Thần đồng 17 tuổi khiến Tào Tháo sợ nhất trong Tam quốc
Cái chết của Tào Xung khiến Tào Tháo hết sức đau buồn, ông quyết trừ khử người bạn thân của con trai, vốn được coi là nhân vật kỳ tài thời Tam quốc để dọn đường cho Tào Phi lên ngôi hoàng đế.
Phác họa hình ảnh Chu Bất Nghi.
Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành Tào Ngụy thời Tam quốc. La Quán Trung phác họa hình tượng Tào Tháo trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa có phần cảm tính, chưa thật đúng với con người Tào Tháo. Loạt bài này sẽ tập trung khai thác câu chuyện bí ẩn xung quanh cuộc đời Tào Tháo và những khía cạnh Tam quốc diễn nghĩa chưa đề cập.
Theo trang mạng Qulishi (Trung Quốc), Tào Tháo khi còn sống có hai người con mà ông tâm đắc nhất. Một người là Tào Phi, sau này trở thành Hoàng đế Tào Ngụy. Người còn lại là Tào Xung, tự Thương Thư, không may qua đời khi mới 12 tuổi. Cũng vì cái chết của Tào Xung mà Tào Tháo quyết tâm diệt trừ người bạn thân mà mình giới thiệu cho con trai, để tránh hậu họa về sau.
Kỳ nhân 17 tuổi
Sử sách Trung Quốc không ghi chép nhiều về Chu Bất Nghi, một phần vì ông cũng không có nhiều đóng góp cho đến khi bị sát hại năm 17 tuổi.
Chu Bất Nghi, tự Nguyên Trực, người Linh Lăng, Hồ Nam, cháu của quan Biệt giá Lưu Tiên dưới trướng nhà quân phiệt Lưu Biểu.
Bản thân Lưu Tiên không phải là người tầm thường. Ông từng khuyên Lưu Biểu dựa vào thế lực Tào Tháo nhưng Lưu Biểu lại do dự, không dám quyết.
Lưu Tiên thậm chí còn dám chỉ trích Tào Tháo gây khó dễ cho Lưu Biểu ngay giữa triều đình Đông Hán, khiến Tào Tháo không những không căm hận mà còn nể phục. Năm 208, Lưu Biểu bệnh mất còn Tào Tháo sau khi chiếm Kinh Châu cũng phong Lưu Tiên làm Thượng thư.
Sau này, Lưu Tiên tiếp tục phục vụ dưới trướng nhà Ngụy sau khi Tào Tháo trở thành Ngụy Vương.
Tào Xung là con trai mà Tào Tháo yêu quý nhất.
Là cháu của Lưu Tiên, Chu Bất Nghi thừa hưởng những tổ chất hơn người. Chu được Lưu Tiên gửi gắm đến thụ giáo Lưu Ba, người sau này trở thành Thượng thư của nhà Thục Hán. Lưu Ba còn khiến Gia Cát Lượng “tự thẹn không bằng”.
Chỉ sau một thời gian ngắn, bản thân Lưu Ba cũng phải thừa nhận rằng, ông không có đủ tài năng để truyền thụ cho Chu Bất Nghi.
Nhờ mối quan hệ với Lưu Tiên, Chu Bất Nghi được Tào Tháo biết tới. Tào Tháo vốn trọng người tài nên rất tán thưởng Chu Bất Nghi. Tào Tháo thậm chí còn so sánh trí thông minh của Chu Bất Nghi không kém con trai mình hết mực tâm đắc là Tào Xung.
Câu chuyện "Tào Xung cân voi Đông Ngô" được ghi chép trong sử sách Trung Quốc, là minh chứng rõ nhất thể hiện trí tuệ bất phàm của con trai Tào Tháo. Khi đó, Tào Xung mới 6 tuổi.
Sau này, Tào Tháo tạo điều kiện để Chu Bất Nghi trở thành bằng hữu, người bạn thân của Tào Xung.
Người được Tào Tháo gửi gắm kỳ vọng
Tào Xung sớm qua đời khi mới 12 tuổi.
Các học giả Trung Quốc nhận định, Tào Tháo khi đó đã ngầm lựa chọn Tào Xung là người kế tục, nối tiếp sự nghiệp của mình và phụ giúp cho con trai không ai khác, chính là Chu Bất Nghi.
Khi Tào Tháo bế tắc trong việc tấn công Liễu Thành năm 206, Chu Bất Nghi (14 tuổi), hiến lên 10 kế, ngay lập tức giúp Tào Ngụy vượt trở ngại. Vị thế của Chu Bất Nghi từ đó ngày càng được củng cố.
Tuy nhiên, điều khiến Tào Tháo không hài lòng là việc Chu Bất Nghi từ chối lấy con gái mình. Sử sách chép rằng, Tào Tháo đã phải “mở to mắt” khi nghe tin Chu Bất Nghi từ chối mối hôn sự này.
Nhưng Tào Tháo cũng ngậm ngùi cho qua chuyện vì ông biết Chu Bất Nghi là người tài, cũng như mối quan hệ thân tình với con trai Tào Xung.
Cuộc đời Chu Bất Nghi rẽ sang hướng khác khi Tào Xung lâm trọng bệnh, qua đời khi mới 12 tuổi vào năm 208. Các sử gia Trung Quốc cho đến nay vẫn tranh cãi về cái chết này. Tào Xung được cho là nạn nhân trong cuộc tranh đấu quyền lực giữa các con của Tào Tháo, mà cụ thể chính là người anh Tào Phi.
Tào Tháo trong bộ phim Tân Tam quốc diễn nghĩa.
Cái chết của Tào Xung là điều khiến Tào Tháo hết sức đau lòng. Bởi ông đã ngầm chọn Thương Thư là người tiếp nối cơ nghiệp.
Tào Phi là người tích cực khuyên giải Tào Tháo nhất, nhưng không ngờ cha lại nói: “Đây là điều bất hạnh với ta, nhưng chẳng phải là may mắn cho con sao”. Tào Phi khi đó “cứng họng” mà không biết giải thích ra sao.
Các học giả Trung Quốc nhận định, Thương Thư không sớm qua đời thì Tào Phi sẽ không bao giờ có cơ hội lên ngôi hoàng đế. So sánh với Tào Xung, Tào Phi không phải là đối thủ tương xứng.
Sau này, Tào Phi xưng đế nhưng vẫn thường nói: “Nếu Thương Thư em trai ta còn sống, ta không thể nào ngồi lên ngai vàng quân chủ thiên hạ".
Trở thành “cái gai” trong mắt Tào Tháo
Chu Bất Nghi đang là thiên tài trong mắt Tào Tháo nhưng nhanh chóng trở thành “cái gai trong mắt” sau khi Tào Xung mất. Thần đồng 17 tuổi từng dám cãi lệnh Tào Tháo hiển nhiên không còn chốn dung thân.
Khi biết tin cha quyết tâm triệt hạ Chu Bất Nghi, Tào Phi cố gắng can gián thì được Tào Tháo thẳng thừng nói: “Kẻ này không phải là người mà con có khả năng kiểm soát”.
Nhờ Tào Xung sớm qua đời mà Tào Phi mới có cơ hội trở thành hoàng đế.
Tào Phi lúc đó mới hiểu ra ý đồ của Ngụy vương. Ông cũng nhận thức được mối nguy hiểm tiềm tàng của một thiên tài nhưng không nghe lời như Chu Bất Nghi.
Chu Bất Nghi dù chưa lập nhiều công trạng nhưng có sử gia Trung Quốc còn so sánh thần đồng 17 tuổi với Tư Mã Ý. Đây cũng là mục tiêu cần phải diệt trừ của Tào Tháo nhưng nhờ có Tào Phi kiên quyết phản đối mà Tư Mã Ý bảo toàn được mạng sống.
Đối với Chu Bất Nghi, khi Tào Xung mất, không còn ai ngăn Tào Tháo lạnh lùng ra tay. Năm 209, Tào Tháo phái thích khách ám sát Chu Bất Nghi, đánh dấu chấm hết cho nhân tài yểu mệnh thời Tam quốc.
Lý do Tào Tháo phải bí mật ra lệnh sát hại Chu Bất Nghi là bởi kỳ nhân 17 tuổi chưa hề làm quan mà danh tiếng vang dội, khiến Tào Tháo không có lý do để “đường đường chính chính” triệt hạ.
Các học giả Trung Quốc nhận định, Tào Tháo là nhân vật kiệt xuất, ông vốn hay đa nghi nhưng cũng coi trọng những đối thủ khác như Lưu Bị, Tôn Quyền, Quan Vũ…
Để Tào Tháo phải gấp rút ra tay, chứng tỏ Chu Bất Nghi còn khiến Ngụy vương lo sợ hơn tất cả các nhân tài kiệt xuất khác thời Tam quốc.
Có những ý kiến cho rằng, nếu như “cặp bài trùng” Tào Xung-Chu Bất Nghi không mất sớm, triều đại Tào Ngụy có thể tồn tại được lâu hơn hay thậm chí là hoàn thành tâm nguyện lớn nhất đời Tào Tháo – đó là thống nhất Trung Nguyên.