Thận trọng đúng cách với Omicron
Các chuyên gia y tế cho rằng việc thận trọng trước một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 là cần thiết nhưng chúng ta cần tiếp tục theo đuổi 'sống chung an toàn', không nên quay lại zero-COVID như trước đây.
Tính đến hôm nay (24-1), tại Việt Nam đã xuất hiện không ít ca nhiễm COVID-19 với biến thể Omicron. Các ca F0 hiện diện ở nhiều tỉnh, thành khác nhau, trong đó có những ca cộng đồng và những ca nhập cảnh. Liên quan đến công tác cách ly, điều trị, theo dõi diễn biến dịch liên quan đến biến thể này, Pháp Luật TP.HCM đã có trao đổi với một số chuyên gia về dịch tễ học, y tế dự phòng, điều trị.
PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Trưởng Khoa y tế công cộng ĐH Y Dược TP.HCM:
Cần tính toán hợp lý việc truy vết, cách ly
Khi biến chủng Omicron xuất hiện vào tháng 11 năm ngoái ở Nam Phi, thế giới đã rất lo lắng. Nhiều nước ngay lập tức đóng cửa đường bay với các quốc gia bùng dịch biến thể Omicron vì lo ngại làn sóng dịch mới, trong khi những thông tin về Omicron còn chưa được giải mã. Tuy nhiên, đến nay các thông tin cơ bản của Omicron đã được công bố trong nhiều công trình nghiên cứu. Theo tôi được biết, một số nghiên cứu trên động vật cho thấy biến thể này chủ yếu gây ảnh hưởng ở đường hô hấp trên, tức là virus nhân bản và phát triển mạnh ở cổ họng và mũi. Điều đó phần nào giải thích việc phát tán virus này nhanh hơn biến thể Delta hay biến thể trước đây - vốn xâm lấn nhiều ở phổi.
Ở mô phổi, các nghiên cứu cho thấy Omicron xâm nhập tế bào ít hơn so với biến thể Delta, nên tin mừng đó là người nhiễm ít có khả năng bị trở nặng, nhập viện và tử vong hơn. Người bị nhiễm Omicron cũng có thể biểu hiện ít triệu chứng hơn. Như vậy, trong khi chúng ta lo lắng vì Omicron có tốc độ lây lan nhanh hơn cả Delta nhưng ở góc độ nào đó cũng không quá bi quan khi độc lực của biến thể này, tính đến lúc này, là nhẹ hơn Delta.
Vì vậy, không có lý do gì chúng ta quay lại kiểu cách ly thời zero-COVID, tức cách ly tập trung người nhiễm bệnh (F0) và những người tiếp xúc gần (F1). Việc quay lại zero-COVID vừa gây lãng phí, hao tổn nguồn lực y tế không cần thiết; vừa không mang hiệu quả, cả về mặt phòng chống dịch bệnh và khía cạnh phục hồi, phát triển kinh tế.
Tôi nghĩ truy vết chỉ thật sự cần thiết với các nhóm dễ bị tổn thương, ví dụ cần truy vết những ai làm việc tại các bệnh viện, viện dưỡng lão, trại giam, nhà có người thân là người cao tuổi, bệnh nền… Chúng ta truy vết để dự báo, lên phương án giường bệnh và thuốc điều trị trong trường hợp số ca trở nặng gia tăng, chứ không phải truy vết để cách ly tập trung. Về phương pháp chữa trị, bệnh nhân nhiễm Omicron vẫn theo phác đồ như các biến thể khác.
Người nhiễm không triệu chứng chỉ cần cách ly, theo dõi tại nhà và dùng thuốc nâng đỡ thể trạng. Mắc COVID-19 thể nhẹ hoặc trung bình cần được điều trị các triệu chứng như ho, sốt; nếu có nguy cơ chuyển nặng cần được dùng thuốc kháng virus và có thể cần được cách ly, theo dõi tại bệnh viện. Bệnh nhân thể nặng trở lên cần được nhập viện để được điều trị với ôxy liệu pháp và các biện pháp điều trị chuyên sâu.
PGS-TS NGÔ QUỐC ĐẠT, Phó Trưởng Khoa y ĐH Y Dược TP.HCM:
Bình tĩnh sống chung với Omicron
Tôi cho rằng sự thận trọng là rất cần thiết, vì Omicron vẫn có khả năng gây hại đến cộng đồng nếu chúng ta chủ quan, lơ là hoặc mắc phải sai lầm trong công tác chuẩn bị.
Tuy nhiên, như nhiều chuyên gia uy tín trong và ngoài nước đã phân tích dựa trên các nghiên cứu ban đầu cho thấy Omicron ít gây tổn thương phổi, do đó ít làm bệnh nhân trở nặng hơn so với Delta. Số liệu từ các nước phương Tây cho thấy Omicron ít gây hại cho người bệnh hơn các biến chủng trước, đặc biệt là người đã tiêm đủ hai mũi vaccine và mũi tăng cường (mũi thứ ba).
Các triệu chứng thường gặp là sổ mũi, đau đầu, ho. Điều này có thể được giải thích là vì Omicron có ái lực (thích) đường hô hấp trên. Vì vậy khi nói chuyện, ho, hắt hơi… thì virus này rất dễ dàng lây nhiễm cho người xung quanh.
Dù khẳng định chúng ta phải thận trọng không chỉ Omicron mà ngay cả Delta nhưng tôi thấy chúng ta có cơ sở để bình tĩnh “sống chung an toàn” với Omicron.
Thứ nhất, Việt Nam đã vào nhóm nước hàng đầu thế giới về tỉ lệ tiêm chủng. Gần như tất cả dân số đã được tiêm một mũi, đa số đã đủ hai mũi và những nơi từng là “vùng đỏ” như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương… hiện đã tiêm mũi tăng cường và được “xanh hóa” dần. Khi phủ vaccine nhiều thì chúng ta dành sự tập trung cho nhóm nguy cơ cao, chủ yếu là người già, có bệnh lý nền.
Thứ hai, chúng ta đã có kinh nghiệm từ các nước và từ chính quá trình chống dịch của mình trong suốt thời gian qua.
Thứ ba, chúng ta đã có sự chuẩn bị tốt hơn cho hệ thống y tế cơ sở. Tôi thấy một số bệnh viện đã mở khoa COVID-19, từng bước đưa căn bệnh này trở thành bệnh “đặc hữu”. Chúng ta cũng tiếp cận nhiều hơn với các loại thuốc chữa trị.
Cuối cùng, Nhà nước cũng đã tiến hành gói hỗ trợ có giá trị hàng trăm ngàn tỉ đồng, trong đó chi hàng chục ngàn tỉ đồng để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, sản xuất vaccine trong nước và thuốc điều trị COVID-19; nhập khẩu vaccine, thuốc điều trị và thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng chống dịch COVID-19…
Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta có đủ cơ sở để bình tĩnh sống chung an toàn với dịch. Việc truy vết là cần thiết với điều kiện chúng ta áp dụng tốt các nền tảng công nghệ để không gây bất tiện cho người dân, chứ không phải chạy đi kiếm F0, F1 để hỏi, làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm; tuyệt đối không áp dụng việc cách ly tập trung theo kiểu zero-COVID, mà chuyên tâm vào vấn đề vaccine, hệ thống y tế chăm sóc, theo dõi và thuốc điều trị.•
PGS-TS NGUYỄN THỊ THU HOÀI, Khoa công nghệ sinh học ĐH Quốc tế - ĐH Quốc gia TP.HCM:
Cần nghiên cứu vaccine mới hiệu quả hơn
Số liệu gần đây nhất của Israel khi họ tiêm phòng mũi tăng cường (mũi số 4) cho người trên 60 tuổi, cho thấy dù có giúp lượng kháng thể tăng hơn nhưng vẫn không thay đổi hiệu quả bảo vệ trước biến thể Omicron. Như vậy, chúng ta cần một loại vaccine hiệu quả hơn.
Dưới tác dụng của vaccine, nhiều nhà khoa học đã nhận định COVID-19 có khả năng kết thúc trong năm nay và sẽ trở thành một bệnh đặc hữu như cúm mùa. Tuy nhiên, nó có thể sẽ tạo ra những đợt bùng phát nhẹ, xen kẽ. Vì vậy, tôi cho rằng chúng ta cũng nên sẵn sàng chuẩn bị phát triển vaccine cho những biến chủng, những đợt bùng phát, thậm chí là những dịch bệnh tương tự xảy ra trong tương lai. Việc sẵn sàng công nghệ, chủ động công nghệ, đặc biệt là những công nghệ mới trong chế tạo vaccine là điều cần thiết đảm bảo cho an ninh và an toàn của người dân.
Hiện tại, tại Việt Nam, chủng lưu hành chủ yếu vẫn là Delta. Với chủng này, các số liệu nghiên cứu đã cho thấy vaccine hiện tại vẫn có hiệu quả rất tốt trong giảm tử vong, nhập viện và chống nhiễm bệnh. Chẳng hạn với Pfizer, một vài nghiên cứu cho thấy hiệu quả bảo vệ, chống nhiễm bệnh tới 90% sau khi tiêm mũi hai đủ 21 ngày. Bởi vậy có thể thấy với tỉ lệ tiêm phòng cao ở Việt Nam hiện nay, chúng ta đã khống chế dịch rất tốt.
>
Tuy nhiên, với chủng Omicron, nghiên cứu mới nhất cho thấy tỉ lệ nhập viện và tử vong rất thấp ở người đã tiêm phòng, thậm chí với người chưa tiêm cũng thấp hơn rõ ràng nhưng vaccine dường như không thực sự hiệu quả trong bảo vệ người đã tiêm phòng khỏi nhiễm bệnh.
Quan điểm để tự do lây lan, tạo miễn nhiễm cộng đồng, riêng với Omicron sẽ có vài điểm có thể tạo quan ngại. Thứ nhất, khi chưa có vaccine mới hiệu quả trước Omicron và số liệu cho thấy người tiêm đủ hai mũi chỉ có thể có khả năng bảo vệ khỏi nhiễm 20%-30% thì dù tỉ lệ người phải nhập viện rất ít (0,5%), bệnh cảnh rất nhẹ, thì số lượng vẫn có thể gây quá tải hệ thống y tế dưới tốc độ lây lan nhanh của chủng này.
Thứ hai, việc số lượng lớn người nhiễm cũng tăng khả năng tạo biến chủng mới.
Theo quan điểm cá nhân của tôi, riêng với các bệnh nhân COVID-19 nhiễm biến thể Omicron cần được cách ly, theo dõi kỹ, thu thập dữ liệu, nhất là trong dịp tết khi mọi người thường tập trung đông đúc. Sau kỳ nghỉ tết, chúng ta sẽ lại phải tiếp tục cập nhật diễn biến thực tế để có cách tiếp cận phù hợp nhất, vì quan điểm chủ đạo của Việt Nam và đa số các nước hiện nay vẫn là thích ứng sống chung với COVID-19.
..............................
Các nước ứng phó với biến thể Omicron như thế nào?
Nhiều nước hiện nay phải đối phó với đợt dịch Omicron siêu lây nhiễm khiến số ca nhiễm tăng nhanh chỉ trong thời gian ngắn. Mở rộng chương trình tiêm chủng toàn dân, siết chặt giãn cách xã hội và tập trung nguồn lực quốc gia hỗ trợ cho hệ thống y tế đang chịu áp lực lớn thường là các biện pháp được những nước này lựa chọn.
Tại Singapore, tờ The Straits Times cho biết chính quyền đang có các bước chuẩn bị cần thiết để đảm bảo đợt tết Nguyên đán sắp tới diễn ra an toàn.
Quy định mới yêu cầu người dân chỉ được tập trung nhóm tối đa năm người ở nơi công cộng và các tụ điểm vui chơi giải trí, còn mỗi nhà chỉ đón tối đa năm khách tới thăm mỗi ngày.
Các công ty tiếp tục được phép cho nhân viên lên làm việc tại chỗ nhưng chỉ được tối đa 50% số người so với lúc bình thường. Để hỗ trợ giảm tải cho hệ thống y tế, người tiêm đủ hai liều mà dương tính với virus SARS-CoV-2 nếu phải buộc cách ly tập trung để chữa trị thì chỉ còn phải ở bảy ngày thay vì 10 ngày như trước, người chưa tiêm đủ liều vẫn phải cách ly 14 ngày.
Chương trình tiêm chủng cũng được chuẩn bị mở rộng tiêm liều tăng cường cho đối tượng vị thành niên 12-17 tuổi và tiêm nốt cho khoảng 20% dân số còn lại chưa tiêm liều nào.
Về phía Thái Lan, chính quyền nước này tuy cũng đang đối phó với số ca nhiễm gia tăng do biến thể Omicron nhưng lại đang lên kế hoạch giảm bớt một số hạn chế để hỗ trợ ngành du lịch.
Theo tờ The Bangkok Post, hiện thời gian hoạt động ở các tụ điểm vui chơi giải trí, phục vụ đồ uống có cồn được nới lỏng từ 21 giờ lên 23 giờ. Tuy nhiên, quán bar, hộp đêm vẫn chưa được phép mở lại.
Kể từ tháng 2-2022, du khách nước ngoài sẽ được cho phép nhập cảnh vào Thái Lan như trước đây, chỉ cần tiêm đủ liều và xét nghiệm COVID-19 hai lần trong suốt chuyến đi. Chương trình tiêm chủng từ ngày 26-1 sẽ được mở rộng xuống đối tượng là trẻ em 5-11 tuổi, song song với đẩy mạnh nỗ lực phủ liều tăng cường cho những người đã đủ liều tiêu chuẩn.
Ở Nhật Bản, hãng tin AP cho biết từ ngày 21-1 đến ngày 13-2, mọi cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải trí được yêu cầu đóng cửa sớm và không được bán đồ có cồn, tuy vẫn được phục vụ tối đa công suất.
Chính sách cho phép người đã tiêm vaccine và người có kết quả âm tính được sinh hoạt bình thường cũng bị tạm hoãn. Lệnh siết chặt biên giới sẽ tiếp tục được duy trì cho tới hết tháng 2.
Về thời gian cách ly, các F0, F1 nhiễm Omicron chỉ còn phải cách ly tại nhà 10 ngày thay vì 14 ngày như trước. Hiện hai trung tâm tiêm ngừa COVID-19 do lực lượng phòng vệ Nhật quản lý đã được mở cửa lại để hỗ trợ chương trình tiêm chủng.
Theo tờ The Japan Times, hiện Nhật Bản chỉ mới bắt đầu triển khai tiêm liều tăng cường vào đầu tháng 12 nên tiến độ vẫn rất chậm, mới chỉ đạt khoảng 0,9% dân số đủ điều kiện.
Chính quyền nước này mới đây đã giảm thời gian chờ để tiêm liều tăng cường từ tám tháng xuống còn sáu tháng ở đối tượng từ 65 tuổi trở lên; và bảy tháng với đối tượng dưới 65 tuổi để tăng tốc độ tiêm chủng.
Tại Mỹ, làn sóng dịch do Omicron gây ra đang diễn biến nghiêm trọng với nhiều ngày ghi nhận lên tới hơn một triệu ca nhiễm mới. Hơn 15.000 binh sĩ Vệ binh Quốc gia ở các bang đã được điều động hỗ trợ lực lượng y tế chăm sóc lượng lớn bệnh nhân COVID-19 đang đổ về các bệnh viện, theo đài CNN.
Lực lượng quân y cũng đang được cân nhắc triển khai trong thời gian tới nếu tình trạng thiếu nhân lực vẫn diễn ra. Hàng ngàn trường học ở Mỹ mới mở cửa được vài tuần hồi cuối năm ngoái nay lại tiếp tục đóng cửa, tiếp tục dạy trực tuyến để bảo vệ học sinh.
Chính quyền liên bang đang chuẩn bị chuyển đi hàng trăm triệu khẩu trang N95 và bộ xét nghiệm miễn phí, đồng thời yêu cầu các hãng bảo hiểm y tế phải chi trả chi phí cho người dân xét nghiệm theo diện dịch vụ.
Chương trình tiêm chủng mở rộng tiêm liều tăng cường cho đối tượng là trẻ em 12-15 tuổi. Nỗ lực vận động người dân tiêm đủ liều tiêm chuẩn tiếp tục được đẩy mạnh khi còn hơn 30% dân số chưa tiêm. PHẠM KỲ
Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/than-trong-dung-cach-voi-omicron-1040595.html