Tham vọng máy bay thương mại của Trung Quốc bị thổi phồng
Các chuyên gia nhận định khát vọng nắm giữ bầu trời bay thương mại của Trung Quốc đã bị thổi phồng và không gây tác động đáng kể đến các nhà sản xuất máy bay như Boeing, Airbus.
Theo South China Morning Post, Trung Quốc đang ấp ủ kế hoạch chế tạo máy bay thương mại của riêng mình nhằm phá vỡ thế độc quyền của Boeing và Airbus. Tuy nhiên, theo một chuyên gia nghiên cứu tại Washington, đây là một giấc mơ tốn kém và có phần viển vông trong thời điểm hiện tại.
Mặc cho chính quyền Bắc Kinh đã bơm ít nhất 45 tỷ USD vào Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (Comac) để chế tạo các loại máy bay thương mại, bao gồm cả máy bay chở khách C919 của riêng Trung Quốc, nhiều chuyên gia nhận xét khả năng thành công của Trung Quốc trong dự án này là khá thấp.
Tiềm năng bị thổi phồng
Ông Scott Kennedy, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, người chịu trách nhiệm về nghiên cứu trên, trả lời SCMP: "Khả năng Trung Quốc có thể thành công trong dự án này chỉ nằm giữa "mỏng manh" và "không thể".
Ông Kennedy cho biết Comac nhận được khoản tài trợ khổng lồ từ nhà nước và sự chú ý toàn cầu, tuy nhiên tiềm lực của nó không thể sánh với các nhà sản xuất máy bay thương mại hàng đầu thế giới như Boeing, Airbus, Embraer và Bombardier. Thậm chí, Comac vẫn thua khi đặt lên bàn cân so sánh với các đơn vị sản xuất đối tác của Nga như Ilyushin, Sukhoi và Tupolev.
Kết quả của nghiên cứu là thành quả sau hai năm khảo sát, tham quan thực tế tại nhà máy Comac ở Thượng Hải của nhóm chuyên gia. Trước đó vào cuối tháng 11, Bộ Thương mại Mỹ đã liệt kê danh sách 89 công ty Trung Quốc và 28 công ty Nga vào nhóm "người dùng cuối cho mục đích quân sự". Comac nằm trong danh sách này và sẽ chịu nhiều hạn chế khi các nhà cung cấp Mỹ cần phải xin giấy phép mới có thể bán sản phẩm cho Comac.
Điều này có thể làm ảnh hưởng đến việc lắp ráp máy bay C919 của Trung Quốc, bởi chiếc máy bay này có nhiều bộ phận quan trọng, như động cơ và hệ thống điều khiển bay, phải phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu từ nước ngoài. Do đó, khả năng tiếp cận các đơn vị cung ứng Mỹ như General Electric (GE), Honeywell International và Rockwell Collins là nhiệm vụ hết sức quan trọng của Comac trong năm 2021.
Không thể đe dọa Boeing, Airbus
Về ngành hàng không thương mại Trung Quốc, ông Kennedy nhận xét: “Tôi đã nghiên cứu nhiều ngành ở Trung Quốc, và ngành hàng không thương mại là lĩnh vực chịu nhiều tác động to lớn nhất tôi từng gặp phải”.
Ngoài ra, Comac thật sự là "một thảm họa đáng lo ngại", vị chuyên gia nói. Kennedy nhận định: "Việc gọi C919 là chiếc máy bay của Trung Quốc là sai lầm vì hầu như tất cả bộ phận của nó đều được nhập khẩu". Đến nay, C919 vẫn chưa nhận được chứng nhận từ Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc - cơ quan quản lý hàng không quốc gia.
"C919 không có khả năng đe dọa về mặt thương mại khi so với các loại máy bay như Boeing 737 hay Airbus A320. Thậm chí, sự phát triển của nó cũng không hỗ trợ đáng kể cho quân đội Trung Quốc", vị chuyên gia nhận xét.
Do vậy, chính phủ Mỹ có thể không buồn để mắt đến các biện pháp trừng phạt nhằm vào Comac. Ông Kennedy nhận định đòn giáng vào Comac sẽ “phản tác dụng” vì Trung Quốc có thể trả đũa bằng cách ngừng mua từ các công ty Mỹ như Boeing, đồng thời tăng tốc độ tự phát triển và rút khỏi hệ thống công nghệ hàng không vũ trụ hiện tại do Mỹ và châu Âu dẫn đầu.
Tháng trước, Boeing đã nâng dự báo về nhu cầu máy bay của Trung Quốc lên 8.600 máy bay mới cho đến năm 2039, tăng so với ước tính trước đó là 8.090. Richard Wynne, giám đốc điều hành phụ trách marketing Boeing Commercial Airplanes tại Trung Quốc cho biết: “Trong khi Covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu như mọi nơi trên toàn cầu, động lực tăng trưởng của Trung Quốc vẫn mạnh mẽ và vững chắc". Do vậy, Trung Quốc vẫn là một khách hàng tiềm năng của lĩnh vực hàng không quốc tế.