Thần tốc truy vết, chủ động đánh chặn
Từ ngày 27-4 đến 20 giờ ngày 9-5, nước ta đã ghi nhận 333 ca mắc Covid-19 lây trong cộng đồng tại 26 tỉnh, thành phố. Số ca mắc mới đang tăng lên mỗi ngày
Bộ Y tế đánh giá tỉnh Bắc Ninh đang là điểm nóng của dịch Covid-19. Trong ngày 9-5, tỉnh này ghi nhận thêm 42 ca mắc, nâng tổng số ca mắc lên 89. Riêng ổ dịch Thuận Thành ở tỉnh này có hơn 40 ca.
Nhiều địa phương giãn cách xã hội
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 9-5, UBND tỉnh Bắc Ninh đã ra văn bản thực hiện cách ly toàn xã hội từ 14 giờ cùng ngày đối với huyện Thuận Thành.
Người dân chỉ ra khỏi nhà khi thật cần thiết (như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu), đi làm việc (tại cơ quan, nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa hoặc bị dừng hoạt động) và các trường hợp khẩn cấp khác. Không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện (BV) và tại nơi công cộng; giữ khoảng cách tối thiểu 2 m khi tiếp xúc.
Tỉnh Vĩnh Phúc liên tiếp phát hiện thêm nhiều ca nhiễm mới. Tỉnh này đang quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch, tăng tốc độ xét nghiệm. Thị trấn Yên Lạc (huyện Yên Lạc) và thôn Đại Nội (xã Bình Định) thuộc huyện Lập Thạch bắt đầu thực hiện cách ly xã hội trong vòng 15 ngày, kể từ ngày 9-5.
Tỉnh Hưng Yên cũng quyết định phong tỏa, phun khử khuẩn cụm dân cư thôn Tiên Xá 1 (xã Cẩm Xá, huyện Mỹ Hào). Các địa phương còn lại thuộc xã Cẩm Xá thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.
Bộ Y tế đánh giá tỉnh Bắc Ninh đang là điểm nóng về dịch, chỉ trong vòng chưa đầy 2 tuần đã ghi nhận 46 ca mắc trong cộng đồng. Đặc biệt, ổ dịch huyện Thuận Thành chiếm 37 ca. Theo PGS-TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, dịch ở Bắc Ninh có nguồn lây từ BV Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.
"Chúng ta thấy nhiều ca mắc bệnh thì sợ, nhưng ca mà rõ nguồn lây, rõ ổ dịch thì lại không phải là vấn đề. Đây chính là điều quan trọng trong chống dịch của Bắc Ninh. Vì thế, Bắc Ninh phải tranh thủ cơ hội từng giờ, từng phút truy vết nguồn gốc. Chậm trễ truy vết sẽ để lại hậu quả rất lớn. Bắc Ninh đã có phản ứng mau lẹ nên chúng ta mới xác định được "địch" ở chỗ nào, đánh đúng trọng tâm, trọng điểm" - PGS Dương nhận đinh.
Chống dịch kiểu mới
Chiều 9-5, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã dẫn đầu đoàn công tác tới thăm, tặng quà hỗ trợ của TP Hà Nội tại BV K cơ sở Tân Triều. Lãnh đạo Thành ủy Hà Nội đề nghị BV tiếp tục khắc phục khó khăn, thật vững vàng, bình tĩnh; đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm toàn bộ cán bộ, nhân viên y tế, các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Cùng với đó, phải thực hiện nghiêm yêu cầu cách ly trên tinh thần "nội bất xuất, ngoại bất nhập", ngăn chặn tối đa tình trạng lây chéo trong BV và phát tán mầm bệnh ra bên ngoài.
Tại Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Duy Thành cho biết so với việc chống dịch năm ngoái, năm nay, tỉnh áp dụng chiến lược chống dịch kiểu mới, chủ động hơn. Năm 2020, Vĩnh Phúc áp dụng chiến lược điều tra, truy vết, truy đuổi tận nơi và đã thành công. Tuy nhiên, với chủng virus mới có tốc độ lây lan và uy hiếp tính mạng cấp độ lớn hơn thì chiến lược trên không thể đáp ứng. Thay vào đó, tỉnh quyết tâm bao vây, khoanh vùng, đón đầu, đánh chặn.
Vĩnh Phúc thay đổi cách làm hoàn toàn khác khi mở rộng diện xét nghiệm, coi các đối tượng F1 như F0 và coi F2 như F1 để có các biện pháp cụ thể.
Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cho biết mặc dù có nhiều ca mắc mới gần đây nhưng các ca được công bố đã được tỉnh khoanh vùng xét nghiệm trước đó nên không bị động khi xử lý. Theo chỉ đạo chung, các ca bệnh mắc Covid-19 sẽ được Bộ Y tế công bố. Tuy nhiên, công tác xét nghiệm sàng lọc cho kết quả một mặt tỉnh thông tin rộng rãi, mặt khác áp dụng các biện pháp chống dịch như ứng xử với ca đã dương tính với dịch bệnh. Do vậy, trường hợp kết quả từ Bộ Y tế công bố dương tính thì ở địa phương đã kích hoạt chống dịch từ trước.
"Chúng tôi quyết định nâng mức độ cảnh báo lên một bậc. Hiện Vĩnh Phúc chưa công bố giãn cách toàn tỉnh nhưng về phương pháp triển khai đã áp dụng các chỉ thị 15 và 16 của Thủ tướng. Lần này, chúng tôi huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, kể cả các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng trực tiếp xuống địa bàn nắm cơ sở để có quyết sách kịp thời" - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nói.
PGS-TS Trần Như Dương chia sẻ phương châm chống dịch là thần tốc truy vết, thần tốc cách ly, thần tốc khoanh vùng và xét nghiệm. Từ kinh nghiệm ở TP Đà Nẵng và tỉnh Hải Dương thấy khâu truy vết muốn nhanh và thần tốc thì cần cả công an vào cuộc.
"Hải Dương thành công là nhờ lực lượng công an truy vết. Y tế truy vết rất khó khăn vì nhiều người không khai báo nhưng công an vào 1 ngày là xong. Tại sao phải thần tốc xét nghiệm với F1? Bởi F1 phải có kết quả sớm nhất để giải phóng F2. Xét nghiệm diện rộng là quan trọng vì các ca bệnh không có triệu chứng" - PGS Dương nói thêm.
Người sáng lập Tổ Covid cộng đồng - PGS Trần Như Dương cũng cho rằng phải thành lập tổ Covid cộng đồng, bởi chỉ có dân tại địa phương thì mới lo cho cộng đồng làng xã. Nếu không làm được thì chống dịch không có nền tảng, phải coi cuộc chiến chống dịch là cuộc chiến tranh nhân dân.
Đà Nẵng truy vết F1
Ngày 9-5, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Đà Nẵng cho hay TP đã ghi nhận 34 địa điểm liên quan tới bệnh nhân và khu vực điểm nóng. Trong đó, có 7 khu vực có quyết định phong tỏa.
Trung tâm Y tế quận Hải Châu đã thực hiện xét nghiệm Covid-19 cho 1.330 người làm việc tại Trung tâm Hành chính TP Đà Nẵng. Ngành y tế đã thực hiện xét nghiệm cho 164 người làm công tác bầu cử. Lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng khẳng định cơ bản các ca mắc mới đã được điều tra, truy vết, cách ly, xét nghiệm bảo đảm thực hiện hiệu quả, góp phần cơ bản kiểm soát dịch bệnh.
B.Vân
1 người nhập cảnh trái phép tử vong tại Đồng Tháp
Ngày 9-5, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh - xác nhận về trường hợp người nhập cảnh trái phép từ Campuchia rồi tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.
Theo đó, bà L.K.N (SN 1966) và chồng là ông N.V.Đ (SN 1960, cùng ngụ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) sang Campuchia làm ruộng 32 năm qua. Vào ngày 7-5, bà N. mệt, ngất xỉu nên được ông Đ. đưa về Việt Nam bằng xe máy, sau đó thuê xe 7 chỗ đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Đồng Tháp đã đưa ông Đ. đi cách ly tập trung tại khu cách ly của huyện Hồng Ngự. Bà N. sau đó tử vong do tai biến mạch máu não vì xuất huyết não. Tối 8-5, kết quả xét nghiệm của ông Đ. và bà N. đều âm tính với SARS-CoV-2.
T.Minh
Quảng Nam: Người từ Đà Nẵng về cách ly tại nhà
Thừa Thiên - Huế: Thêm 2 ca mắc Covid-19
Ông Trần Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ngày 9-5 đã ký ban hành quyết định về việc thành lập 7 chốt kiểm soát phòng chống dịch Covid-19 trên địa bàn. UBND tỉnh Quảng Nam cũng yêu cầu những người từ TP Đà Nẵng vào tỉnh Quảng Nam phải khai báo y tế, thực hiện cách ly tại nhà, cơ sở lưu trú theo quy định (trừ đội ngũ cán bộ quản lý, công nhân làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp đi và về trong ngày).
Tỉnh Quảng Nam đã ghi nhận 2 ca Covid-19 và 1 ca nghi nhiễm, ngoài ra còn nhiều trường hợp phát hiện dương tính tại Đà Nẵng có lịch trình di chuyển nhiều nơi ở tỉnh này.
- Cùng ngày, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phát hiện thêm 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, ở xã Phong Hiền (huyện Phong Điền) và xã Lộc Tiến (huyện Phú Lộc). Hiện tỉnh này có 3 ca mắc Covid-19, đều liên quan đến điểm dịch cơ sở thẩm mỹ viện Amida (Đà Nẵng). Lực lượng chức năng đã khoanh vùng, phong tỏa cách ly tạm thời xã Phong Hiền (huyện Phong Điền); thôn Phước Lộc và thôn Phước An, xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/than-toc-truy-vet-chu-dong-danh-chan-20210509224818735.htm