Thận trọng khi điều chỉnh giá bán điện

Bộ Công Thương đang đề xuất rút ngắn thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 3 tháng hiện nay xuống còn 2 tháng, kể từ lần thay đổi gần nhất.

Tức là, mỗi năm có thể có 6 đợt thay đổi giá, thay vì 4 như hiện nay. Điều này ngay lập tức nhận được phản hồi về những lo ngại từ nhiều doanh nghiệp, nhất là nơi tiêu thụ điện lớn, gặp khó trong dự trù và cân đối chi phí.

Hiện giá bán lẻ điện thực hiện theo Quyết định 05/2024/QĐ-TTg, theo đó từ ngày 15/5, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá điện là 3 tháng nếu rà soát, kiểm tra các chi phí đầu vào khiến giá thành tăng từ 3% trở lên. Việc rút ngắn thời gian điều chỉnh theo lý giải của Bộ Công Thương là nhằm bảo đảm chi phí không bị dồn tích, gây ảnh hưởng tới cân bằng tài chính của ngành điện, mà cụ thể ở đây là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), và dần đưa giá điện theo thị trường. Tuy nhiên thực tế quá trình thực thi quyết định này không diễn ra định kỳ.

Hồi giữa tháng 10, giá điện bán lẻ bình quân tăng 4,8%, ở mức 2.103,11 đồng một kWh (chưa gồm thuế VAT). Đối với đại đa số khách hàng sử dụng điện yêu cầu việc cung cấp điện hiện nay đó là bên cạnh chất lượng điện nâng cao thì giá điện phải được công khai, tính đúng, tính đủ theo biến động thị trường. Nghĩa là có tăng, có giảm chứ không chỉ điều chỉnh tăng trong suốt thời gian qua để bảo đảm quyền lợi của khách hàng.

Tuy nhiên đối với khách hàng là DN, đặc biệt là những DN có nhu cầu sử dụng điện lớn, bên cạnh những yêu cầu trên còn là yêu cầu giá điện ổn định hơn, thay vì điều chỉnh liên tục. Bởi những DN này, việc luôn phải lên phương án, tính toán chi phí sản xuất từ cuối năm trước để có cơ sở làm việc với đối tác vào năm sau thì việc điều chỉnh liên tục trong năm sẽ khiến DN bị động trong tính toán kế hoạch, dự trù chi phí.

Chưa kể, giá năng lượng điều chỉnh quá nhiều lần trong năm sẽ kéo theo chi phí sản xuất tăng. Trong khi mức bán sản phẩm lại không thể tăng ngay theo chi phí. Thậm chí, nhiều DN chia sẻ, DN phải có chính sách để hạ dần giá bán nhằm cạnh tranh nên bất cứ những tác động làm thay đổi.

Trong khi đó với nền kinh tế, theo tính toán của ngành thống kê, giá năng lượng tăng 8% thì GDP giảm 0,36%, trong khi làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0,4 - 0,5% (cả trực tiếp và gián tiếp). Vì vậy, việc tăng giá điện cần có kế hoạch, lộ trình và mức độ, thời điểm phù hợp. Điều này bảo đảm tính thị trường và mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Tuy nhiên về lâu dài, việc minh bạch chi phí sản xuất cho từng loại nguồn điện, khâu vận hành - cơ sở đưa ra mức giá phù hợp là bài toán được đặt ra. Cùng với đó để giá điện theo thị trường, thời gian tới cũng cần sớm áp dụng cơ chế giá điện hai thành phần, thay vì điều chỉnh tần suất tăng, giảm trong năm. Việt Nam đang áp dụng giá điện một thành phần, tức tiền trả theo sản lượng dùng. Cách tính này được đánh giá chưa phản ánh chính xác chi phí ngành điện bỏ ra (khấu hao tài sản, đường dây, trạm biến áp...) cho mỗi khách hàng.

Với giá hai thành phần, khách hàng sẽ trả riêng cho mỗi kW công suất họ đăng ký hàng tháng với nhà cung cấp. Khi không sử dụng, những khách hàng này vẫn phải trả chi phí này, thay vì ngành điện chịu và thu hồi qua điều chỉnh giá như hiện nay. Việc này nhằm minh bạch, không bù chéo giữa các đối tượng và giúp ngành điện tính đúng, đủ chi phí. Và điều này rất cần sớm xây dựng lộ trình cụ thể.

Thế Dương

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/than-trong-khi-dieu-chinh-gia-ban-dien.html