'Thần điểu' lớn nhất thế giới hiện ra ở Úc: Cao 3 m, nặng nửa tấn
Bộ hài cốt nguyên vẹn 8 triệu tuổi của một thần điểu ngoài sức tưởng tượng đã được tìm thấy ở miền Trung nước Úc, được giới cổ sinh vật học mô tả là một thí nghiệm tiến hóa cực đoan.
Đây là loài chim lớn nhất thế giới từng được ghi nhận, to như một con khủng long lớn: Cao 3 m và nặng ít nhất nửa tấn, là một tập hợp của các đặc điểm giải phẫu kỳ lạ.
Theo tờ Science Alert, loài "thần điểu" này đã được đặt cho một cái tên nhuốm màu huyền thoại "Chim sấm của Striton", hay Dromornis stirtoni theo danh pháp khoa học.
Nó sở hữu một chiếc mỏ quá khổ nhô ra từ một hộp sọ không lớn, gắn trên một cơ thể khổng lồ. Kết quả xác định "dòng họ" của nó được các nhà nghiên cứu mô tả là "chỉ để làm con vật nghe có vẻ vô lý hơn", cho thấy nó có liên quan mật thiết đến loài gà, vịt hiện đại, nhưng là một con "vịt quỷ" đúng nghĩa.
Tiến sĩ Adam Yates, nhà cổ sinh vật học phụ trách về khoa học Trái Đất tại Bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật Địa hạt phía Bắc - Úc, mô tả với Science Alert rằng các phần hài cốt đã lộ ra được sắp xếp chuẩn xác theo giải phẫu cơ thể của sinh vật. "Điều đó có nghĩa là xác chết nguyên vẹn như khi nó bị chôn vùi" - tiến sĩ Yates nói.
Hiện các nhà khoa học mới chỉ khai quật được phần chi dưới của con vật và đang đào xa hơn để tìm kiếm các phần còn lại, với hy vọng nó là một bộ hài cốt nguyên vẹn.
Đó luôn là quá trình chậm chạp và tỉ mỉ bởi không chỉ hài cốt hóa thạch rất dễ hư hại, mà các nhà cổ sinh vật học cần ghép đúng các phần xương với nhau. Chỉ một chút sai lệch có thể dẫn đến những sai số lớn và khiến quá trình phục dựng "chân dung" của các loài tuyệt chủng càng khó khăn.
Theo nhà cổ sinh vật học Warren Handley và các đồng nghiệp khác từ Trường Đại học Flinders - Úc, họ từng tìm thấy một cá thể khác gần đó, nhưng chỉ là một số mẩu xương nhỏ và lộn xộn, có thể là của một con trống cùng loài, chưa giúp mô tả được sinh vật kỳ lạ này. Con vừa được tìm thấy là con mái.
Tuy nhiên, sự hiện diện của 2 cá thể cũng đã giúp họ xác định được vài khác biệt cơ bản giữa chim trống và chim mái.
Vào thời điểm 8 triệu năm trước, những con "thần điểu" này có thể đã tung hoành trên những khu rừng khô và sử dụng chiếc mỏ lớn của mình để ăn trái cây và các loài động vật khác.
Địa điểm "thần điểu" được phát hiện là một kho tàng hóa thạch mang tên Alcoota nằm ở vùng hẻo lánh, nơi hài cốt của một số loài chuột túi và gấu túi cổ đại từng được tìm thấy.