Thần đồng Toán học từ chối đại học danh tiếng ở Mỹ để trở thành nhà sư
Không phải ai cũng đủ dũng cảm để chọn con đường mà mình thực sự muốn đi, dám bỏ lại sau lưng danh tiếng, tiền tài, địa vị và một tương lai tươi sáng phía trước như thần đồng này.
Lưu Chí Vũ sinh ra và lớn lên ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc. Từ nhỏ, anh luôn là một đứa trẻ ngoan trong mắt phụ huynh và là học sinh thông minh được nhiều thầy cô quý trọng. Cuộc đời của anh được nhiều người nghĩ rằng có lẽ sẽ giống như bao thiên tài khác trong giới học thuật hoặc tài chính. Nhưng, anh đã có một sự lựa chọn khác khiến nhiều người bất ngờ.
Tài năng của Lưu Chí Vũ bộc lộ rõ nhất ở môn Toán. Toán học có thể gây căng thẳng cho không ít người, nhưng đối với anh thì môn học này như một món đồ chơi và anh có thể “chơi” say sưa cả ngày không biết chán.
Năm 2005, Lưu Chí Vũ lúc đó đã là học sinh trung học phổ thông, đại diện cho cả nước đi thi Olympic Toán quốc tế lần thứ 31. Vào thời điểm đó, anh dễ dàng giành được huy chương vàng mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Năm sau anh cũng tiếp cuộc thi Olympic học sinh trung học quốc tế và cũng giành được huy chương vàng.
Với 2 huy chương vàng này, Lưu Chí Vũ dễ dàng có một tấm vé để đến nhập học tại Đại học Bắc Kinh. Đối với những thiên tài Toán học như vậy, các trường quốc tế sẽ tạo rất nhiều điều kiện để thu hút họ tới học. Học viện Công nghệ Massachusetts (Massachusetts Institute of Technology) của Mỹ cũng hứa cung cấp cho anh học bổng toàn phần. Con đường học tập của anh vô cùng thuận lợi, nhưng khi đối diện với học bổng lớn này, anh quyết định từ chối trong sự ngỡ ngàng của nhiều người.
Cha mẹ của Lưu Chí Vũ ngày đêm thuyết phục con trai mình suy nghĩ lại nhưng anh kiên quyết muốn trở thành một nhà sư. Thậm chí, mẹ anh buồn bã đến mức ngã bệnh phải nhập viện.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh, Lưu Chí Vũ đã đến chùa Long Tuyền một cách không do dự. Trên thực tế, việc anh chọn trở thành một nhà sư không phải là một quyết định bồng bột. Ngay từ nhỏ, anh là một người có tính cách hướng nội. Lúc lên cấp 2, anh luôn thích ở một mình và nghĩ về những bí mật trong cuộc sống.
Lúc học tại Đại học Bắc Kinh, Lưu Chí Vũ tham gia nhiều vào các hoạt động nông nghiệp. Khi đó, một người bạn của anh là Đặng Văn Khánh cũng đã đến chùa Long Tuyền sau khi tốt nghiệp đại học. Trong một lần tâm sự với nhau, mong muốn trở thành nhà sư của anh lại càng được thôi thúc mạnh mẽ.
Nhiều người không hiểu được lý do đằng sau quyết định của Lưu Chí Vũ mà thất vọng nghĩ rằng đó là một sự lãng phí tài nguyên chất xám. Có nhiều người nghĩ anh không muốn đến Mỹ học vì sợ rằng như nhiều người khác sẽ không trở về nước làm việc.
Trong một lần bày tỏ suy nghĩ của mình, Lưu Chí Vũ nói rằng bản thân cảm thấy Toán học không thể cứu thế giới, chỉ có Phật pháp mới có thể tịnh hóa chúng sinh. Sau khi anh đưa ra quyết định này nó đã thu hút sự chú ý của đông đảo mọi người. Một số bày tỏ sự đánh giá cao quyết định của anh, số khác lại bày tỏ sự khó hiểu.
Nhà văn trẻ Giang Phương Châu, Trung Quốc cũng bày tỏ ý kiến của mình sau khi nghe tin Lưu Chí Vũ trở thành một nhà sư. Cô tin rằng suy nghĩ của anh về cuộc sống và thế giới rất sâu sắc, không có gì ngạc nhiên khi anh quyết định như vậy.
Những người trước giờ ngưỡng mộ Lưu Chí Vũ nghĩ rằng anh thờ ơ với danh tiếng và tài sản, dám chọn cho mình một con đường khác biệt với số đông, điều đó thật đáng ngưỡng mộ. Trong khi đó, các nhà giáo dục cảm thấy rằng việc anh từ chối học bổng toàn phần của Học viện công nghệ Massachusetts, trở thành nhà sư là điều rất lãng phí tài năng và nguồn lực giáo dục.