Tham vọng táo bạo của ông Biden
Những gì Tổng thống Joe Biden đã làm trong những ngày cầm quyền đầu tiên cho thấy tham vọng lớn của ông là muốn hồi sinh nước Mỹ, đồng thời cải thiện vị thế của Mỹ trong cuộc cạnh tranh ngày càng khốc liệt với Trung Quốc.
Trên đây là đánh giá của Frederick Kempe, một nhà báo nổi tiếng và là CEO của Hội đồng Atlantic về các vấn đề toàn cầu, trong một bài viết tên trang CNBC.
Ông Kempe chỉ ra rằng sự táo bạo ấy có thể được đo bằng đồ thị các con số: 4 nghìn tỷ USD và khoản tiền ông hy vọng sẽ tạo ra để tài trợ cho sự phục hồi nước Mỹ sau đại dịch, cải thiện việc làm và tăng trưởng, cùng một núi các khoản đầu tư vào cơ sở hạ tầng quốc gia.
Theo tác giả, chưa bao giờ có một vị tổng thống Mỹ nào liên kết chặt chẽ các khoản đầu tư trong nước với vị thế toàn cầu của Mỹ - và bây giờ ông Joe Biden đang hành động dựa trên niềm tin đó.
Tổng thống Biden đã đảm bảo không ai bỏ lỡ mối liên hệ với Trung Quốc khi ông đưa ra đề xuất chi tiêu cho cơ sở hạ tầng trong tuần này, mà ông gọi là "khoản đầu tư lớn nhất duy nhất vào việc làm của người Mỹ kể từ Thế chiến 2".
"Các bạn cho rằng, Trung Quốc đang chờ đợi để đầu tư vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số này hoặc vào nghiên cứu và phát triển? Tôi cam đoan với các bạn là họ không đang như vậy đâu, mà họ đang dựa vào nền dân chủ Mỹ tiến quá chậm, quá hạn chế và quá chia rẽ để theo kịp tốc độ… Chúng ta phải cho cả thế giới thấy. Điều quan trọng hơn là chúng ta phải chứng tỏ nền dân chủ của mình đang hoạt động và chúng ta có thể đoàn kết vì những điều lớn lao", ông lập luận.
Các quan chức chính quyền Biden nói rằng họ đang rút ra một số bài học: Đừng bị phân tâm bởi những lời chỉ trích trên truyền hình cáp về kế hoạch của bạn, đừng để các nhà kinh tế ném đá, đừng trông chờ vào sự ủng hộ của lưỡng đảng, và đừng đặt tầm nhìn của bạn quá thấp.
Lần đầu tiên Tổng thống Biden chứng tỏ ông muốn thông qua Kế hoạch giải cứu người Mỹ trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, được thông qua vào đầu tháng 3, đến mức nào. Đây là một trong những dự luật kích thích kinh tế lớn nhất mà người Mỹ từng thấy. Nó nhiều hơn so với những gì mà phe Cộng hòa hoặc nhiều nhà kinh tế, cho là cần thiết nhưng ông Biden đã nhận được sự ủng hộ qua lá phiếu.
Sau đó, tuần này, ông lại đưa ra kế hoạch chi tiêu 2,3 nghìn tỷ đôla cho cơ sở hạ tầng. Xác định hạng mục bao gồm mọi thứ, từ cầu cống và mạng lưới băng thông rộng đến chi tiêu cho người già và giáo dục trẻ nhỏ.
Sai lầm mà nhiều người chỉ trích Tổng thống Biden là họ chỉ tập trung vào những con số quay cuồng — thay vì vào chính trị. Tất cả những khoản tiền hàng nghìn tỷ này ít hơn khoản tiền trả trước của ông để đảm bảo vị trí của Mỹ trên thế giới, vị trí của ông trong lịch sử và sự tái cử của đảng Dân chủ. Trong ngắn hạn, điều đó có nghĩa là người Mỹ nhìn thấy kết quả đủ để đảm bảo cuộc bầu cử giữa kỳ vào năm 2022.
Ở góc nhìn đó, điều mà với những người bảo thủ có thể là kinh tế học liều lĩnh dường như lại là chính trị thận trọng đối với nhóm Biden. Ở một số khía cạnh, những gì Tổng thống Biden đang làm là tận dụng vận may của chính ông. Mặc dù Biden đã phải chịu rất nhiều bất hạnh trong cuộc đời, cả về cá nhân và chính trị, các ngôi sao đã liên kết với nhau kể từ khi ông đắc cử.
Sự hồi phục từ đại dịch Covid trong năm 2021 là điều chắc chắn xảy ra, nhưng việc quản lý chặt chẽ phân phối vắc-xin của chính quyền Biden đã thúc đẩy quá trình này và vị thế chính trị của ông. Tuần trước, ông Biden đã lùi thời hạn cuối cùng để tất cả người lớn đủ điều kiện tiêm ngừa Covid-19 tới ngày 19/4.
Kinh tế phục hồi trong năm nay cũng là điều chắc chắn. Tuy nhiên, nhưng theo dự đoán của IMF, các biện pháp kích thích của chính quyền Biden có khả năng dẫn đến mức tăng trưởng 6,4% trong năm nay, cao nhất kể từ năm 1984 và sau đó là 3,5% vào năm 2022.
Vẫn còn phải xem 4 nghìn tỷ USD có thể mua được bao nhiêu động lực kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, Jamie Dimon của J.P. Morgan cho rằng vắc-xin và chi tiêu thâm hụt có thể khiến nền kinh tế Mỹ bùng nổ (có thể kéo dài đến hết năm 2023), nghĩa là qua mốc bầu cử giữa kỳ, thời điểm mà đội ngũ của ông Biden biết rằng chiến thắng sẽ rất quan trọng cho các mục tiêu lớn hơn của họ.
Thật khó để biết điều này sẽ có tác động thế nào đến Trung Quốc, nhưng cho đến nay, cuộc cạnh tranh giữa Bắc Kinh và Washington đã gay gắt ngay từ những tuần đầu của chính quyền Biden.
Du khách quốc tế đến Trung Quốc trong những năm qua đã nhận thấy sự tin tưởng ngày càng tăng của giới chức ở Bắc Kinh vào sự trỗi dậy của nước này và sự suy giảm không thể tránh khỏi của Mỹ. Nhiều hành động của Trung Quốc ở trong nước và trên thế giới phản ánh sự tự tin rằng họ có thể hành động với chi phí khiêm tốn mà không bị trừng phạt.
Trung Quốc cũng đánh cược rằng, vì nhiều đồng minh và đối tác giá trị nhất của Mỹ - Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức và Liên minh châu Âu nói chung - coi Trung Quốc là đối tác thương mại số một, họ sẽ không muốn tham gia bất kỳ mục tiêu chung nào chống lại Bắc Kinh.
Sự trao đổi của hai bên trong cuộc gặp trực tiếp ở Alaska vừa qua càng cho thấy khó khăn như thế nào để quản lý một mối quan hệ ngày càng gay gắt.
Có lẽ lý do thuyết phục nhất để Tổng thống Biden kết hợp các mục tiêu trong nước và quốc tế, là ông có nhiều khả năng tìm thấy sự đồng thuận chính trị xung quanh nhu cầu đối đầu với Trung Quốc hơn là tự tìm kiếm bất kỳ kế hoạch chi tiêu nào của mình.