Thần tốc sơ tán hàng trăm người dân ven sông Hồng đến nơi an toàn
Theo ghi nhận thực tế trong sáng nay (11/9), các lực lượng chức năng phường Yên Phụ, quận Tây Hồ đã sơ tán hơn trăm hộ dân cùng với đồ đạc, vật nuôi trong ngõ 76 An Dương đến nơi tránh lũ an toàn.
Theo lãnh đạo phường Yên Phụ, đến 2 giờ sáng ngày 11/9, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCLB&TKCN) phường Yên Phụ đã vận động di chuyển 214 hộ dân với 429 nhân khẩu nằm trong khu vực ngõ 76 An Dương đến nơi an toàn. Trong đó, phường Yên Phụ đã di chuyển 158 hộ với 281 nhân khẩu (số hộ và số nhân khẩu còn lại do ở nhà kiên cố 2 tầng nên sẽ tiếp vận động tuyên truyền di dời trong ngày 11/9).
Hiện tại, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN phường Yên Phụ đang đề xuất cắt điện các khu vực: hẻm 76/86/11 An Dương; 76/86/19 An Dương; cuối đường 9 khu F361; ngách 75 đường 11 khu F361; từ 55 hẻm 32/15/46 An Dương đến cuối 32/15/46 An Dương; số 80 hẻm 32/15 An Dương; cuối ngách 76/86 An Dương; hẻm 76/32/43 An Dương.
Tại các phường như Phú Thượng và Tứ Liên, lực lượng chức năng cũng đã vận động và đưa hàng trăm hộ dân về nơi tránh trú an toàn.
Đại diện Ủy ban nhân dân (UBND) phường Phú Thượng cho biết phường đã tuyên truyền, vận động toàn bộ 1.116 hộ dân tại 3 tổ dân phố 1, 15, 16 di chuyển đồ đạc, tài sản lên vị cao, an toàn tại các công trình nhà kiên cố. Trong đó đã di chuyển 175 nhân khẩu/3.116 nhân khẩu/1.116 hộ dân (đang ăn ở tại các công trình nhà cấp 4, nhà ở thấp tầng). Đối với các hộ dân còn lại trong ngày 11/9 phường tiếp tục thực hiện phương án di dân theo kế hoạch.
Được biết, trong cả ngày 10/9, người dân bãi giữa và ở sát bờ sông Hồng đã tiến hành đưa tài sản, đồ đạc và vật nuôi vào bờ, sơ tán tại địa bàn phường Yên Phụ (quận Tây Hồ), phường Phúc Xá (quận Hoàn Kiếm).
Có mặt tại ngõ 76 An Dương trong sáng 11/9, trong khi trời vẫn mưa nặng hạt và mực nước sông Hồng ngày một dâng cao. Lực lượng chức năng phường Yên Phụ và quận Tây Hồ vẫn túc trực 24/24h để phòng chống lũ và đảm bảo an toàn cho người dân trên địa bàn.
Chị Nguyễn Thị Thanh Vân, cư trú trong ngõ 76 An Dương cho biết, nước lên nhanh quá, nhiều nhà xoay xở không kịp, từ hôm qua nước còn chưa vào nhưng hôm nay nước đã lên gần 2m.
Anh Trần Hồng Trường, một cư dân khác ở An Dương cũng cho biết, trong mấy chục năm sống ở đây, chưa năm nào anh thấy mực nước sông Hồng lại dâng cao như vậy. “Nước lên rất nhanh, theo từng giờ. Rất may là lực lượng chức năng của phường và quận đã kịp thời tổ chức các phương án để sơ tán người dân đến nơi an toàn và chuyển tài sản lên chỗ cao hơn. Trong cả ngày và xuyên đêm 10/9, mặc dù mưa lớn kéo dài, điều kiện ánh sáng vô cùng hạn chế nhưng lực lượng chức năng vẫn miệt mài, khẩn trương sơ tán người dân đến những nơi an toàn”, anh Trường cho hay.
“Từ đêm qua đến giờ, công tác phòng chống lũ, sơ tán người dân được chính quyền địa phương tiến hành hết sức khẩn trương, bất chấp trời mưa lớn và địa hình khá phức tạp do nước ngập sâu. Hi vọng tất cả mọi người sẽ sớm được đưa đến những nơi tránh trú an toàn”, ông Nguyễn Văn Thành, một cư dân ở phường Yên Phụ nói.
Đã gắn bó ở khu vực ngõ 76 An Dương gần 30 năm, chị Lê Thị Gấm cũng cho biết: “Dù đã quen với nước lũ sông Hồng nhưng chưa bao giờ tôi thấy nước dâng cao và nhanh đến thế. Cả ngõ chúng tôi cùng với lực lượng chức năng hỗ trợ nhau vận chuyển được cái gì hay cái đó vì nước lên nhanh lắm”.
Bà Vũ Thị Hoan cũng là người sống lâu năm trong ngõ 76 An Dương cho biết, bà ở đây nhiều năm, nhưng chưa bao giờ thấy nước sông Hồng dâng cao như thời điểm này. “Sau khi được UBND phường vận động di dời đến nơi an toàn để tránh lũ, gia đình tôi đã huy động anh em, người thân, bạn bè tập trung đóng gói đồ đạc để vận chuyển đi gửi chỗ khác ngay trong đêm 10/9. Gia đình tôi cũng đã mua sẵn 1 chiếc thuyền phao để đề phòng khi nước dâng cao hơn nữa”, bà Hoan cho biết thêm.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh, khu vực bãi giữa sông Hồng (phường Ngọc Thụy) có 2 tuyến đường ra, vào. Trong đó, một đường là khu vực cầu Long Biên và một đường là cuối ngõ 76 An Dương thuộc địa bàn hường Yên Phụ.
“Hiện nay, tuyến đường vào khu vực bãi giữa cầu Long Biên đã bị ngập sâu, không đảm bảo việc đi lại của người dân. Với phương châm “tính mạng của con người là trên hết”, quận Tây Hồ đã chỉ đạo các lực lượng tham gia hỗ trợ đưa người dân và tài sản ra khỏi bãi sông Hồng, nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do bão lũ gây ra”, ông Tịnh nhấn mạnh.
Ngày 10/9, trực tiếp chỉ đạo tại hiện trường trong ngõ 76 An Dương, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng cũng đã yêu cầu các đơn vị chức năng tranh thủ thời gian, khẩn trương hỗ trợ di chuyển người và tài sản của người dân vào bờ an toàn. “Thời gian đang rất gấp, các đơn vị chức năng cần tranh thủ thời gian để di chuyển người dân đến nơi an toàn”, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.
Lũ trên sông Hồng tiếp tục dâng cao, Hà Nội báo động lũ cấp độ 2
Rạng sáng ngày 11/9, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đã ban hành Lệnh Báo động lũ mức 2 trên sông Hồng, với mức nước là 10,50m.
Căn cứ vào mực nước sông Hồng tại Hà Nội (qua Long Biên) hồi 23h30 ngày 10/9/2024 là 10,50 m (mực nước báo động 2 là 10,50 m), Ban Chỉ huy PCTT & TKCN thành phố Hà Nội ban hành Lệnh Báo động II trên sông Hồng tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.
Trước đó, vào hồi 11h10 ngày 10/9/2024, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN thành phố Hà Nội đã ban hành Lệnh Báo động cấp độ 1 trên sông Hồng tại địa phận các quận: Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên và các huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Gia Lâm.