Theo các tài liệu được giải mật, các nhà khoa học phát xít Đức tiến hành nghiên cứu vũ khí hạt nhân trong Thế chiến 2. Thế nhưng, tham vọng hạt nhân của Hitler không thể thành công.
Nguyên nhân khiến kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân của chính quyền Hitler thất bại có liên quan đến lính biệt kích người Na Uy Joachim Roenneberg.
Joachim Roenneberg là chỉ huy nhóm đặc nhiệm thực hiện chiến dịch tập kích táo bạo, phá hủy nhà máy sản xuất nước nặng của Đức quốc xã ở Telemark, miền nam Na Uy vào năm 1943.
Sinh tại thành phố Aalesund, Na Uy năm 1919, Roenneberg sang Anh huấn luyện quân sự sau khi phát xít Đức xâm lược quốc gia này vào năm 1940. Sau khi hoàn thành khóa huấn luyện, ông trở về nước thực hiện nhiều nhiệm vụ bí mật để đánh bại quân phát xít Đức.
Vào năm 1943, ông Roenneberg được đặc nhiệm Anh chọn làm chỉ huy chiến dịch Gunnerside. Mục đích của chiến dịch tuyệt mật này là xâm nhập và phá hủy các cơ sở quan trọng tại nhà máy sản xuất nước nặng Norsk Hydro của chính quyền Hitler.
Nước nặng có tên hóa học D2O. Đây là thành phần quan trọng được các nhà khoa học sử dụng trong việc chế tạo bom nguyên tử. Kể từ sau khi Thế chiến 2 nổ ra, phát xít Đức chi bộn tiền cho các nhà khoa học nghiên cứu và phát triển các loại vũ khí mới nhằm chiếm ưu thế, thậm chí là đánh bại quân Đồng minh. Trong số này có vũ khí hạt nhân.
Sau khi lên kế hoạch tỉ mỉ, Roenneberg dẫn đầu nhóm đặc nhiệm tiếp cận nhà máy sản xuất nước nặng Norsk Hydro vào đêm ngày 27/2/1943. Đội đặc nhiệm của Roenneberg bí mật lẻn vào bên trong nhà máy mà không bị quân Đức phát giác. Kế đến, họ bố trí các khối thuốc nổ và hẹn thời gian nổ.
Sau khi hoàn thành, nhóm của Roenneberg nhanh chóng rút lui ra bên ngoài trước khi nhà máy của Hitler nổ tung. Nhờ hành động dũng cảm của Roenneberg và đồng đội, tham vọng hạt nhân của phát xít Đức bị dập tắt.
Chiến dịch Gunnerside thành công khiến chính quyền Hitler "tức điên" và ra lệnh điều tra, truy bắt thủ phạm. Theo đó, nhóm biệt kích do ông Roenneberg bị Đức quốc xã lùng bắt gắt gao.
Ông và các đồng đội đi đường núi để trốn sự truy bắt của quân Đức. Về sau, lính biệt kích Roenneberg chạy sang Thụy Điển. Do Thụy Điển là quốc gia trung lập trong Thế chiến 2 nên ông ẩn náu tại đây trong một thời gian.
Sau khi Thế chiến 2 kết thúc, ông Roenneberg được ca ngợi là một trong những người hùng vĩ đại của nhân loại. Vào tháng 10/2018, ông qua đời, hưởng thọ 99 tuổi.
Mời độc giả xem video: Tàu ngầm tấn công hạt nhân lớp Seawolf của Hải quân Mỹ. Nguồn: QPVN.
Tâm Anh (theo NPR)