'Thần dược' vùng nước lợ

Bên dòng Hàm Luông danh tiếng, nhiều năm qua, người dân ở các xã Thừa Đức, Thới Thuận (huyện Bình Đại, Bến Tre) sống khỏe nhờ nuôi loài hải sản được ví von là 'thần dược': hàu sữa. Hàu sữa Bình Đại được coi là đặc sản của khu vực này, cung cấp cho thị trường nhiều thành phố lớn ở khu vực phía Nam.

Bè nuôi hàu của ngư dân ven cửa Hàm Luông

Kiếm tiền tỷ nhờ hàu sữa

Chia sẻ về nghề nuôi hàu, ông Nguyễn Văn Hảo, 51 tuổi, ngụ ở xã Thừa Đức, thừa nhận, vùng nước ở đây không có loài thủy hải sản nào thích hợp hơn so với con hàu. “Nông dân không phải mất tiền mua con giống, lại không mất tiền thuê mặt nước, cải tạo ao hồ như nhiều nghề nuôi cua, tôm, cá… khác. Chỉ cần làm các giàn nuôi hàu, có phao nổi thả xuống nước là có hàu tự nhiên bám vào. Đó là lý do không chỉ riêng tôi mà hàng trăm hộ dân ở đây đều nuôi hàu.

Khắp vùng mặt nước từ cửa biển cho tới sâu trong cửa sông, đâu đâu cũng là các giàn nuôi hàu. Giàn nuôi hàu được dựng bằng các thùng nhựa cỡ lớn ghép lại. Khoảng 15 tới 20 thùng, tùy theo kích cỡ giàn. Kèm theo đó là những căn nhà nhỏ nổi trên sông, ven bờ của người dân. Mặc dù có thời gian sinh trưởng lâu - lên đến 6 - 7 tháng mới cho thu hoạch, nhưng hàu mang lại lợi nhuận lớn. Nhiều hộ nông dân lãi hàng trăm triệu nhờ nuôi hàu”, ông Hảo cho biết.

Nhiều nông dân khác cũng chia sẻ, ở Bình Đại cứ thả bất cứ vật gì xuống mặt nước lợ nơi đây, mấy tháng sau là hàu bám vào nhiều vô số kể. Thậm chí ngay cả ghe thuyền đậu 1 - 2 tháng ở bến cảng, hàu cũng bám đầy dưới mạn. Vì thế, rất nhiều hộ dân nơi đây tìm cách nuôi hàu trên những diện tích mặt nước cửa sông, ven biển. Với vốn đầu tư không quá nhiều, chủ yếu nhờ vào nguồn lợi thiên nhiên là hàu giống, những hộ dân nuôi hàu ở Bình Đại nhanh chóng kiếm được khá tiền từ loài sản vật này. Khác với nghêu, sò có giá bán bình dân, hàu - nhất là hàu sữa, có giá trị kinh tế cao hơn.

Vậy nhưng, nghề nuôi hàu của người dân vùng ven biển Bình Đại cũng không dễ dàng bởi bị thử thách tình trạng ô nhiễm môi trường do thiên nhiên và cả con người gây ra. “Năm 2016, ô nhiễm từ phía thượng nguồn theo dòng nước tràn về. Chỉ có mấy ngày, hàng ngàn dây hàu của người dân mấy xã ven biển nơi đây bỗng nhiên chết hàng loạt. Xác hàu chất kín nhiều tuyến đường trong xã. Gần như không gia đình nào “thoát” được đợt hàu chết năm ấy. Chỉ có một số ít những bè hàu ở ngoài xa phía biển thì còn giữ được.

May mắn là 3 năm nay, người dân Bình Đại chưa phải gánh chịu thêm đợt mất mùa nào như thế nữa”, ông Hảo chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay trữ lượng hàu giống tự nhiên nơi đây không đủ cung cấp. Đó là lý do nhiều nông dân phải mua thêm hàu giống. Ngoài ra, một số nông dân nghèo thì làm nghề khai thác hàu giống tự nhiên bán lại. Thậm chí có cả một số công ty nhận cung cấp hàu giống Singapore với chất lượng tốt, nhanh thu hoạch.

Dù phải đầu tư nhiều và bỏ vốn chứ không hoàn toàn dựa vào tự nhiên như trước nhưng nghề nuôi hàu của người dân ven biển Bình Đại lại bền vững, chủ động và ổn định hơn. Hầu hết người dân không phải phấp phỏng trông vào những giàn dây thả xuống nước để mong chờ hàu bám vào nữa.

Sơ chế hàu sau thu hoạch

Sơ chế hàu sau thu hoạch

Đặc sản quê hương

Với điều kiện đặc biệt do thiên nhiên ưu đãi và thói quen nuôi hàu đã lưu truyền nhiều năm, không có gì lạ khi hàu đang là đặc sản riêng biệt của vùng đất ven biển nhỏ bé ở vùng bán đảo Bến Tre này. Ngoài các giàn nuôi hàu san sát nhau ở ven sông, cửa biển thì dọc các tuyến đường quanh chợ Thừa Đức, ngã ba Thới Thuận… là các vựa thu mua, sơ chế hàu.

Bà Trần Thị Nhàn, 51 tuổi, chủ một vựa hàu ở xã Thới Thuận làm nghề này được hơn 5 năm rồi. Hàng ngày, bà nhận đơn đặt hàng của khách trên TPHCM, thành phố Tân An (Long An) hay Bến Tre rồi sau đó mua lại của ngư dân đưa lên. Tuy nhiên, khi mua hàu về, bà phải thuê thêm công nhân sơ chế.

“Hầu hết khách hàng trên thành phố cần hàu thành phẩm. Tuy nhiên, nhiều nhà hàng, quán ăn, khách sạn lại cần hàu sơ chế một nửa. Nghĩa là hàu chỉ tách vỏ một bên, còn một bên vỏ giữ lại. Dù thế nào cũng cần phải sơ chế. Và việc sơ chế hàu tốn rất nhiều thời gian, công sức. Hiện nay, giá hàu bán tại khu vực này là 18.000 đồng/kg cả vỏ. Nếu hàu tách còn ruột thì giá bán cao gấp 10 lần, là 180.000 đồng/kg. Riêng loại hàu sữa, chất lượng tốt giá thường gấp 1,5 lần so với hàu thịt”, bà Nhàn nói.

Các cửa sông ven biển miền Tây, từ Vàm Láng, Cửa Tiểu, Cửa Đại hay Mỹ Long, Trần Đề, Duyên Hải…, sản phẩm đặc trưng là con nghêu. Có thể nói, con nghêu gần như là “biểu tượng” của vùng nước lợ nơi cửa sông miền châu thổ Cửu Long Giang. Chỉ riêng vùng cửa sông Hàm Luông, tại các xã Thừa Đức, Thới Thuận thì sản phẩm đặc trưng lại là con hàu. Đó là điều đặc biệt thú vị.

 Hàu sữa Bình Đại

Hàu sữa Bình Đại

Đoàn Xá

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/than-duoc-vung-nuoc-lo-4032567-b.html