Thân thương những cửa ô Hà Nội biến đổi qua thời gian

Trong bài hát 'Tiến về Hà Nội' của nhạc sỹ Văn Cao có câu: 'Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về...', còn trong bài 'Người Hà Nội' của Nguyễn Đình Thi thì: 'Đây ô Chợ Dừa, kia ô Cầu Dền...', các cửa ô không chỉ là địa danh quan trọng mà nó còn là những chứng tích lịch sử.

Ô Quan Chưởng thời Pháp thuộc

Ô Quan Chưởng thời Pháp thuộc

1. Thực ra Hà Nội không phải chỉ có 5 cửa ô như nhạc sỹ Văn Cao viết mà Thăng Long thời hậu Lê có tới 21 cửa ô, tuy nhiên trong bản đồ năm 1831 thì chỉ vẽ có 16. Ngày nay cửa ô duy nhất còn hình hài là ô Quan Chưởng, còn lại chỉ là những cái tên mang dấu ấn lịch sử. Trong số những cửa ô không thể nào quên có 3 cửa ô ở phía Tây Nam và Đông Nam thành Thăng Long xưa, đó là ô Chợ Dừa, ô Cầu Dền và ô Đống Mác. Ô Chợ Dừa là tên nôm của ô Thịnh Quang (sau đổi là Thịnh Hào). Thời Lý, ô này có tên là Trường Quảng.

Ô Chợ Dừa là cửa vào thành quan trọng ở phía Tây Nam. Xưa kia, mỗi khi xuất quân đi đánh giặc, các quan tướng thừa lệnh thường nhận chiếu chỉ, lạy từ vua trước sân rồng rồi mới lên xe. Vua xuống bệ, đặt tay vào lưng xe, đẩy làm phép một cái gọi là “đẩy xe” để tỏ lòng tin cho quan quân yên tâm đi đánh giặc. Cờ mở, trống dong, quân sỹ xuất binh qua cửa này. Trong “Thượng Kinh ký sự”, Hải Thượng Lãn Ông đã mô tả ô Chợ Dừa như sau: “Cùng đi theo cửa Vũ Quan, nhắm cửa thành mà vào.

Tôi thấy một cái thổ thành không cao lắm, kế bên có một dãy tường nhỏ, trên mặt tuờng ngựa đi được. Phía ngoài là hàng rào tre dày đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, thật là mười phần kiên cố. Ba tầng vọng canh được thiết lập nơi đây, tầng nào cũng có quân lính đứng thành hàng hai bên, đao thương xán lạn, hào quang như tuyết. Lính giữ cửa thấy bọn tôi có mang binh khí, xét hỏi thật nghiêm ngặt, đến khi biết rõ đầu mối, lại nhận thấy dấu hiệu áo lính trấn đất Nghệ An, mới để cho đi…”.

Bên ngoài cửa ô Chợ Dừa có đàn Xã Tắc, đây là nơi mà hàng năm vào mùa xuân, các vua Lý, Trần thường đến hành lễ, tế thần đất và thần ngũ cốc.

Ô Chợ Dừa nay đã thành một ngã 5 đông đúc

Ô Chợ Dừa nay đã thành một ngã 5 đông đúc

2. Cũng trên đê La Thành về hướng Đông có ô Cầu Dền. Trong sách “Đại Việt sử lược”, ô Cầu Dền là một cửa ngõ của kinh thành Thăng Long, xuất hiện từ thế kỷ 11 - 12 thời Lý. Theo truyền thuyết, đời nhà Mạc, ở làng Kim Hoa (nay là phường Kim Liên) có một người học trò cha mẹ chết sớm, nhà nghèo, phải đi dạy học kiếm ăn qua ngày. Mấy năm đói kém, nhờ có mấy mẫu ruộng rau dền nên anh đã cứu giúp được nhiều người qua khỏi nạn đói. Vì thế, người ta gọi chỗ ở của anh là Cầu Dền do có chiếc cầu bắc qua con sông và 2 bên bờ trồng nhiều rau dền. Đây chính là căn nguyên của cái tên nôm ô Cầu Dền.

Dưới triều Nguyễn, ô Cầu Dền là cửa ô chính quan trọng nhất trên đường thiên lý. Đó là con đường nối liền Thăng Long với các trấn và các tỉnh phía Nam (vào kinh đô Huế). Năm 1882 Pháp đánh thành Hà Nội, năm 1883 thì chiếm trọn Hà Nội, năm 1889 chính quyền thành phố lập khu vực ngoại ô làm hàng rào an ninh cho nội đô nên chính tại chỗ trạm gác cửa ô xưa họ cho lập lại một trạm gác mới.

Trạm này không chỉ kiểm soát, ngăn chặn nghĩa quân mà còn cấm không cho ăn mày vào nội đô. Trạm tồn tại đến năm 1915 thì bị xóa bỏ. Cũng tại ô này, chính quyền Hà Nội cũ còn cho xây một trạm xá chữa bệnh xã hội cho các cô gái chốn thanh lâu. Ngay dưới chân đê ở ô này, sông Kim Ngưu trong xanh và vào mùa hè trở thành bến tắm, nơi giặt giũ quần áo của dân lao động. Nay thì dấu vết ô này không còn vì đê đã bị phá, còn sông đã bị lấp từ lâu.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

3. Ô Đống Mác là cửa ô cuối cùng trong 16 cửa ô nằm trên đê La Thành. Cửa ô này nay là ngã tư Lò Đúc - Trần Khát Chân - Kim Ngưu. Đống Mác xưa là cửa ô vô cùng quan trọng vì là cửa khẩu kiểm soát tầu thuyền đi vào địa phận kinh thành Thăng Long. Thời chúa Trịnh Sâm, cửa ô này có tên là ô Ông Mạc. Nhưng Ông Mạc là ai? Trong sách “Quần thư tham khảo” của Phạm Đình Hổ viết như sau: “Ông làm quan trong triều, nhà riêng ở Nam Xá, thành Đại La, tục gọi là dinh Ông Mạc”. Đất Ông Mạc bao gồm mấy làng Lương Yên - Lãng Yên xưa (phố Lê Quý Đôn và Lương Yên ngày nay).

Nhà nghiên cứu Hoàng Đạo Thúy trong cuốn “Người và cảnh Hà Nội” viết: “Đường dọc thứ hai của vùng này là phố Lò Đúc, đi từ phố Phan Chu Trinh đến cửa ô Đống Mác. Xưa phố này có nhiều lò đúc đồng, sau chuyển lên Ngũ Xá. Người ta kể cái tên Đống Mác là từ tên Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi mà ra, vì ông Mạc có nhà riêng ở đây”. Thế nhưng dân gian lại giải thích khác, với danh nghĩa “Phù Lê diệt Trịnh”, năm 1786, Nguyễn Huệ sai Nguyễn Hữu Chỉnh làm tiên phong Bắc tiến.

Quân Trịnh rệu rã nhanh chóng thua trận, các danh tướng phần nhiều nghe tin Phú Xuân thất thủ đã khiếp sợ, đến khi nghe quân Tây Sơn kéo ra, đa số đã vứt bỏ binh khí chạy trốn. Quân Tây Sơn không cần tiến đánh cửa ô này vì binh lính nhà Trịnh đã bỏ lại giáo mác thành đống. Từ đó, cửa ô này có tên là ô Đống Mác. Sau đó, ô Đống Mác lại đổi tên là ô Thanh Lãng. Đến đời vua Tự Đức, ô Thanh Lãng được đổi thành ô Lãng Yên. Dù đã bị đổi tên, nhưng vì nhớ công lao quân Tây Sơn nên dân chúng Thăng Long vẫn gọi ô Đống Mác và tên ấy vẫn được sử dụng cho đến ngày nay.

Năm 1802, khi Nguyễn Ánh chuyển kinh đô vào Huế thì 3 cửa ô này không còn lính canh. Theo thời gian, 3 cửa ô thay đổi và cho đến ngày hôm nay đã gần như không còn dấu vết gì, chỉ còn phố với nhà san sát.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/song-o-ha-noi/than-thuong-nhung-cua-o-ha-noi-bien-doi-qua-thoi-gian/827059.antd