Tham vọng hóa rồng của bóng đá Trung Quốc lung lay
Giấc mơ vươn tầm của bóng đá Trung Quốc nhận đòn đau khi mọi thứ trở nên ảm đạm và chưa biết khi nào mới khởi sắc.
Sự sụp đổ của nhà ĐKVĐ Giang Tô (Jiangsu FC) đặt ra câu hỏi về tham vọng lớn lao đó.
"Cường quốc bóng đá vào năm 2050? Giấc mơ của Trung Quốc lảo đảo trên nền móng lung lay", AFP chạy dòng tiêu đề lớn.
Cú sốc của CLB Giang Tô
Chỉ 3 tháng sau khi vô địch Chinese Super League, CLB Giang Tô tuyên bố "ngừng hoạt động". Động thái này được truyền thông Trung Quốc miêu tả là "cú sốc" khiến tất cả ngỡ ngàng.
Vì muốn "ghi điểm", các nhà đầu tư liên tục đổ tiền đầu tư vào các đội bóng. Tuy vậy, họ đang ráo riết "trốn chạy" khỏi cuộc chơi gần đây.
Trong năm 2020, 16 đội CLB xin giải thể. Và đó chưa phải con số cuối cùng.
Gió đổi chiều quá nhanh với bóng đá Trung Quốc. Những gì diễn ra khác xa so với thời điểm giải Chinese Super League phá kỷ lục chuyển nhượng ở châu Á 5 lần trong chưa đầy 1 năm, mà đỉnh điểm là việc CLB Shanghai SIPG chi 60 triệu euro để mua ngôi sao Oscar từ Chelsea vào tháng 1/2017.
Sau đó, tiền đạo Carlos Tevez cũng được Shanghai Shenhua chiêu mộ. Khi ấy, cựu sao Man City và Man Utd bỏ túi mức lương 730.000 euro mỗi tuần, con số biến tay săn bàn này thành ngôi sao được trả lương cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, Tân Hoa Xã cho hay "bong bóng bóng đá Trung Quốc" đã vỡ. Việc các CLB liên tục ném tiền vào thị trường chuyển nhượng, trả mức lương khổng lồ cho các cầu đẩy nền bóng đá nước nhà tới vực thẳm.
Số liệu từ Liên đoàn Bóng đá Trung Quốc chỉ ra mức chi tiêu trung bình ở mùa 2018 của 16 CLB thuộc Super League cán mốc 1,1 tỷ nhân dân tệ (170 triệu USD). Để so sánh, thu nhập bình quân của các đội bóng chỉ đạt 686 triệu nhân dân tệ.
"Chi tiêu của các CLB thuộc giải Chinese Super League cao gấp 10 lần so với K.League của Hàn Quốc và gấp 3 lần với J.League của Nhật Bản", Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Trung Quốc Trần Tuất Nguyên cho biết vào tháng 12/2020. Đó là thời điểm giới hạn tiền lương trả cho cầu thủ tại giải Chinese Super League được công bố.
Giọt nước tràn ly
Nhà báo Mã Đức Hưng cho biết trong 30 năm đưa tin về bóng đá Trung Quốc, thì ông đã chứng kiến hơn 200 CLB bị gạch tên khỏi Chinese Super League. Đây là vấn đề đáng báo động.
Tất cả không còn là cuộc khủng hoảng nữa. Bóng đá Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề nghiêm trọng hơn.
Đại dịch Covid-19 xuất hiện cũng tác động tới nhiều thứ. Giải Chinese Super League bị tạm hoãn, khiến nhiều CLB lao đao.
Tianjin Tigers (Thiên Tân), một trong những tên tuổi của giải Chinese Super League, được cho là dự kiến giải thể trong thời gian ngắn tới. Số phận của Hebei FC cũng không khởi sắc hơn, sau khi công ty mẹ chìm trong nợ nần.
"Nguyên nhân cơ bản là nền móng của bóng đá chuyên nghiệp Trung Quốc quá yếu", nhà báo Mã Đức Hưng, cây viết có uy tín trong làng truyền thông nước nhà với 1,5 triệu người theo dõi trên trang mạng xã hội, phân tích.
Ông Mã cho biết thêm những doanh nghiệp hậu thuẫn cho các đội bóng thường có ít mối liên hệ với cộng đồng ở nơi đặt đại bản doanh của CLB.
"Sự tồn tại của các CLB phụ thuộc trực tiếp vào tình hình kinh tế các doanh nghiệp. Một khi các công ty hoặc doanh nghiệp gặp vấn đề, CLB sẽ khó có thể tồn tại", nhà báo người Trung Quốc nhấn mạnh.
Những gì xảy ra với CLB Giang Tô phản ánh chân thật nhất thực trạng trên. Tập đoàn Suning, sở hữu CLB Inter Milan tại Serie A, đang gặp nhiều khó khăn tài chính. Để cứu vãn tình hình, họ phải cắt giảm đội ngũ nhân sự.
Gần đây, tin từ Beijing News cho biết Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc yêu cầu các CLB bỏ tên nhà tài trợ phía trước tên đội bóng. Động thái này để giúp thúc đẩy văn hóa bóng đá, làm mọi thứ trở nên sâu sắc hơn.
Thế nhưng, đó lại là "giọt nước tràn ly" với một số nhà đầu tư bóng đá.
Tương lai ảm đạm
Chia sẻ với AFP vào năm 2020, Tổng thư ký Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc Lưu Dịch cho biết nước này đang hướng tới xây dựng một giải VĐQG "khỏe mạnh". Đó sẽ là nền tảng cho tham vọng bóng đá của Trung Quốc, bao gồm đăng cai và giành chức vô địch World Cup.
Những bước đi đầu tiên đã được thực hiện. Lo ngại các CLB vẫn chi tiêu quá tay đồng thời phụ thuộc vào những ngoại binh, Hiệp hội Bóng đá Trung Quốc áp thuế chuyển nhượng 100% với cầu thủ nước ngoài vào năm 2017. Mức lương dành cho ngoại binh cũng được giới hạn.
Shanghai Observer phân tích các CLB phải từ bỏ mô hình một chủ sở hữu. Lúc này, hệ sinh thái bóng đá của các đội bóng sẽ bao gồm sự kết hợp giữa "chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng và thậm chí tư nhân".
"Các CLB Trung Quốc không thể chỉ dựa vào khoản tiền được bơm từ công ty mẹ. Họ phải tìm cách thu hút nhà tài trợ và cải thiện hoạt động chuyển nhượng", Shanghai Observer viết.
Khẳng định với AFP, ông Lưu Dịch cam kết duy trì những kế hoạch dài hạn đầy tham vọng. Ông cũng tiết lộ những ngôi sao như Oscar, Paulinho và Marouane Fellaini vẫn ở lại Trung Quốc thi đấu.
Tuy vậy, khi nhìn vào tổng thể bức tranh, bóng đá Trung Quốc vẫn chưa thoát khỏi màn đêm u ám. Giải VĐQG nước này chưa thể diễn ra vì dịch Covid-19. Về hai đội bóng Giang Tô và Thiên Tân, số phận của họ rất ảm đạm.
Trong khi đó, ĐTQG Trung Quốc chỉ tăng 5 bậc trên BXH FIFA trong 5 năm qua. Họ đứng thứ 75, chỉ trên Syria - quốc gia bị tàn phá bởi chiến tranh.
Trong lịch sử, ĐTQG Trung Quốc chỉ mới một lần góp mặt tại World Cup, là vào năm 2002. Từ đó, họ liên tục lỗi hẹn với sân chơi cấp ĐTQG lớn nhất hành tinh.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tham-vong-hoa-rong-cua-bong-da-trung-quoc-lung-lay-post1188909.html