Tham vọng của 'vua cà phê' Đặng Lê Nguyên Vũ
Xây thành phố chủ đề cho Buôn Ma Thuột, đưa cà phê sữa Việt Nam thành di sản UNESCO, làm mạng xã hội cà phê toàn cầu… là những mục tiêu tham vọng của 'vua cà phê' Đặng Lê Nguyên Vũ và Trung Nguyên Legend trong thời gian qua.
Tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 (diễn ra từ ngày 10/3-14/3/2023), Tập đoàn Trung Nguyên Legend một lần nữa nhắc lại những sáng kiến để biến tầm nhìn 20 tỷ USD của cà phê Việt Nam thành hiện thực. Các sáng kiến này đã được ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch Trung Nguyên Legend đưa ra từ 10 năm trước với nhận định: “Ngành cà phê Việt Nam có thể đem về lợi nhuận khoảng 20 tỷ USD/năm nếu chúng ta biết cách làm tốt hơn hiện nay cũng như xây dựng được một chiến lược quốc gia về phát triển ngành cà phê”.
Theo đó, năm 2012, khi tham dự Hội thảo “Thiết lập chương trình nghị sự quốc tế” lần thứ 13 tổ chức tại Lucerne (Thụy Sĩ), ông Đặng Lê Nguyên Vũ đưa ra khái niệm về “học thuyết cà phê” và “7 sáng kiến chung cho ngành cà phê toàn cầu”, qua đó giúp nâng cao giá trị cà phê Việt Nam.
Bảy sáng kiến bắt đầu từ việc tư duy lại khái niệm cà phê, không chỉ là cà phê nhân, vật lý mà còn cà phê tinh thần, cà phê xã hội. Thứ hai, tìm ra tầm nhìn về một cộng đồng cà phê toàn cầu. Thứ ba, đa dạng hóa phong cách, chuẩn mức, văn hóa thưởng lãm cà phê. Thứ tư, tuần hoàn hóa một cách tổng thể, tích hợp chuỗi sản xuất cà phê. Thứ năm, công bằng hóa trong việc trao đổi chuỗi giá trị.
Thứ sáu, góp phần hình thành trong chế độ bản vị nông sản trong hệ thống toàn cầu, trong đó cà phê là ứng viên sáng giá nhất trong hệ thống bản vị tương lai của loài người. Cuối cùng là cùng nhau tạo dựng những điều kiện hình mẫu, chuyển thành phố Buôn Ma Thuột thành thành phố cà phê toàn cầu.
Đến nay, sáng kiến thứ 2 trong “7 sáng kiến chung cho ngành cà phê toàn cầu” đã được Trung Nguyên Legend triển khai, từng bước hiện hình với dự án Thành phố Cà phê và công trình nổi bật của ngành cà phê Việt Nam – Bảo tàng Thế giới Cà phê.
Dự án Thành phố Cà phê với quy mô 45,45 ha, khởi công từ tháng 1/2017. Trong đó, Bảo tàng Thế giới Cà phê chính thức mở cửa từ tháng 11/2018, lưu giữ hơn 11.000 hiện vật của 3 nền văn minh cà phê tiêu biểu, có niên đại nhiều thế kỷ. Theo Trung Nguyên Legend, sau hơn 4 năm mở cửa, Bảo tàng Thế giới Cà phê đã đón tiếp gần 4 triệu lượt khách từ hơn 22 quốc gia, góp phần nâng doanh thu ngành du lịch Đắk Lắk tăng hơn 473%.
Tại Hội nghị kết nối giao thương quốc tế năm 2023 trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8, đại diện Trung Nguyên Legend cho biết, tập đoàn đang thực hiện ba nhiệm vụ chiến lược. Một là biến cà phê thành khác biệt, đặc biệt và duy nhất. Hai là định vị cà phê Trung Nguyên Legend là cà phê tỉnh thức, chuyên cho trí não, sáng tạo. Ba là đồng hành cùng Đắk Lắk để biến nơi đây thành nơi hội tụ tinh hoa của 3 nền văn minh cà phê.
Những chiến lược này được hiện thực hóa bằng 5 nhóm hành động cốt yếu:
Cùng UBND tỉnh Đắk Lắk, thành phố Buôn Ma Thuột trong tiến trình đề xuất cà phê sữa đá, cà phê phin của Việt Nam cũng như một số vùng trồng cà phê Buôn Ma Thuột thành di sản cà phê được UNESCO công nhận.
Cam kết đồng hành đưa các sự kiện cà phê quốc tế về với Buôn Ma Thuột.
Đóng góp ý tưởng, cách thức thực thi mạng xã hội cà phê toàn cầu.
Cùng địa phương xây dựng bảo tàng thế giới cà phê là vùng lõi của trung tâm, sau đó phát triển các bảo tàng vệ tinh xung quanh.
Hiện thực hóa các hợp đồng truyền thông quảng bá trực tiếp cà phê của Buôn Ma Thuột.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2022, xuất khẩu cà phê Việt Nam đạt hơn 1,78 triệu tấn, kim ngạch trên 4,06 tỷ USD, tăng 32% so với năm trước, đạt cao kỷ lục từ trước đến nay. Kết quả có được nhờ đẩy mạnh xuất khẩu, khi năm vừa qua giá cà phê tăng cao trên toàn cầu, kết hợp với việc Fed tăng lãi suất 7 lần liên tiếp khiến tỷ giá USD/VND tăng mạnh. Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam nhận định, Việt Nam sẽ tiếp tục là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2023-2033.
Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/tham-vong-cua-vua-ca-phe-dang-le-nguyen-vu-post18898.html