Thần đồng một thuở: Họ đã không mang theo cây thánh giá… thần đồng

Trong nhiều thập kỷ lại đây, chúng ta luôn có những tài năng xuất chúng, được gọi là thần đồng từ khi còn rất nhỏ. Thế nhưng, những tài năng ấy, khi trưởng thành đều chọn những lối đi riêng, những gì họ cảm thấy 'thuộc về mình' để bứt ra khỏi cái bóng thần đồng một thuở…

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: “Tôi đã vượt qua lâu rồi”…

Trần Đăng Khoa sinh năm 1958, quê làng Trực Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Từ nhỏ, Khoa đã được xem là “thần đồng thơ văn”. Lên 8 tuổi, cậu bé đã có thơ được đăng báo. Khi mới 10 tuổi, thần đồng đã cho ra đời tập thơ đầu tiên với tựa đề Từ góc sân nhà em, do Nhà xuất bản Kim Đồng xuất bản.

Tập thơ Góc sân và khoảng trời của nhà thơ nhí tài năng ra đời sau đó cũng thành công vang dội, được tái bản khoảng 30 lần, dịch và xuất bản tại nhiều nước trên toàn thế giới. Chưa dừng lại ở đó, Trần Đăng Khoa còn xuất bản 10 tập thơ, 4 tập văn xuôi bao gồm nhiều thể loại khác nhau. Có lẽ tác phẩm phổ biến nhất trong số đó là bài thơ Hạt gạo làng ta mà nhiều người trưởng thành đến giờ vẫn thuộc làu.

Điều khiến tác phẩm của Trần Đăng Khoa “vượt hơn” so với các cây bút cùng trang lứa, đó là thơ, văn của cậu bé thần đồng không chỉ hay ở tài quan sát, ở óc tưởng tượng, mà hay ở khả năng cảm nhận về những vấn đề lớn gắn bó mật thiết với cuộc sống “những năm bom Mỹ” ở làng quê xứ Bắc. Nhà thơ Tố Hữu đã từng nói “Giời đã mượn cái miệng trẻ con của Khoa để làm thơ cho người lớn đọc”.

Cậu bé thần đồng cũng được biết đến nhiều với câu chuyện khi mới hơn 10 tuổi đã đề nghị đổi câu thơ “Đường ta đi rộng thênh thang tám thước” thành “Đường ta rộng thênh thang ta bước” trong bài thơ Ta đi tới của nhà thơ nổi tiếng thời bấy giờ là Tố Hữu.

Trần Đăng Khoa ba lần được tặng giải thưởng thơ của Báo Thiếu niên Tiền phong (các năm 1968, 1969, 1971), Giải nhất Báo Văn nghệ (1982) và Giải thưởng Nhà nước (năm 2000).

Trần Đăng Khoa nhập ngũ năm 1975 khi đang học lớp 10/10 tại Trường phổ thông cấp 3 Nam Sách. Sau khi thống nhất, chàng trai theo học Trường Viết văn Nguyễn Du và được cử sang học tại Vện Văn học Thế giới M.Gorki thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Nga.

Khi trở về nước, Trần Đăng Khoa làm biên tập viên Văn nghệ quân đội. Từ tháng 6 năm 2004, khi đã mang quân hàm Thượng tá Quân đội nhân dân Việt Nam, ông chuyển sang công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam, giữ chức Phó trưởng ban Văn học Nghệ thuật, sau đó là Trưởng ban Văn học Nghệ thuật Đài Tiếng nói Việt Nam. Năm 2008, khi Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập Hệ phát thanh có hình VOVTV, ông được phân công làm Giám đốc đầu tiên của hệ này đến khoảng giữa năm 2011.

Hiện nay, ông là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Cổng điện tử vanviet.net, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật… Ông chia sẻ: “Bận rộn đến mấy, tôi vẫn không bỏ thói quen đọc và viết. Tôi vẫn viết nhiều, viết đều, đủ các thể loại. Ngoài thơ, văn, hiện tôi còn giữ nhiều chuyên mục cho các báo. Nhiều người cứ nghĩ tôi bị ám ảnh bởi thời trẻ con là không phải. Tôi đã vượt qua lâu rồi. Năm 16 tuổi khi viết xong trường ca Khúc hát người anh hùng là tôi biết mình đã bước qua giai đoạn của thời thơ bé”...

Lê Bá Khánh Trình: “Nghề dạy học hay lắm”…

Lê Bá Khánh Trình sinh năm 1963 ở Huế trong một gia đình có 6 anh chị em, bố là giáo viên Trường Đại học Y, mẹ là giáo viên cấp 2. Lê Bá Khánh Trình là một trong 5 học sinh Việt Nam được chọn tham gia Olympic Toán quốc tế ở London, Anh năm 1979 khi đang là học sinh tại lớp chuyên Toán Trường Quốc học Huế.

Năm ấy, cái tên Lê Bá Khánh Trình ghi dấu ấn trong tâm trí nhiều người, cả trong và ngoài nước, khi đoạt Huy chương Vàng và giải đặc biệt trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 21 với số điểm tuyệt đối 40/40. Cậu cũng đồng thời đoạt giải đặc biệt về lời giải độc đáo trong kỳ thi này.

Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình cùng đoàn học sinh VN dự IMO 2019 tại Anh

Tiến sĩ Lê Bá Khánh Trình cùng đoàn học sinh VN dự IMO 2019 tại Anh

Lê Bá Khánh Trình cũng là học sinh Việt Nam duy nhất đoạt giải đặc biệt trong một kỳ thi Toán Quốc tế tính đến nay. Với thành tích đáng ngưỡng mộ đó, Lê Bá Khánh Trình được mệnh danh là “cậu bé vàng của Toán học Việt Nam”.

Sau ngày nhận giải, Lê Bá Khánh Trình được tuyển thẳng vào khoa Toán - cơ, Đại học Tổng hợp Moskva. Tiếp đến, cậu sinh viên làm nghiên cứu sinh dưới sự hướng dẫn của Viện sĩ Andrey Alexandrovich Gontrar (Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga).

Sau 9 năm du học, Lê Bá Khánh Trình bảo vệ thành công luận án tiến sĩ rồi trở về Việt Nam làm giảng viên Khoa Toán - Tin, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM). Từ đó đến nay, người thầy ấy say mê với công việc của mình, say mê với việc truyền bá kiến thức toán học cho bao thế hệ học sinh. Và, như chính thầy chia sẻ, cũng có người nói rằng họ từng kỳ vọng và dự đoán thầy sẽ làm được nhiều điều hơn là chuyện đứng lớp, dạy học đơn thuần.

Thầy Lê Bá Khánh Trình trong ngày 20/11 vừa qua đã vô cùng hài hước khi múa phụ họa cho học sinh của mình trong ca khúc Bụi phấn. Thầy chia sẻ: “Nghề dạy học hay lắm. Nó hay ở chỗ khi mình đưa ra vấn đề, nếu thu hút được học sinh thì sẽ động viên được các em hợp tác với mình và qua đó chính bản thân mình cũng được nâng cao trình độ, tay nghề. Mỗi lần như vậy lại có một cảm giác thăng hoa, sảng khoái vì không uổng công”…

Điều đặc biệt, sau 40 năm, mới đây, khi đưa đoàn học sinh thi Toán Olympic tại Anh, thầy có cuộc gặp với GS Tony Gardiner, người đã chấm và trao giải cho bài thi có lời giải đẹp. Qua hơn 40 mùa IMO, giải đặc biệt dành cho bài thi có lời giải đẹp vẫn chỉ có một lần được trao cho Lê Bá Khánh Trình và chưa có học sinh nào của Việt Nam nhận được giải thưởng tương tự.

Thầy tâm sự giản dị: “Giải đặc biệt cho lời giải đẹp của tôi thì chính tôi cũng khó lý giải được. Có thể do sự xuất thần, may mắn nào đó. Trong quá trình dạy tôi thấy nhiều học sinh rất giỏi, thậm chí có những bài giải của các em làm tôi rất bất ngờ nhưng vì nó không rơi vào kỳ thi tiếng tăm nào đó nên không được biết tới.

Tôi vẫn cho rằng đó là một sự may mắn mà không phải ai cũng có được. Và chính sự tương tác giữa thầy và trò đã tạo nên sự thăng hoa, khiến tôi giữ được một “ngọn lửa” cho bản thân và cho phép mình tận hưởng một chút cái cảm giác hài lòng. Nếu không có những điều đó thì chắc “ngọn lửa” ấy của tôi đã tàn lụi lâu rồi”…

Và thần đồng 10X

Phần lớn những bạn trẻ được gọi là thần đồng hiện tại đều thuộc thế hệ đầu 10X (sinh năm 2000 trở lại đây). Trong đó, nổi bật là Đỗ Nhật Nam. 14 tuổi, Nhật Nam là du học sinh tại Mỹ; Tổng Biên tập tờ báo tuổi teen của Đông Nam Á - Creative Melange.

Năm 7 tuổi, em trở thành dịch giả nhỏ tuổi nhất Việt Nam, 11 tuổi viết tự truyện và là Tổng Biên tập một tờ báo dành cho tuổi teen. Năm 14 tuổi, Nam nhận được thư chúc mừng của Tổng thống Obama. Cuối năm 2018, em đã nhận được hỗ trợ chi phí học tập trị giá 7 tỷ đồng từ Pomona - một trường đại học tư thục có lịch sử lâu đời nằm cạnh Los Angeles.

 Đỗ Nhật Nam dạy Tiếng Anh miễn phí khi về nước nghỉ hè.

Đỗ Nhật Nam dạy Tiếng Anh miễn phí khi về nước nghỉ hè.

Chị Phan Hồ Điệp, mẹ Nhật Nam viết trên trang cá nhân: “18 năm qua, trong khóa học đặc biệt làm mẹ ấy, bề bộn những sai lầm và vấp ngã nhưng cũng ngọt ngào và hạnh phúc… Nên thành quả 18 năm là giây phút mẹ vừa xuất hiện ở sân trường, mẹ chân thấp chân cao chạy về phía em, còn em khi nhìn thấy bóng mẹ thì bỏ cả hàng đang xếp để chạy ùa ra ôm mẹ vào lòng: Mẹ ơi, em đợi mẹ mãi.

Nên thành quả 18 năm là khi em lên phát biểu vẫn đưa mắt tìm mẹ và mỉm cười. Nên thành quả 18 năm là khi em hát bài hát chia tay, em nói trong bài hát có câu: Hãy biết ơn người vì bạn mà khóc thầm, em đã nghĩ đến mẹ. Nên thành quả 18 năm là khi quay về phòng dọn đồ cho em, mẹ thấy dưới gối có ảnh mẹ và dòng chữ: Mom, I love you! Chỉ vậy thôi Nam là quá đủ cho lễ tốt nghiệp của... mẹ”.

Và sau cấp ba, theo chia sẻ của gia đình, Nhật Nam đã theo học âm nhạc: “Mẹ thực sự bất ngờ. Vì đó là điều mẹ chưa nghe thấy em nói bao giờ. Nhưng mẹ chỉ mỉm cười. Vì mẹ làm sao có thể lấy kinh nghiệm ít ỏi của mình để đặt lên em. Nên nếu em chọn gap year, em học âm nhạc hay bất cứ điều gì khác, mẹ vẫn luôn ủng hộ. Vì em trước hết, cần được trải nghiệm để trưởng thành”…

Vĩ thanh

Có thể nói, phần lớn các thần đồng một thuở đều đã vượt qua cái bóng “thần đồng” của thời niên thiếu. Họ vẫn tiếp tục thành công trên những ngả đường mà họ lựa chọn và thấy hài lòng, nơi họ được sống đúng với bản ngã của mình, theo một cách giản dị nhất. Như gia đình Đỗ Nhật Nam đã luôn ủng hộ những lựa chọn của con, để Nam được lớn lên bình thường, với những yêu thương ngọt ngào của người thân, nơi cậu luôn hướng về ấm áp và hạnh phúc…

Thực tế, nhiều người đặt câu hỏi, chúng ta có môi trường đào tạo thần đồng không, khi rất nhiều em nổi trội từ rất sớm trong thể thao và nhiều lĩnh vực khác? Nhưng như cố PGS Văn Như Cương từng chia sẻ, việc học ở nhà trường, dành thời gian cho cuộc sống gia đình, bạn bè vẫn là điều quan trọng nhất.

Từ nỗ lực của mỗi người, những em có tố chất thông minh đặc biệt sẽ tự xác định được hướng đi cho tương lai. PGS Văn Như Cương cho rằng: Thần đồng không tồn tại mãi mãi. Có những em ngày còn nhỏ, có khả năng đặc biệt vượt trội ở một lĩnh vực nào đó, như Toán học, Văn học, Nghệ thuật… Những khả năng này có thể mất đi khi lớn. Đó là do tự nhiên chứ không phải do các em kém cỏi. Vì vậy, nên để các em phát triển tự nhiên…

Còn thầy Lê Bá Khánh Trình cũng cho rằng: “Như tôi đã nói về việc luyện học sinh giỏi trước mỗi kỳ thi theo kiểu dồn về Hà Nội, thuê nhà ở để luyện với thầy giỏi. Tôi biết có gia đình có điều kiện ở Hà Nội thậm chí cho con luyện đến cả chục thầy giỏi một lúc.

Điều này dẫn tới tình trạng việc luyện tập trung để đi thi không phải nhằm mục đích nâng cao kiến thức, trình độ mà đôi khi là chạy theo “thời thượng”, theo phong trào, bồi dưỡng đúng hướng ra đề... chứ không phải nhằm trang bị cho học sinh bản lĩnh và kiến thức tốt hơn. Việc luyện thi theo kiểu lò luyện, nó không giống với cuộc thi chọn học sinh giỏi, học sinh tài năng lắm”...

Nguyễn Mỹ

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/giao-duc/than-dong-mot-thuo-ho-da-khong-mang-theo-cay-thanh-gia-than-dong-484838.html