Thần tiên tỷ tỷ: Mỹ nhân si tình
Độc giả nam giới tìm thấy những tình tiết võ hiệp hấp dẫn, thấm đượm tinh thần Phật giáo trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Trong khi đó, nữ giới lại luôn hứng thú với những câu chuyện tình lãng mạn và sâu sắc. Thiên Long Bát Bộ - một tác phẩm tiêu biểu hội tụ cùng lúc hai yếu tố này với nhân vật Vương Ngữ Yên xinh đẹp, si tình...
“Thần tiên tỷ tỷ” Vương Ngữ Yên
Thiên Long Bát Bộ là tiểu thuyết viết với thời gian lâu nhất và cũng là tác phẩm dài nhất của Kim Dung. Trong đó, để xây dựng hình tượng Vương Ngữ Yên, nhà văn đã không tiếc sử dụng hàng loạt tính từ biểu cảm, gợi cho độc giả liên tưởng về một cô nương hoàn hảo từ dung mạo cho đến trí tuệ và lai lịch. Bên cạnh đó, Kim Dung còn thông qua “đôi mắt của kẻ si tình” để vẽ nên một bức tranh tuyệt đẹp về “Thần tiên tỷ tỷ” – hình ảnh giống hệt pho tượng ngọc dưới đáy Cung Kiếm hồ mà Đoàn Dự đã từng gặp.
Vương Ngữ Yên xuất thân từ gia đình hoàng tộc Đại Yên, được trời phú cho một nhan sắc tuyệt trần, thông minh hơn người, thuộc làu mọi kinh sách võ thuật trong thiên hạ. Nhược điểm duy nhất trong đời nàng là quá si mê người anh họ Mộ Dung Phục.
Để chọn lựa diễn viên vào vai Vương Ngữ Yên, các đạo diễn của 4 phiên bản truyền hình Thiên long bát bộ đều gặp rất nhiều thử thách. Khó khăn lớn nhất mà họ gặp phải là làm sao tìm kiếm được một ngọc nữ trong sáng, ngây thơ (để phù hợp với độ tuổi 16 trăng tròn mà Kim Dung miêu tả trong truyện), vừa phải toát lên được thần thái Thần tiên cao sang, mơ mộng nhưng không kém phần thông minh mẫn tiệp.
Trải qua nhiều đợt sàng lọc và đắn đo, cuối cùng vai diễn nặng ký này đã được giao cho Trần Ngọc Liên (1982), Tống Võng Lăng (1991), Lý Nhược Đồng (1997) và Lưu Diệc Phi (2003).
Trong số 4 diễn viên này, Trần Ngọc Liên chỉ nhận được đánh giá “vừa đạt tiêu chuẩn điểm trung bình” bởi diễn xuất của cô chưa đủ xuất sắc để thoát khỏi hình tượng Tiểu Long Nữ xây dựng trước đó (năm 1980).
Về phần Tống Võng Lăng, phong cách gần giống kịch nói của tác phẩm do Đài Loan sản xuất đã ảnh hưởng tới tạo hình cũng như lối biểu diễn cường điệu hóa. Điều này làm mất đi nét đặc trưng của hình tượng gốc - sự non nớt, tươi trẻ và trong sáng của Vương Ngữ Yên.
Còn với hai phiên bản do Lý Nhược Đồng và Lưu Diệc Phi đảm nhiệm, khán giả đã dành nhiều lời khen ngợi từ dung mạo cho đến diễn xuất.
Nếu Lý Nhược Đồng mang đến cốt cách một tiên nữ không vướng bụi trần, khuôn mặt toát lên vẻ thông minh quyến rũ thì ánh mắt rạng ngời xen chút ngây thơ và non nớt của Lưu Diệc Phi cũng đủ sức làm lay động hàng triệu con tim. Lúc này, nhân vật Vương Ngữ Yên mới thực sự hiện diện đầy chân thực và giàu cảm xúc trước mắt khán giả yêu thích Thiên long bát bộ.
Mời bạn cùng xem lại những hình ảnh khó quên của Vương Ngữ Yên do Lưu Diệc Phi thủ vai:
Tranh cãi về kết thúc chuyện tình của Vương Ngữ Yên
Hỏi thế gian, tình là gì? Để Lý Mạc Sầu vì tình mà trở nên độc ác, Quách Tương vì tình mà phí cả tuổi thanh xuân để tìm kiếm bóng hình ảnh trong ảo ảnh… Vương Ngữ Yên cũng là một trong số những cô gái si mê tình ái, nhưng nàng may mắn hơn khi nhận được kết thúc hạnh phúc.
Cả đời Vương Ngữ Yên chỉ biết say đắm người anh em cô cậu của mình – Mộ Dung Phục. Thế nhưng, “ngụy quân tử” khoác lác tự cao này chỉ say sưa giấc mộng phục hồi Đại Yên mà sẵn sàng đánh đổi cả tình yêu, bằng hữu và thậm chí còn tôn kẻ thù làm cha – miễn sao đạt được mục đích.
Trái lại, hoàng tử Đoàn Dự - người phải lòng Vương Ngữ Yên ngay từ lần gặp đầu tiên lại sẵn sàng đánh đổi tất cả mọi thứ trên đời, kể cả ngôi vị hoàng đế Đại Lý để được kề cận bên người đẹp.
Tình yêu giữa ba nhân vật này là một quá trình rượt đuổi với nhiều tình tiết ly kỳ, hồi hộp. Ban đầu, khi Đoàn Dự tìm mọi cách để theo đuổi và gần gũi thì Vương Ngữ Yên một mực từ chối. Mãi cho đến khi bị Mộ Dung Phục khước từ thì nàng mới chuyển hướng sang Đoàn Dự.
Nhiều người cho rằng sự thay đổi mau lẹ này của Vương Ngữ Yên đáng chê trách, bởi tình yêu thực sự nào có thể dễ dàng “thay hình đổi bóng”. Tuy nhiên, xét từ góc độ lý tính, bạn có thể dễ dàng thông cảm cho quyết định này sau nhiều chi tiết Mộ Dung Phục chà đạp lên sự chân thành của Vương Ngữ Yên, khiến nàng nhiều lần tủi thân đau lòng. Dần dần, cô gái nhỏ ngây thơ đã nhận ra rằng, dù ở góc trái tim của Mộ Dung Phục cũng không có chỗ cho mình.
Nàng đau đớn nhưng không hề oán hận người anh họ lạnh lùng. Tất cả những xúc cảm này chỉ vừa đủ để nhắc nhở nàng cần trân trọng tình cảm khi đến với người đàn ông khác.
Ngoài ra, một yếu tố "xúc tác" và hỗ trợ cho chuyện tình Ngữ Yên – Đoàn Dự là tình tiết mang tính “thiên thời địa lợi”. Đó là khi Đoàn Dự lấy thân mình bảo vệ của Vương Ngữ Yên, bị Mộ Dung Phục đánh rơi xuống giếng hoang nhưng vẫn mỉm cười hạnh phúc.
Trước sự hy sinh chân thành này, Thần tiên tỷ tỷ không chỉ cảm kích mà bắt đầu rung động trước tình yêu bền bỉ mà Đoàn Dự dành cho mình. Đến cuối truyện, cặp đôi này đã được vun vén hạnh phúc, trở thành hình mẫu tình nhân sung sướng nhất trong tiểu thuyết của Kim Dung (không phải cùng nhau trải qua thật nhiều gian lao khổ cực).
Tuy nhiên, đây chỉ là kết thúc trong bản gốc đầu tiên được Kim Dung viết năm 1963. Sau 6 lần chỉnh sửa, hồi năm 2005, phần kết của Thiên long bát bộ đã nảy sinh biến động rất lớn. Kim Dung đã không để cho Đoàn Dự và Vương Ngữ Yên được chung đôi hạnh phúc.
Lựa chọn bất ngờ này của nhà văn đặt ra nhiều câu hỏi thắc mắc từ phía độc giả. Có nhiều người bày tỏ sự tán đồng quan điểm vì cho rằng cách giải quyết này mới thực sự phù hợp với tính cách si tình (với Mộ Dung Phục) của Vương Ngữ Yên.
Bên cạnh đó lại có người lên tiếng đả kích sự thay đổi trái với tinh thần Phật giáo mà Kim Dung vốn ngưỡng mộ - yếu tố quán xuyến từ đầu đến cuối tác phẩm.
Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ phức tạp giữa 3 nhân vật này trên thực tế là quan hệ nhân quả giữa chính bản thân các nhân vật với gia đình, dân tộc (tương ứng với xã hội, đất nước trong thời hiện đại).
Trước hai luồng quan điểm trên, cá nhân bạn có nhận xét và đánh giá ra sao trước cái kết mới gây tranh cãi này? Xin hãy chia sẻ với chúng tôi bằng cách gửi ý kiến phản hồi phía dưới bài viết.