Tham vọng đằng sau trái sầu riêng Trung Quốc
Trung Quốc đang đầu tư lớn vào ngành sản xuất trái cây nhiệt đới ở tỉnh Hải Nam, với tham vọng thay thế hoa quả nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á.
Lim Chin Khee là một chuyên gia về sầu riêng, người sáng lập Học viện Sầu riêng ở thủ đô Kuala Lumpur của Malaysia. Cứ mỗi 2 tháng, ông lại tới Trung Quốc để hỗ trợ nông dân nước này trồng sầu riêng.
Một trong những vấn đề mà vị chuyên gia hướng đến là tư vấn giúp các trang trại sử dụng hiệu quả nước tưới và phân bón, theo South China Morning Post.
Đầu tư lớn ở Hải Nam
Malaysia là một trong những nước đi đầu xuất khẩu sầu riêng đông lạnh cao cấp tới Trung Quốc. Việc ông Lim sẵn lòng hỗ trợ nông dân Trung Quốc là chỉ dấu cho thấy Malaysia, cũng như nhiều quốc gia Đông Nam Á khác, tự tin rằng hoa quả nhiệt đới của Trung Quốc sẽ không thể sớm thay thế hàng nhập khẩu.
Nhưng ngay lúc này, Malaysia, Thái Lan hay Philippines đang theo dõi sát sao những bước tiến của ngành trái cây nhiệt đới Trung Quốc với tâm lý cảnh giác, đề phòng sự trỗi dậy của đối thủ đáng gờm.
Từ thập niên 1950, nông dân Trung Quốc đã bắt đầu trồng các loại hoa quả nhiệt đới ở tỉnh Hải Nam, trên diện tích khoảng 206.000 ha. Từ 2020, Hải Nam đầu tư mạnh tay và ứng dụng công nghệ vào trồng sầu riêng trên quy mô lớn, với kỳ vọng loại quả này sẽ trở thành sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
Hải Nam đang chờ thu hoạch vụ sầu riêng đầu tiên của năm nay. Dự kiến, khoảng 2.450 tấn sầu riêng sẽ được tỉnh này tung ra thị trường trong tháng 6, kênh truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV cho biết.
Lim cho hay trước đó ông không nghĩ sản lượng hoa quả nhiệt đới ở Trung Quốc có thể tăng vọt bởi người nông dân không sở hữu đất canh tác mà phải trả tiền thuê đất. Bên cạnh đó, bão nhiệt đới thường xuyên tấn công Hải Nam, gây thiệt hại nặng nề cho các mùa vụ nông nghiệp.
So sánh ngành nông nghiệp giữa Malaysia và Trung Quốc, ông Lim cho rằng hai bên không cạnh tranh mà là bổ sung lẫn nhau.
Theo ông Sam Sin, Giám đốc phát triển tập đoàn thực phẩm S&F Produce, sầu riêng Hải Nam không thể so sánh với các sản phẩm trồng ở Thái Lan vốn đã nổi danh trên thị trường Trung Quốc.
"Tôi nghĩ người Trung Quốc sẽ quan tâm nhiều đến nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm", ông Sin nói.
Theo ông chủ S&F Produce, Thái Lan là điểm du lịch ưa thích của nhiều người Trung Quốc. Nhờ thế, hoa quả của đất nước chùa vàng có sức hấp dẫn đặc biệt tại thị trường tỷ dân. Trong 10 năm qua, doanh số của S&F Produce tại Trung Quốc đại lục đã tăng gấp đôi.
Đông Nam Á hiện có lợi thế rất lớn khi xâm nhập thị trường Trung Quốc. Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực từ 2022, theo đó Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu đối với hoa quả từ các nước Đông Nam Á.
RCEP giúp xoài, dừa và sầu riêng Philippines xâm nhập thị trường Trung Quốc, nơi các sản phẩm này được đánh giá là "khá khan hiếm".
Đối thủ tiềm năng
Giá rẻ vẫn là lợi thế của hoa quả nội địa. Tại một cửa hàng hoa quả ở Thượng Hải, những sản phẩm nội địa giá rẻ như xoài, đu đủ, thanh long bán chạy hơn so với các loại hoa quả nhập khẩu từ Đông Nam Á.
"Nhưng sản lượng hoa quả nhiệt đới ở Hải Nam không đủ để đáp ứng nhu cầu nội địa. Việc sản xuất cũng không ổn định", Aaron Rabena, chuyên gia kinh tế tổ chức nghiên cứu chính sách APPFI, nhận xét. Các sản phẩm như sầu riêng hay roi tới nay vẫn cần nhập khẩu.
Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng các nước Đông Nam Á sẽ phải thực sự lo lắng nếu ngành hoa quả nhiệt đới của Hải Nam "cất cánh" nhờ sự kết hợp của tham vọng phát triển, các dây chuyền tự động hóa giúp tăng sản lượng và hạ giá thành.
Hải Nam có khí hậu nóng ẩm và mưa nhiều, điều kiện phù hợp để trồng các loại cây ăn trái nhiệt đới. Nông dân tại tỉnh này rất quan tâm học hỏi về dinh dưỡng, cách chăm sóc nhằm nâng cao chất lượng hoa quả.
Các trang trại ở Hải Nam hiện đã sử dụng công nghệ tự động hóa giúp kiểm soát giá thành sản phẩm, điều mà trang trại ở các nước Đông Nam Á phải học hỏi.
Tại Malaysia, diện tích trồng sầu riêng nhỏ hơn so với diện tích trồng loại trái cây này ở Hải Nam. Điều này đồng nghĩa Malaysia sẽ gặp bất lợi trong cuộc đua sản xuất đại trà.
Du Baizhong, Tổng giám đốc công ty nông nghiệp Hainan Youqi, cho biết công ty của ông dự kiến sản xuất 50 tấn sầu riêng trong năm 2023. Trước đó, công ty này đã cử nhân viên tới học tập kinh nghiệm ở các nước Đông Nam Á, đồng thời phối hợp với Viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc nhằm tăng tốc độ chu kỳ tăng trưởng của sầu riêng.
Công ty này hiện đã nắm được kỹ thuật tưới tiêu nước tự động, quản lý phân bón và giám sát thời tiết, ông Du nói.
Một số chuyên gia cho rằng trái cây nhiệt đới ở Hải Nam cuối cùng có thể được xuất khẩu sang các nước láng giềng Đông Nam Á khác. Dòng sản phẩm giá rẻ từ Trung Quốc có thể đè bẹp các hộ nông dân trồng cây ăn trái nhỏ lẻ ở khu vực.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tham-vong-dang-sau-trai-sau-rieng-trung-quoc-post1433500.html