Thận trọng khi làm ăn với doanh nghiệp Algeria
Thương vụ Việt Nam tại Algeria vừa ra thông báo về một số doanh nghiệp (DN) Algeria đã có nhiều hành động gây khó dễ, thậm chí lừa đảo đối với DN Việt Nam xuất khẩu hàng hóa như tiêu, gạo… sang quốc gia này.
Nhiều doanh nghiệp Algeria “chơi chiêu”…
Thông báo của Thương vụ tại Algeria cho biết, trong thời gian gần đây, DN xuất khẩu Việt Nam đã gặp phải một số vấn đề với đối tác Algeria. Cụ thể, khi hàng đến cảng Algeria, vì một số lý do như giá hàng xuống thấp hơn so với thời điểm mua hoặc tìm được nhà cung cấp khác với giá rẻ hơn, một số DN Algeria thường không nhận hàng hoặc ép người bán phải giảm giá. Điều này đã gây thiệt hại cho các nhà xuất khẩu Việt Nam.
Mặt khác, theo quy định của Algeria, khi hàng đã vào cảng, tức là thuộc quyền sở hữu của người mua (dù chưa thanh toán, thậm chí chưa đặt cọc hay cầm bộ chứng từ gốc). Do đó, nếu DN Việt Nam muốn bán cho khách hàng khác hoặc kéo hàng về nước thì nhà xuất khẩu phải có sự đồng ý và hợp tác của khách hàng. Khi hàng nằm ở cảng quá 81 ngày, Hải quan Algeria sẽ tiến hành bán đấu giá, sung công quỹ.
Đại diện Thương vụ Việt Nam cũng lưu ý, việc thuê luật sư khởi kiện tại Algeria thường tốn kém và thủ tục kéo dài, hiệu quả không cao. Lợi dụng điều này, một số khách hàng Algeria thường gây khó dễ cho DN Việt Nam, nhất là khi hàng đã đến cảng. Do đó, DN Việt cần phải rất thận trọng khi làm việc với các đối tác Algeria.
Thương vụ Việt Nam tại Algeria cũng đã đưa ra một trường hợp tiêu biểu sử dụng phương án khởi kiện nhưng hơn 2 năm, vụ việc vẫn chưa được xử lý xong. Đó là trường hợp DN Việt khởi kiện Công ty S.A.R.L Zima Food. Công ty này đã mua 1 container tiêu đen của Việt Nam, phương thức thanh toán là 100% qua DP (nhờ ngân hàng thu hộ) và đặt cọc 24% giá trị lô hàng. Khi hàng đến cảng Algeria, do giá hạt tiêu xuống thấp, khách không chịu lấy hàng.
Mặc dù DN Việt Nam đã bay sang đàm phán các giải pháp, kể cả chấp nhận hạ giá bán nhưng khách không hợp tác để lấy hàng cũng như đưa hàng trở về Việt Nam hoặc bán cho khách khác mà chỉ đòi lại tiền đặt cọc. Sau khi hàng ở cảng quá 81 ngày, Hải quan Algeria đã bán đấu giá lô hàng này. DN xuất khẩu Việt Nam đã thuê luật sư ở Algeria kiện khách hàng ra tòa song cho đến nay đã hơn 2 năm, Tòa án Algeria vẫn chưa xử xong!
Nên thu trước tiền cọc 40 - 50% giá trị lô hàng
Công ty Eurl Ghida Unifor Import Export mua 1 container hạt tiêu đen của DN Việt Nam với hình thức thanh toán 10% đặt cọc và 90% thanh toán bằng DP (nhờ ngân hàng thu hộ). Khi hàng đến cảng, khách thông báo là đã làm thủ tục nhận hàng và phát hiện thấy hàng không đạt chất lượng (có lẫn đá, cành, hạt tiêu bị ẩm mốc) nên Hải quan Algeria giữ lại không cho thông quan.
Tuy nhiên, sau khi Thương vụ Việt Nam tại Algeria tìm hiểu thì thực tế, khách đã lấy hàng và hàng không gặp vấn đề gì với Hải quan Algeria. Chỉ sau khi Thương vụ tiến hành can thiệp, làm việc với ngân hàng và hải quan cảng Algeria, DN Algeria mới chịu thanh toán toàn bộ số tiền hàng cho DN xuất khẩu Việt Nam.
Tập đoàn Mediterranee Commercialisation cũng ký hợp đồng mua hạt tiêu của DN Việt Nam. Khi hàng đến cảng Algeria, khách yêu cầu phải giảm giá, sau đó cắt đứt mọi liên lạc. Với sự can thiệp của Thương vụ, khách đã phải quay lại giao dịch với DN xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, để bán được lô hàng đã xuất, DN xuất khẩu đã phải hạ giá lô hàng, tổn thất lên tới 500 triệu đồng.
Một trường hợp khác cũng nhờ sự can thiệp kịp thời của Thương vụ mà DN Việt đỡ một phần tổn thất. Đó là trường hợp khách hàng “vướng” phải Công ty Conimex International. Theo đó, Công ty này ký hợp đồng mua gạo với DN Việt Nam với số lượng lớn, phương thức thanh toán là CAD at sight (giao chứng từ, trả tiền ngay). Tuy nhiên, khi hàng đến cảng, DN Algeria đã tự ý thay đổi phương thức thanh toán thành trả chậm 59 ngày kể từ ngày lấy bộ chứng từ.
Sau khi Thương vụ vào cuộc, doanh nghiệp này đã phải hợp tác với DN xuất khẩu Việt Nam để làm thủ tục tái xuất lô gạo về Việt Nam, tránh được rủi ro về thanh toán cũng như nguy cơ bị Hải quan Algeria bán đấu giá khi hàng nằm tại cảng quá 81 ngày. Tuy nhiên, DN xuất khẩu Việt Nam phải “cắn răng” trả chi phí lưu kho bãi, tiền vận chuyển hàng về nước với giá cao.
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Algeria cũng cho biết, đã có ít nhất 3 DN xuất khẩu thủy sản Việt Nam gặp vấn đề với Công ty El Nader Negoce. Theo đó, khi hàng đến cảng Algeria, Công ty này thường thông báo là hàng không đảm bảo chất lượng, Hải quan không cho thông quan dẫn đến việc nhà xuất khẩu hoặc phải hạ giá hoặc phải tái xuất hàng về nước với chi phí kho bãi, vận chuyển… rất tốn kém.
Với thực tế đáng lo ngại này, Thương vụ lưu ý các DN Việt Nam, để chắc chắn trong khâu thanh toán, đơn vị xuất khẩu nên đề nghị khách hàng đặt cọc ít nhất 40-50% giá trị lô hàng hoặc sử dụng thanh toán bằng L/C không hủy ngang có xác nhận.