộc đọ sức khốc liệt giữa Trung Quốc và phương Tây, đặc biệt là Mỹ, trong lĩnh vực công nghệ. Và có lẽ cũng giống như việc phát triển mạng 4G hay 5G trước đây, trong cuộc đua lần này, bên nào cũng đang chứng tỏ tham vọng “tách tốp” ngay sau phát súng mở màn nhằm giành cho được cái gọi là “bá chủ công nghệ viễn thông toàn cầu”.