Tham vọng 'sản xuất iPhone ở Mỹ' của ông Trump đối mặt nhiều thách thức, từ những ốc vít nhỏ xíu

Nỗ lực của Tổng thống Donald Trump nhằm đưa hoạt động sản xuất iPhone về Mỹ đang đối mặt với nhiều thách thức pháp lý và kinh tế, trong đó việc lắp ráp 'những con ốc vít nhỏ xíu' cần được tự động hóa chỉ là một phần rất nhỏ, theo các chuyên gia.

Hôm 23.5, ông Trump đã đe dọa sẽ áp thuế 25% với các mẫu iPhone bán ở Mỹ nhưng không được sản xuất tại đây, như một phần trong mục tiêu của chính quyền ông nhằm đưa việc làm quay trở lại nước này. Hơn 60 triệu chiếc điện thoại được bán ra hàng năm tại Mỹ, nhưng nước này không có ngành sản xuất smartphone.

“Từ lâu tôi đã nói với Tim Cook của Apple rằng tôi kỳ vọng những chiếc iPhone bán ở Mỹ phải được sản xuất và lắp ráp tại Mỹ, chứ không phải Ấn Độ hay bất kỳ nơi nào khác. Nếu điều đó không được thực hiện, Apple phải trả một mức thuế ít nhất 25% cho Mỹ”, Tổng thống Trump viết trên tài khoản mạng xã hội Truth Social.

Ông Trump nói với các phóng viên rằng mức thuế 25% này cũng sẽ được áp dụng với Samsung Electronics và các hãng sản xuất smartphone khác. Tổng thống Mỹ gợi ý rằng mức thuế đó sẽ có hiệu lực cuối tháng 6.

“Nếu không áp dụng cho tất cả điện thoại nhập khẩu thì sẽ không công bằng. Tim Cook nói sẽ đến Ấn Độ để xây nhà máy. Tôi nói rằng điều đó không sao, nhưng ông ấy sẽ không thể bán hàng vào Mỹ mà không chịu thuế”, Tổng thống Trump tuyên bố.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói với đài CBS hồi tháng 4 rằng công việc của “hàng triệu người đang siết những con ốc vít nhỏ xíu để sản xuất iPhone” sẽ được chuyển đến Mỹ và tự động hóa, tạo việc làm cho các lao động lành nghề như thợ cơ khí và thợ điện.

Tuy nhiên, sau đó Howard Lutnick chia sẻ với hãng tin CNBC rằng Tim Cook (Giám đốc điều hành Apple) nói chưa có sẵn công nghệ đủ tiên tiến để làm việc đó.

“Tim Cook nói rằng cần có cánh tay robot thực hiện việc đó với quy mô và độ chính xác để mang về Mỹ. Vào ngày thấy công nghệ này có sẵn, Tim Cook nói sẽ đưa sản xuất iPhone về Mỹ”, Howard Lutnick thuật lại.

'Những con ốc nhỏ xíu' là một trong nhiều rào cản với tham vọng đưa hoạt động sản xuất iPhone về Mỹ của ông Trump - Ảnh: Internet

'Những con ốc nhỏ xíu' là một trong nhiều rào cản với tham vọng đưa hoạt động sản xuất iPhone về Mỹ của ông Trump - Ảnh: Internet

Sau khi ông Trump nâng thuế lên hàng hóa từ Trung Quốc lên hơn 100% vào đầu tháng 4, Nhà Trắng đã làm dịu tình hình do thị trường hỗn loạn, miễn trừ thuế cao với smartphone và một số thiết bị điện tử tiêu dùng phổ biến khác, chủ yếu nhập từ cường quốc châu Á này. Đây là động thái có lợi cho Apple và các hãng công nghệ khác phụ thuộc vào hàng nhập khẩu.

Hôm 12.5, Mỹ và Trung Quốc đã đồng ý tạm ngừng phần lớn các loại thuế quan áp lên hàng hóa của nhau, cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt trong căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Sau vài ngày đàm phán, Mỹ tạm thời hạ thuế với hàng hóa Trung Quốc xuống còn 30%. Trong khi Trung Quốc cắt giảm thuế nhập khẩu hàng từ Mỹ về mức 10%. Mức thuế đối ứng của Mỹ với Trung Quốc sẽ tạm thời giảm từ 125% xuống còn 10% theo thỏa thuận thương mại hôm 12.5.

Apple đặt mục tiêu sản xuất phần lớn iPhone bán ra tại Mỹ tại các nhà máy ở Ấn Độ cuối năm 2026 và đang đẩy nhanh kế hoạch này để đối phó với khả năng thuế quan cao hơn ở Trung Quốc, nơi sản xuất chính smartphone của hãng, một nguồn tin nói với Reuters. Apple đang định vị Ấn Độ như nơi sản xuất thay thế trong bối cảnh thuế quan của ông Trump với Trung Quốc làm dấy lên lo ngại về chuỗi cung ứng và giá iPhone cao hơn, Reuters đưa tin tháng trước.

Tuy nhiên, ông Trump và cả Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick gợi ý rằng Apple hoàn toàn có thể sản xuất iPhone tại Mỹ. Vào tháng 2, Apple cho biết sẽ chi 500 tỉ USD trong bốn năm để mở rộng tuyển dụng và cơ sở vật chất tại 9 bang của Mỹ, nhưng thông báo rằng khoản đầu tư này sẽ dành cho việc đưa dây chuyền sản xuất iPhone về nước.

Apple cho biết phần lớn iPhone được bán tại Mỹ trong quý 2/2025 có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Giữa tháng 5, Tổng thống Trump cho biết đã yêu cầu Tim Cook ngừng xây dựng các nhà máy tại Ấn Độ để sản xuất thiết bị cho thị trường Mỹ. Song song đó, ông Trump thúc đẩy Apple tăng cường sản xuất trong nước khi hãng này đang chuyển hướng khỏi Trung Quốc.

“Tôi đã có một chút vấn đề với Tim Cook. Tôi nói với cậu ấy: ‘Tim, cậu là bạn tôi, tôi đã đối xử với cậu rất tốt. Thế nhưng, tôi nghe nói cậu đang xây dựng nhà máy khắp nơi ở Ấn Độ. Tôi không muốn cậu làm vậy”, Tổng thống Trump kể về cuộc trò chuyện với Giám đốc điều hành Apple khi đang có chuyến thăm Qatar hôm 15.5.

Ông Trump nói rằng sau cuộc thảo luận đó với Tim Cook, Apple sẽ “tăng sản lượng tại Mỹ”.

Cách nhanh nhất để chính quyền Trump gây áp lực lên Apple

Cách nhanh nhất để chính quyền Trump gây áp lực lên Apple thông qua thuế quan là sử dụng cơ chế pháp lý tương tự khi áp thuế trừng phạt với hàng loạt mặt hàng nhập khẩu, theo các luật sư thương mại và giáo sư.

Luật này, được gọi là Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA), cho phép tổng thống thực thi hành động kinh tế sau khi tuyên bố một tình trạng khẩn cấp gây mối đe dọa bất thường và nghiêm trọng với Mỹ.

“Không có quyền hạn pháp lý rõ ràng nào cho phép áp thuế chỉ với một công ty cụ thể, nhưng chính quyền Trump có thể cố gắng gán nó dưới thẩm quyền khẩn cấp”, bà Sally Stewart Laing, đối tác tại hãng luật Akin Gump ở Washington (Mỹ), cho hay.

Các phương án khác để áp thuế riêng lẻ lên một công ty yêu cầu những cuộc điều tra kéo dài, theo Sally Stewart Laing. Tuy nhiên, áp thuế chỉ với Apple “sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho các thương hiệu điện thoại khác, điều này đi ngược lại mục tiêu đưa sản xuất về Mỹ của ông Trump”, bà nói thêm.

Các chuyên gia cho biết ông Trump coi IEEPA là công cụ kinh tế linh hoạt và mạnh mẽ vì không rõ liệu tòa án có quyền xem xét phản ứng của Tổng thống Mỹ với tình trạng khẩn cấp đã được công bố hay không.

“Trong quan điểm của chính quyền, miễn là ông ấy thực hiện đầy đủ nghi thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp và gọi nó là bất thường hoặc nghiêm trọng, thì tòa án không thể làm gì”, Tim Meyer, giáo sư luật quốc tế tại Đại học Duke, bình luận.

Chính quyền Mỹ đang đối mặt một vụ kiện pháp lý từ 12 bang, phản đối chính sách thuế quan đối ứng rộng lớn mà ông Trump công bố hồi đầu tháng 4, áp lên hầu hết quốc gia, gồm cả mức thuế khoảng 145% với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Trong đơn kiện gửi lên Tòa án Thương mại Quốc tế ở thành phố New York, tổng chưởng lý 12 bang cho rằng ông Trump đã lạm dụng quyền lực hành pháp khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đơn phương áp đặt các mức thuế quan rộng khắp lên hàng hóa nhập khẩu từ các đối tác thương mại của Mỹ.

Các bang khẳng định ông Trump đã diễn giải sai IEEPA và sử dụng đạo luật này như một "tấm séc trắng" để hành động ngoài khuôn khổ pháp lý.

Một phán quyết dự kiến sẽ được đưa ra trong vài tuần tới, sau phiên điều trần do hội đồng gồm 3 thẩm phán xem xét.

Nếu chính quyền Trump thắng kiện, “tổng thống sẽ không gặp khó khăn gì trong việc viện dẫn một tình trạng khẩn cấp làm lý do để áp thuế lên các mẫu iPhone nhập khẩu”, Tim Meyer nói.

Ông Trump thậm chí có thể chỉ cần đưa iPhone vào diện tình trạng khẩn cấp do thâm hụt thương mại – cơ sở pháp lý từng được sử dụng để áp thuế trước đây, theo Tim Meyer.

Ngay cả khi không đi xa đến vậy, việc áp thuế lên iPhone cũng sẽ khiến chi phí tiêu dùng tăng cao do làm phức tạp chuỗi cung ứng và tài chính của Apple, theo giáo sư kinh tế Brett House tại Đại học Columbia.

“Tất cả những điều này đều không mang lại lợi ích gì cho người tiêu dùng Mỹ”, ông Brett House nói.

"Có thể mất đến cả một thập kỷ"

Việc chuyển dây chuyền sản xuất về Mỹ có thể mất đến cả một thập kỷ và khiến giá chiếc iPhone tăng cao đến 3.500 USD, theo Dan Ives - nhà phân tích chính của công ty Wedbush. Hiện nay, mẫu iPhone cao cấp nhất của Apple (iPhone 16 Pro Max) có giá khoảng 1.200 USD.

“Chúng tôi tin rằng ý tưởng Apple sản xuất iPhone tại Mỹ là điều viển vông và không khả thi”, ông Dan Ives nhận định.

Việc xây dựng dây chuyền sản xuất iPhone từ đầu tại Mỹ sẽ cực kỳ khó khăn, ngay cả với công ty giàu tiền mặt như Apple. Chuỗi cung ứng iPhone và lực lượng lao động có tay nghề cho một sản phẩm yêu cầu kỹ thuật cao như vậy đã tập trung ở Trung Quốc nhiều năm, trong khi Apple chỉ bắt đầu xây dựng quan hệ đối tác tại Ấn Độ gần đây.

Chi phí lao động và sản xuất cao tại Mỹ cũng khiến việc lắp ráp iPhone ở đây trở nên không khả thi.

Ấn Độ là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất của Apple, với lượng khách hàng lớn đầy tiềm năng. Chính phủ Ấn Độ cũng có chính sách trợ cấp để hỗ trợ mở rộng hoạt động lắp ráp thiết bị điện tử.

Apple và các đối tác cung ứng đã đẩy nhanh việc chuyển dịch khỏi Trung Quốc, một quá trình bắt đầu từ thời kỳ phong tỏa nghiêm ngặt do đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại nhà máy iPhone lớn nhất thế giới của Foxconn (Đài Loan) ở thành phố Trịnh Châu.

Các nhà máy iPhone tại Ấn Độ hiện sản xuất hơn 40 triệu chiếc mỗi năm, chiếm khoảng 20% sản lượng smartphone toàn cầu của Apple. Dù ông Trump thúc giục Apple sản xuất iPhone tại Mỹ, việc thiếu hụt nhân lực kỹ thuật và năng lực lắp ráp trong nước khiến điều này gần như không thể diễn ra trong ngắn hạn.

“Apple có một trong những chuỗi cung ứng tinh vi nhất được xây dựng qua nhiều năm. Việc phá vỡ hoặc hoàn toàn rút khỏi Ấn Độ hay Trung Quốc sẽ là vô cùng khó khăn. Sản xuất iPhone tại Mỹ cũng sẽ đắt đỏ hơn nhiều so với ở Ấn Độ”, Tarun Pathak, Giám đốc nghiên cứu tại hãng phân tích công nghệ Counterpoint, nhận định.

Sơn Vân

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/tham-vong-san-xuat-iphone-o-my-cua-ong-trump-doi-mat-nhieu-thach-thuc-tu-nhung-oc-vit-nho-xiu-232946.html