Thần thái Đông Sơn nhà Toraja, Indonesia
Người Toraja là một tộc miền núi đảo Sulawesi, Indonesia. Về nguồn gốc, có quan điểm cho rằng tổ tiên họ vốn là một chủ nhân của văn hóa Đông Sơn ở Bắc Việt Nam đã thiên di bằng đường biển tới vùng đảo cách đây khoảng trên dưới 2.000 năm.
Nhà hình thuyền-chim
Trước thế kỷ 20, người Toraja vẫn sống khá cách biệt với thế giới bên ngoài. Vì thế, văn hóa cổ truyền Toraja còn giữ được nhiều phong tục Đông Sơn như giã cối làm lệnh hoặc đánh cồng chiêng khi có người chết, xăm mình, cà răng, ăn trầu, thổi cơm lam, cúng tế trâu v.v...
Đặc biệt, nhà cổ truyền Toraja là dạng nhà duy nhất ở Đông Nam Á còn giữ được hình dáng ngôi nhà hình thuyền - chim trên trống Ngọc Lũ, chiếc trống đồng Đông Sơn cổ và đẹp nhất hiện còn. Dạng nhà đó có tên là “Tongkonan”, bắt nguồn từ “Tongko” = “ngồi”, ngụ ý đó là nơi con cháu có chung ông bà tổ tiên ngồi và bàn bạc với nhau các công việc quan trọng.
Với người Toraja, ngôi nhà của họ có mái hình thuyền với sống võng, hai đầu hồi vươn cao. Truyền thuyết kể rằng, tổ tiên người Toraja từ phương Bắc tới đảo bằng thuyền, gặp bão, thuyền hỏng, họ dùng thuyền làm mái cho các ngôi nhà mới. Hướng về cội nguồn, các ngôi nhà Toraja đều có đầu nhà, tức đầu thuyền luôn quay về hướng Bắc. Một truyền thuyết khác kể: Những người Toraja đầu tiên đã dùng thuyền tới đảo, không có chỗ ở, họ lấy thuyền làm nhà. Vì thế, nhà của người Toraja sau này có mái hình thuyền.
Từ quan niệm nhà là một con thuyền, cả làng là một đoàn thuyền, các ngôi nhà Toraja đều được dựng theo hướng Bắc-Nam, đầu nhà như đầu thuyền, hướng về phía Bắc - vùng đất tổ. Tại một số nơi, từ chỉ thuyền còn là từ chỉ nhà hay làng, người cùng làng được gọi là “người cùng thuyền”.
Nhà Toraja có 2, 3 hoặc 4 gian, riêng loại 3 gian có sàn gian giữa thường thấp hơn sàn hai gian bên, tương truyền là mô phỏng lòng con thuyền của tổ tiên xưa.
Quả thực, chúng ta không biết người Đông Sơn thể hiện hình đầu chim trên hai đầu nóc ngôi nhà hình thuyền - chim ra sao nhưng ở người Toraja, nhà lớn của tầng lớp quý tộc vào những năm 1920 vẫn có hình chim bằng gỗ với cổ dài, mào lớn, mỏ dài ngậm một vật tượng trưng cho bông lúa, được gắn vào cột đỡ nóc hay mặt hồi ở cả trước và sau nhà. Hình đầu chim đó rất gần gũi với hình đầu chim ở hai đầu thuyền trên một chiếc trống Đông Sơn lớn được tìm thấy ở đảo Seangang, Indonesia.
Người Toraja coi đó là hình chim hạc, một biểu tượng cho hạnh phúc, tương tự như người Đông Sơn và người Việt quan niệm về chim Lạc hay cò trắng. Có nơi họ coi đó là hình hồng hoàng - loài chim thể hiện tính cao quý của giới quý tộc. Có nơi lại coi đó là hình gà trống, biểu tượng của một thủ lĩnh quý tộc thông minh và dũng cảm. Chưa hết, họ còn coi gà trống là Diêm Vương, vị vua - vị quan tòa tối cao ở âm phủ. Vì thế, khi có những vụ kiện tụng, tranh chấp mà người không phân xử được, hai bên liền mang gà trống ra chọi nhau, gà ai thắng thì chủ của nó thắng kiện.
Thời Đông Sơn, cùng thờ Bà Tổ Chim, nhưng các nhóm dân đồng bằng thờ cò trắng, còn các nhóm dân miền rừng núi thờ chim hồng hoàng. Hình chim hồng hoàng bay xen kẽ đàn hươu chạy được thể hiện trên một vành riêng trên mặt trống Ngọc Lũ. Gà trống, con vật đậu trên mái nhà hình chim trên trống Ngọc Lũ, có mào đỏ chót và tiếng gáy gọi mặt trời mọc cũng là một biểu tượng cho mặt trời như cò trắng.
Với người Toraja, tín ngưỡng quan trọng nhất là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên gồm “tín ngưỡng mặt trời mọc” với các nghi lễ cho người sống, thường tiến hành vào buổi sáng ở phía Đông nhà và “tín ngưỡng mặt trời lặn” với các nghi lễ dành cho người chết, thường tiến hành vào chiều tối ở phía Tây nhà. Cội nguồn sâu xa của tín ngưỡng trên chính là tín ngưỡng vật tổ chim - mặt trời thời Đông Sơn.
Một trong các nghi lễ của “tín ngưỡng mặt trời mọc” là tục chôn nhau của trẻ sơ sinh ở phía Đông nhà. Từ đó, mỗi “ngôi nhà tổ tiên” cũng là nơi chôn nhau cắt rốn của những người trong họ. Có vẻ, khái niệm “nơi chôn nhau cắt rốn” chỉ mảnh đất cội nguồn của người Việt cũng có gốc từ phong tục này.
Người Toraja còn có tục trong đám ma đặt một quả trứng gà vào tay hay trong áo người chết, coi đó là đồ ăn của người chết trên đường về với tổ tiên. Rất có thể, đó cũng là nguồn gốc của tục cúng người chết bát cơm - quả trứng trong đám tang của người Việt.
Nhà hình trâu, đầu trâu, sừng trâu
Vào cuối thời Đông Sơn, trâu, một hiện thân của thần nước - thần mưa - ông tổ rồng dần trở thành một biểu tượng của tài sản, địa vị xã hội và nghề nông. Trong các hội lễ quan trọng như đám ma, lễ cầu mưa, cầu mùa, trâu là con vật chính dùng để cúng thần linh - tổ tiên.
Từ đó, một số nhóm dân Đông Sơn trồng lúa nước đã chuyển từ tín ngưỡng Bà Tổ Chim sang tín ngưỡng Bà Tổ Trâu (đầu thế kỷ 20, nhiều nhóm Tày và người Thái Đen vẫn giữ tín ngưỡng này). Trên các trống Đông Sơn muộn, dạng nhà hình chim dần chuyển sang dạng nhà hình trâu hay sừng trâu.
Vì thế, không ngạc nhiên khi ngôi nhà Toraja được ví với sừng trâu. Có nơi, người ta còn nói hóm hỉnh: con trâu là ngôi nhà biết đi. Trong một truyền thuyết cội nguồn Toraja, trâu là thần âm phủ với đôi sừng khổng lồ đỡ trái đất. Trong một truyền thuyết khác, vị thần trâu đó đã hóa thành nữ thần cai quản thế giới bên dưới.
Với người Toraja, đám ma là sự kiện quan trọng nhất, nhưng cũng phức tạp và tốn kém nhất. Khi liệm, người chết là đàn ông được đội một chiếc mũ gắn với sừng trâu hay đặt trong một quan tài ở hai đầu có hình sừng trâu. Trâu cũng được coi là vật cưỡi của người chết để về với tổ tiên.
Phản ánh sự chuyển tiếp, đan xen giữa vật tổ chim và trâu, ở nhiều nơi, hình đầu chim thường ở trên hình đầu trâu. Với người Toraja, chim là biểu tượng của nữ tính, còn trâu là biểu tượng của nam tính. Nói một cách khác, cặp biểu tượng chim - trâu thể hiện sự thống nhất âm - dương của vũ trụ.
Hoa văn Đông Sơn
Mặt trước nhà của những dòng họ lớn thường chứa các mảng điêu khắc gỗ. Người Toraja gọi các điêu khắc đó là “chữ viết” dùng để thể hiện các quan niệm của họ. Các hoa văn thường được tô với 4 màu cơ bản: đỏ - màu của máu, biểu tượng sự sống; trắng - màu của xương, biểu tượng của sự tinh khiết; đen - biểu tượng của đêm tối và cái chết và vàng - biểu tượng cho sức mạnh của thần linh.
Tính ra có tới 70 dạng hoa văn, mỗi dạng có một tên gọi riêng. Hoa văn phổ biến là các cây, con cách điệu thể hiện các biểu tượng tốt lành, chủ yếu cho sự sinh sôi nảy nở và tài sản. Đặc biệt, nhiều hoa văn là biến thể của các hoa văn - biểu tượng trên trống đồng và đồ đồng Đông Sơn.
Đó là các hoa văn mặt trời, vòng tròn, vòng tròn đồng tâm, chữ thập, xoáy ốc, chữ S, móc câu, hình thoi, răng cưa... nhưng đã mang một tên gọi, câu chuyện và tính biểu tượng riêng cho người Toraja. Ví dụ, hoa văn “hồ nước” (gốc từ hoa văn mặt trời) chỉ nguồn nước vô tận, trong truyền thuyết là tên của người thợ làm ngôi nhà với các điêu khắc gỗ đầu tiên của người Toraja. Hoa văn “cành rong” (một biến thể của hoa văn rùa) trở thành là một biểu tượng cho đồng lúa, cho cuộc sống thanh bình và hòa hợp. Hoa văn “đuôi ngỗng” (một biến thể của văn mây hình trái tim), thành một biểu tượng cho cuộc sống cao quý bởi ngỗng (loài chim gần gũi với cò trắng - chim Lạc Đông Sơn) thường được dùng để cúng trong các đám ma và lễ tạ ơn tổ tiên của giới quý tộc. Hoa văn “lúa” (một biến thể của hoa văn răng cưa), giờ là biểu tượng cho một cuộc sống an lành bởi trong truyền thuyết, lúa là một ông tổ của người Toraja và thần lúa chỉ vào nhà của những ai sống hiền hòa, cởi mở. Hoa văn nòng nọc (gốc từ hình ếch trên đồ đồng Đông Sơn) thể hiện mong ước dòng tộc sẽ có con đàn cháu đống. Hoa văn sừng trâu (gốc từ hình trâu, bò trên trống đồng) thể hiện mong muốn về một cuộc sống an khang thịnh vượng v.v...
Hơn một thế kỷ qua, ngôi nhà cổ truyền tongkonan của người Toraja, với cấu trúc độc đáo hoàn toàn bằng tranh tre, gỗ lá, với hoa văn điêu khắc tô màu phong phú và tinh mỹ đã trở thành một biểu tượng cho bản sắc văn hóa Toraja, một niềm tự hào của người Toraja và là một kỳ quan hấp dẫn khách du lịch.
Với người Việt Nam, ngôi nhà đó chính là một trong những bằng chứng rõ rệt nhất về sự lan tỏa của tổ tiên chúng ta cùng với nền văn hóa cội nguồn Việt tới vùng hải đảo Đông Nam Á.