Thân lừa ưa nặng

Chưa có một nghiên cứu nghiêm túc nào chỉ ra rằng con lừa thực chất thông minh hay ngốc nghếch, nhưng trước nay, cứ nói đến loài vật này là người ta liên tưởng đến những kẻ có đầu óc tối tăm, mờ mịt. Điển hình nhất là câu đúc kết “Thân lừa ưa nặng”, nhằm ví von những kẻ có tính chây ỳ, lười biếng nên thường phải đón nhận những kết cục không tốt đẹp...

Lực lượng chức năng huyện Tam Đảo tiến hành phá dỡ công trình vi phạm quản lý đất đai tại thôn 1, thị trấn Tam Đảo, ngày 4/6/2021.

Lực lượng chức năng huyện Tam Đảo tiến hành phá dỡ công trình vi phạm quản lý đất đai tại thôn 1, thị trấn Tam Đảo, ngày 4/6/2021.

Gần đây có dịp tham gia một số buổi cưỡng chế vi phạm quản lý đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng (BT-GPMB), chúng tôi chợt nhận ra rằng, té ra có không ít trường hợp là người hẳn hoi nhưng lại rất thích làm “thân lừa ưa nặng”.

Cụ thể, một số người biết mình đang sinh sống trên một khoảnh đất tạm gọi là chưa có giấy tờ, chưa được pháp luật công nhận quyền sở hữu hay cho phép xây dựng bất cứ công trình kiên cố nào trên mảnh đất đó, nhưng vẫn ngang nhiên xây dựng, ăn ở, sinh hoạt lâu dài, bất chấp mọi lời cảnh báo từ nhiều phía.

Đến khi chính quyền địa phương và cơ quan chức năng quyết liệt vào cuộc, hệ lụy đương nhiên là phải tháo dỡ toàn bộ thì chính những trường hợp này, trước đó hiên ngang là thế, nay lại sụt sùi đề nghị Nhà nước, chính quyền hỗ trợ kinh phí tháo dỡ, kinh phí tái định cư...

Đặc biệt, trong BT-GPMB, lấy quỹ đất phát triển công nghiệp hoặc thực hiện các dự án phát triển KT-XH của địa phương, số người tự nguyện xin làm “lừa” cũng không ít.

Để ngoài tai mọi lời giải thích, vận động; phớt lờ mọi đề nghị hợp tác thân thiện của doanh nghiệp, chính quyền và cơ quan chức năng, những trường hợp này thường có "ý chí" vô cùng sắt đá, “bản lĩnh” vững vàng trước mọi thử thách.

Với phương châm “Một tấc không đi, một li không rời”, những người này luôn tỏ rõ quan điểm bảo vệ đến cùng tài sản của mình, thậm chí thể hiện thái độ không màng đến tiền bạc và một số lợi ích khác có thể được hưởng nếu chấp nhận hợp tác với doanh nghiệp và chính quyền địa phương.

Vậy nhưng, cứ khi cơ quan chức năng tiến hành cưỡng chế BT-GPMB là y như rằng chỉ trước đó ít giờ, hầu hết trong số này vội vã làm đơn trình bày hoàn cảnh, xin được nhận tiền đền bù và nhất trí cao với mọi phương án mà chính quyền địa phương, doanh nghiệp đưa ra.

Tìm hiểu được biết, những trường hợp đề cập ở trên không hẳn là chỉ thuộc thành phần thiếu hiểu biết hay nhất thời hồ đồ. Nhiều người trong số này có vai vế, địa vị khá cao trong xã hội là khác. Thế nhưng, họ vẫn cố tình không hiểu, cố tình có những hành vi vi phạm pháp luật. Mục đích lớn nhất và duy nhất vẫn là vì lợi ích cá nhân. Vì nó, họ sẵn sàng bỏ qua lợi ích tập thể, lợi ích xã hội, bỏ qua cả danh dự, phẩm cách con người.

Đáng tiếc và cũng rất thú vị ở chỗ, dù tính toán kỹ đến mức nào, kiên trì chờ đợi đến mức nào, kết cục đến với những trường hợp này thường là "xôi hỏng bỏng không".

Lý do là ngay từ động cơ, mục đích đã không trong sáng, hành động và nhận thức không đúng với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thì kết quả biết trước không có gì khó hiểu.

Hơn nữa, đây thường là những hành vi xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể, bị số đông người dân phản đối, lên án nên dù có muốn, chính quyền và cơ quan chức năng cũng khó có thể chấp nhận thỏa hiệp, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu, đòi hỏi quá mức của họ.

Để góp phần giảm bớt những tư duy lệch lạc liên quan đến lĩnh vực đất đai, theo quan điểm của chúng tôi, việc quan trọng là phải tăng cường tuyên truyền pháp luật về đất đai, chính sách bồi thường, hỗ trợ của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức để nhân dân biết và chấp hành; phát huy tốt hơn nữa vai trò của các tổ chức đoàn thể như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân… trong công tác tác BT-GPMB.

Đặc biệt, các địa phương cần thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là việc bảo vệ hiện trạng sử dụng đất, ngăn chặn người dân trong khu vực thu hồi đất thực hiện xây dựng các công trình trái phép nhằm trục lợi kinh phí bồi thường; xây dựng chế tài đủ mạnh để thực hiện nghiêm việc cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất và bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành quyết định thu hồi đất của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Đây là một giải pháp quan trọng góp phần đem lại hiệu quả, sự thành công trong công tác BT-GPMB và tái định cư, đồng thời làm ổn định tình hình an ninh tại địa phương.

Bài, ảnh: Quang Nam

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phong-su-ghi-chep/63745/than-lua-ua-nang.html