Thận trọng khi ủy quyền

Ủy quyền là phương tiện pháp lý cần thiết cho việc thực hiện các giao dịch dân sự nhằm tạo điều kiện cho người khác thay mặt đại diện thực hiện công việc.

Một trong những vấn đề người dân thường nhờ luật sư của Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh tư vấn là ủy quyền trong giao dịch dân sự. Ảnh minh họa: Phương Liễu

Một trong những vấn đề người dân thường nhờ luật sư của Trung tâm tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh tư vấn là ủy quyền trong giao dịch dân sự. Ảnh minh họa: Phương Liễu

Tuy nhiên, trong cuộc sống, giao dịch dân sự cũng phát sinh nhiều trường hợp “dở khóc, dở cười” đối với người ủy quyền, người được ủy quyền. “Điều này có thể do hiểu biết pháp luật chưa đúng hoặc do lòng tham của người được và nhận ủy quyền” - luật sư Cao Sơn Hà, Hội Luật gia tỉnh cho hay.

* Ủy quyền một đằng, thực hiện một nẻo

Ông N.V.D. (xã Lang Minh, H.Xuân Lộc) có khu đất 4 ngàn m2 (trong đó đất thổ cư là 150m2). Vì cần tiền, ông chuyển nhượng cho ông L.V.K. 1,5 ngàn m2 đất vườn (trồng cây lâu năm). Do là chỗ thân tình và không rành “đường đi nước bước” trong việc tách thửa khi chuyển nhượng đất cho ông K. nên ông D. ủy quyền cho người hàng xóm tên B. thay mặt ông thực hiện các giao dịch và ông chỉ việc ngồi nhà ký tên vào các giấy tờ khi ông B. yêu cầu.

Tuy nhiên khi tách sổ xong, ông D. tá hỏa khi phát hiện diện tích đất thổ cư của ông chỉ còn 50m2, 100m2 đất thổ cư còn lại thì thuộc về sổ của ông K. Dù khi ủy quyền cho ông B., ông đã nói rõ chỉ chuyển nhượng cho ông K. đất trồng cây lâu năm, không chuyển nhượng đất thổ cư. Do đó, giữa ông D. và ông B. lại xảy ra mâu thuẫn.

Hay như trường hợp của ông Đ.G. (ngụ xã Tân Hiệp, H.Long Thành). Ông G. mua 1 khu đất trên 1 ngàn m2 với mục đích sau này cho 2 con làm nhà ở. Vì bệnh tật đi lại khó khăn nên ông ủy quyền cho con trai là anh Y. thay mặt ông thực hiện các giao dịch chuyển nhượng và sang tên từ chủ đất cũ thành tên của ông. Thế nhưng, người con trai đã tự ý chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang tên của mình.

“Dở khóc, dở cười" hơn như trường hợp của bà H.V. (ngụ xã Tà Lài, H.Tân Phú) vì lo buôn bán nên bà V. ủy quyền cho người hàng xóm tên S. thay mặt bà giải quyết việc tranh chấp số nợ 100 triệu đồng mà người khác đã vay không trả cho bà. Vụ việc kéo dài hơn 1 năm vẫn không giải quyết xong nhưng ông S. đã “vòi vĩnh” bà gần 40 triệu đồng nói là để lo chuyện đi lại, tiếp khách trong quá trình giải quyết vụ việc.

Luật sư Cao Sơn Hà cho biết, hiện nay vấn đề ủy quyền cho người khác thay mình giao dịch dân sự khá phổ biến. Theo quy định của pháp luật, người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ 18 tuổi trở lên xác lập, thực hiện.

Cũng theo luật sư Hà, trong trường hợp người được ủy quyền thực hiện theo đúng cam kết trong phạm vi được ủy quyền thì không phải chịu trách nhiệm khi thực hiện đúng nội dung của công việc được ủy quyền. Trong trường hợp nếu người được ủy quyền thực hiện không đúng theo như hợp đồng ủy quyền thì sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với bên thứ ba khi tham gia giao dịch và đồng thời người được ủy quyền sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho bên ủy quyền nếu như gây ra thiệt hại hoặc phải bồi thường khi vi phạm hợp đồng cho bên ủy quyền nếu như trong hợp đồng ủy quyền có thỏa thuận.

Luật sư Hà lưu ý, trong trường hợp người được ủy quyền thực hiện công việc vượt quá phạm vi được ủy quyền thì phải chịu trách nhiệm đối với phần thực hiện vượt quá phạm vi ủy quyền đó. Còn người ủy quyền sẽ không phát sinh các quyền và nghĩa vụ, trừ trường hợp nếu như người ủy quyền đồng ý hoặc biết nhưng không phản đối thì người ủy quyền và người được ủy quyền sẽ liên đới chịu trách nhiệm. Do đó, nếu không hiểu biết pháp luật hoặc hiểu biết pháp luật không đầy đủ thì người được ủy quyền nên mạnh dạn từ chối để tránh “rước họa vào thân”.

* Những trường hợp không được ủy quyền

Trong thực tế đời sống, không phải ai cũng hiểu rõ, cụ thể, đầy đủ vấn đề ủy quyền, được ủy quyền trong giao dịch dân sự, nhất là người dân ở vùng xa trung tâm, đô thị, đồng bào dân tộc thiểu số. Chính vì vậy, khi nhận ủy quyền từ người khác, người được ủy quyền đến các cơ quan quản lý nhà nước giao dịch bị từ chối nên phàn nàn cho rằng cán bộ sách nhiễu, gây khó cho dân.

Chẳng hạn như ông T.L. (ngụ P.Hòa Bình, TP.Biên Hòa) phàn nàn, trước đây, ông ủy quyền cho con trai ra một văn phòng công chứng ở TP.Biên Hòa để công chứng di chúc ông xác lập thì bị công chứng viên từ chối. Dù được công chứng viên giải thích pháp luật không cho phép ủy quyền cho người khác đi công chứng di chúc của mình xác lập mà phải do chính ông thực hiện, nhưng ông L. vẫn cho rằng công chứng viên làm sai.

Về vấn đề này, luật sư Lưu Hồng Khanh, Hội Luật gia tỉnh phân tích, hiện pháp luật quy định rất cụ thể các trường hợp không được ủy quyền cho người khác giao dịch như: đăng ký kết hôn, ly hôn, công chứng di chúc của mình, quyền, lợi ích đối lập với người ủy quyền tại cùng vụ việc, đang được ủy quyền bởi một đương sự khác trong cùng vụ việc có quyền, lợi ích đối lập với người sẽ ủy quyền, nhận tội thay mình, cấp phiếu lý lịch tư pháp số 2, gửi tiền tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng, đăng ký nhận cha, mẹ, con...

Để hạn chế các vấn đề pháp lý phát sinh khi ủy quyền hoặc nhận ủy quyền, luật sư Lưu Hồng Khanh lưu ý, cần thận trọng khi ủy quyền cho người khác làm các thủ tục mua bán, chuyển nhượng tài sản có giá trị như bất động sản. Khi ủy quyền cần kiểm tra kỹ quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng ủy quyền; đồng thời xem xét kỹ lưỡng nội dung trước khi ký các giấy tờ, thủ tục liên quan... để tránh tình trạng lạm quyền, thực hiện không đúng các nội dung trong hợp đồng ủy quyền.

Đoàn Phú

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/202003/than-trong-khi-uy-quyen-2991364/