Thận trọng khi nhân rộng mô hình phố đi bộ

Cuối tháng 4 vừa qua, thành phố Hà Nội có thêm phố đi bộ quanh thành cổ Sơn Tây (thị xã Sơn Tây), không gian đi bộ thứ tư trên địa bàn Thủ đô. Các tuyến phố đi bộ được mở nhằm thúc đẩy du lịch, phát triển kinh tế đêm.

Hoạt động văn hóa - nghệ thuật tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Hoạt động văn hóa - nghệ thuật tại không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm.

Song điều đáng nói, trào lưu này đang có nguy cơ “lạm phát” khi có tới bốn không gian đi bộ nữa được các địa phương đề xuất triển khai ngay trong quý II và quý III năm 2022, tại các khu vực: Hồ Thiền Quang (quận Hai Bà Trưng), hồ Ngọc Khánh, khu vực đảo Ngọc Ngũ Xá (quận Ba Ðình) và một không gian khác đang được UBND quận Hoàng Mai nghiên cứu.

Phố đi bộ là một hoạt động văn hóa-du lịch khá phổ biến trên thế giới. Tại nước ta, Thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh Nghệ An, Quảng Ninh, Thanh Hóa… cũng đã tổ chức các phố đi bộ. Phương thức hoạt động chung là dựng rào ngăn các phương tiện giao thông tại một số tuyến phố, tạo không gian cho người dân đi bộ, kết hợp các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thương mại, dịch vụ… vào dịp cuối tuần. Tại Hà Nội, phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm là một điển hình thành công khi người dân có thêm không gian vui chơi, giải trí; nghệ sĩ có không gian biểu diễn, còn khách du lịch có thêm trải nghiệm. Không gian này kết nối với các tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ, tạo sự thuận tiện.

Ðây là một trong những “động lực” khiến nhiều địa phương muốn mở không gian đi bộ. Tuy nhiên, không phải phố đi bộ nào cũng thành công. Ra đời năm 2018, nhưng chỉ hơn nửa năm sau, phố đi bộ Trịnh Công Sơn đã rơi vào cảnh đìu hiu, vắng khách, do không gian này xa trung tâm, ít cây xanh, các hoạt động văn hóa nghệ thuật, các món ẩm thực chưa độc đáo, chưa hấp dẫn. Ðiều này khiến phố đi bộ Trịnh Công Sơn buộc phải có nhiều thay đổi khi hoạt động trở lại trong thời gian gần đây.

Ðể có một không gian đi bộ hấp dẫn, bên cạnh cảnh quan, thì yếu tố cốt lõi là “nội dung” hoạt động. Mỗi không gian phố đi bộ cần có những đặc trưng riêng. Trước khi có phố đi bộ, hồ Hoàn Kiếm đã là một địa danh thuộc diện “không thể không đến” với khách du lịch. Không gian đi bộ với các hoạt động văn hóa, nghệ thuật góp phần tăng sức hút. Các tuyến phố đi bộ trong khu phố cổ hấp dẫn khách du lịch bởi cảnh quan và ẩm thực. Ẩm thực phố cổ vốn là “tinh hoa” của ẩm thực Hà thành.

Ðể có một tuyến phố đi bộ thành công, cần xác định rõ đặc trưng, thế mạnh của địa phương, điểm khác biệt so với không gian đi bộ khác, khả năng triển khai cũng như nhu cầu của du khách. Trong đó, yếu tố văn hóa luôn là yếu tố duy trì sự bền vững, nhất là trong việc thu hút khách du lịch. Biểu diễn âm nhạc đường phố, dấu ấn của các ban nhạc, nhóm nhạc ở tính đa dạng phong phú của loại hình và tác phẩm để có thể lôi cuốn sự tham gia tương tác của du khách, cũng là vấn đề cần bàn.

Ðã đến lúc nên thay đổi thứ âm nhạc đơn điệu ầm ĩ tra tấn không chỉ cư dân Bờ Hồ mà cả với du khách lâu nay và rút kinh nghiệm cho các nơi khác nữa. Nếu chưa tìm ra nét đặc trưng, khả năng chinh phục khách hàng của các không gian đi bộ, thì chưa nên vội vàng. Vì nếu bị “chín ép”, các phố đi bộ sẽ có tác dụng ngược, chỉ còn là một khu vực được “phân lô, thuê nền” cho hoạt động kinh doanh thông thường, thậm chí xô bồ, nhếch nhác. Ðó là bài học hữu ích trong việc nhân rộng mô hình phố đi bộ, không chỉ ở Hà Nội mà còn ở nhiều địa phương khác.

GIANG NAM

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cung-suy-ngam/than-trong-khi-nhan-rong-mo-hinh-pho-di-bo-698088/