Thận trọng khi giao dịch cho vay tài sản

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản (vay mượn tiền) là loại tranh chấp dân sự phổ biến hiện nay. Bên cho vay khởi kiện do bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ khi quá hạn. Từ thực tế đó, cơ quan chức năng đã đưa ra các khuyến cáo để hạn chế tình trạng này xảy ra.

Năm 2020, toàn tỉnh có hơn 1.100 vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản; năm 2021 là hơn 1.200 vụ. Hai tháng đầu năm 2022, TAND hai cấp thụ lý 467 vụ việc (trong đó 355 vụ cũ chuyển sang và 113 vụ thụ lý mới). Các tranh chấp này chủ yếu liên quan đến vay mượn tiền (giữa cá nhân với cá nhân và giữa cá nhân với tổ chức tín dụng).

Các đương sự trong một vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản tại TAND huyện Lạng Giang.

Các đương sự trong một vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản tại TAND huyện Lạng Giang.

Đơn cử như tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là chị Trần Thị H ở tổ dân phố số 2, phường Thọ Xương (TP Bắc Giang) và bị đơn là chị Nguyễn Thị A ở thôn Yên Lại, xã Yên Mỹ (Lạng Giang). Giữa năm 2018, chị H cho chị A vay hơn 145 triệu đồng. Chị H đều viết giấy biên nhận vay tiền, thỏa thuận thời gian thanh toán từ một đến 30 ngày, không thỏa thuận lãi suất.

Đến hạn, chị H nhắn tin cho chị A nhiều lần yêu cầu trả tiền nhưng chị A khất lần, còn thách thức không trả. Tháng 8/2021, chị H khởi kiện ra tòa yêu cầu chị A phải trả số tiền đã vay và lãi suất theo quy định kể từ ngày quá hạn. Trình bày với thẩm phán Thân Trọng Khôi, TAND huyện Lạng Giang, chị A cho hay sau khi vay tiền của chị H, chị A giữ lại 20%, còn lại 80% số tiền thì chị cho người khác vay lại. Trong thời gian nhất định, chị A đã trả được phần lớn số tiền nhưng không lập biên bản nên không thể chứng minh điều chị A nói là đúng sự thật.

Vì thế, TAND huyện Lạng Giang chấp nhận yêu cầu khởi kiện của chị H, buộc chị A phải trả hơn 145 triệu đồng tiền gốc và gần 51 triệu đồng tiền lãi cho chị H. Theo thẩm phán Thân Trọng Khôi, trường hợp không có giấy biên nhận cho vay hoặc trả tiền là khá phổ biến. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Lạng Giang còn xảy ra trường hợp người vay (vợ hoặc chồng) vay tiền vì mục đích chung của gia đình nhưng chỉ có một người ký vào giấy giao nhận tiền. Điều này gây khó khăn trong quá trình thi hành án. Hoặc cho vay với lãi suất không đúng quy định, người vay cắt liên lạc, bỏ đi địa phương khác…

Tranh chấp hợp đồng vay tài sản còn liên quan đến hợp đồng tín dụng. Nguyên đơn là các ngân hàng khởi kiện người vay do không thực hiện đúng các điều khoản trong hợp đồng. Dẫn chứng như vụ việc tháng 1/2019, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT Việt Nam, Chi nhánh Khu công nghiệp Đình Trám và anh Hoàng Văn T ở đường Lê Lợi, phường Hoàng Văn Thụ (TP Bắc Giang) ký hợp đồng tín dụng với nội dung anh T vay 360 triệu đồng để sửa chữa nhà và mua một số đồ dùng nội thất, đồ sinh hoạt gia đình. Thời hạn vay trong 60 tháng. Tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất và tài sản trên đất có địa chỉ tại phường Hoàng Văn Thụ.

Trong hơn một năm, vợ chồng anh T mới trả cho ngân hàng 5 triệu đồng tiền gốc và hai tháng tiền lãi. Ngân hàng yêu cầu người vay trả nợ nhiều lần nhưng không được nên đã khởi kiện. TAND TP Bắc Giang xem xét và quyết định vợ chồng anh T phải có trách nhiệm trả tiền gốc và lãi cho ngân hàng. Nếu không trả hoặc trả không đầy đủ thì ngân hàng có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền phát mại xử lý tài sản đã thế chấp để thu hồi nợ. TAND một số huyện, TP còn thụ lý, xét xử các vụ tranh chấp hợp đồng vay tài sản mà bị đơn là cán bộ, công chức...

Theo ông Trần Mạnh Thắng, Phó Chánh án TAND TP Bắc Giang, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tranh chấp hợp đồng vay tài sản do các bên (thường là cá nhân với cá nhân) chưa hiểu hết tính pháp lý trong hợp đồng dân sự nên soạn thảo hợp đồng không rõ ràng, chặt chẽ. Các lỗi thường gặp như thiếu thời hạn trả nợ, không quy định lãi suất cụ thể, không có đủ chữ ký của cả vợ và chồng nếu như vay vì mục đích chung của gia đình…

Ngoài ra, còn có trường hợp anh em, họ hàng cho nhau vay tiền nhưng không có hợp đồng, giấy tờ, video, hình ảnh, file ghi âm, người làm chứng chứng minh nên bên vay không trả hoặc nói là trả rồi. Bên cho vay không thể khởi kiện ra tòa vì thiếu cơ sở, bằng chứng. Đối với việc vay tiền của các tổ chức tín dụng, bị đơn không trả hoặc không có khả năng trả nợ nên ngân hàng khởi kiện để bảo đảm quyền lợi của mình.

Để hạn chế các tranh chấp hợp đồng vay tài sản, khi có giao dịch, các bên cần soạn thảo hoặc nhờ đơn vị có năng lực soạn thảo hợp đồng với các điều khoản chi tiết, rõ ràng, đúng quy định của pháp luật. Các tổ chức tín dụng cần xác định rõ mục đích vay tiền, khả năng trả nợ (như xác minh hoàn cảnh, công việc). Quá trình thụ lý, xét xử, tòa án tăng cường hòa giải, hướng dẫn các bên tự thống nhất phương án giải quyết. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền quy định liên quan để cá nhân, tập thể nắm được các quy định, nhất là quy định về vay tài sản để hạn chế thấp nhất các tranh chấp, mâu thuẫn.

Bài, ảnh: Mạc Yến

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/phap-luat/380527/than-trong-khi-giao-dich-cho-vay-tai-san.html