Thận trọng mở lại chợ truyền thống
Hầu hết các chợ truyền thống đang khẩn trương lên phương án hoạt động trở lại. Còn tại hệ thống siêu thị, sức mua giảm mạnh chủ yếu do người dân không mua tích trữ hàng như trước.
Sức mua giảm
Sáng 30-9, ghi nhận tình hình hoạt động tại các chợ truyền thống trên địa bàn TPHCM cho thấy, hầu hết vẫn đang đóng cửa. Nhưng khu vực trước cổng và xung quanh nhà lồng như ở chợ Hạnh Thông Tây (quận Gò Vấp), ngã ba Bầu (quận 12), Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) hay chợ Hóc Môn… các rào chắn, dây giăng đã được dọn dẹp gọn gàng, sạch sẽ. Nhiều chợ có bố trí người túc trực để lập danh sách tiểu thương có nhu cầu quay lại buôn bán.
Tuy nhiên, tại những chợ đang được cho mở bán đều có 3-5 nhân viên túc trực ở cổng để hướng dẫn người dân khử khuẩn, khai báo y tế... khi vào mua hàng. Đơn cử, tại chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), người dân trước khi vào chợ phải xếp hàng giữ khoảng cách, được nhân viên hướng dẫn xịt cồn khử khuẩn. Chợ bố trí một lối vào và ra riêng biệt. Chợ này có hơn 1.300 sạp, nhưng do số lượng tiểu thương đăng ký tham gia bán lại không nhiều nên Ban quản lý (BQL) chỉ bố trí một dãy sạp phía bên phải, phần lớn là rau củ quả, hàng khô và vài sạp hàng tươi sống…
“Người dân đi chợ còn ít lắm, chủ yếu là người đi chợ giúp và số người đi tiêm ngừa tiện đường ghé mua, nên tôi chỉ nhập khoảng 50% lượng hàng về bán so với ngày thường. Đầu mối giao hàng chưa đi lại được, phải thông qua shipper nên tăng chi phí, giá bán cũng tăng theo khoảng 10%”, cô Trang, sạp 754 cho biết.
Hầu hết tiểu thương tại đây cho biết, ngoài số lượng người đi chợ ít, đơn hàng mua cũng không nhiều. “Có thể người dân khó khăn sau thời gian giãn cách nên họ mua hàng không nhiều như ngày thường, mỗi thứ chỉ một chút”, cô Mộng Thường, sạp trái cây đầu cửa chợ tâm sự.
Ghi nhận tại các siêu thị, lượng hàng hóa nhập về không còn nhiều như trước do sức mua, đặc biệt lực lượng đi chợ hộ giảm mạnh. Trái ngược, tại các cửa hàng tiện lợi như Co.opfood, Satrafood, Vinmart+ hay Bách hóa Xanh… lượng hàng hóa được nhập về chất đầy các kệ, phủ đầy khoảng 90%, nhưng khách hàng đến mua chỉ lác đác. Hệ thống cửa hàng tiện lợi này đã được TPHCM cho phép mở bán lại với điều kiện phải đảm bảo phòng chống dịch, nhờ vậy đã góp phần gia tăng nguồn cung, giảm áp lực lên chợ truyền thống khi chưa được mở cửa hoàn toàn. Đại diện hệ thống siêu thị như Saigon Co.op, Satra… cho biết, đến thời điểm này sức mua giảm khoảng 50-70%, do đó số lượng hàng nhập về được cân đối lại, tránh tình trạng “dội chợ”, hư hỏng.
Lộ trình mở dần tới cuối năm
Đại diện hầu hết quận huyện, chợ đầu mối, chợ truyền thống tại TPHCM cho biết, đã sẵn sàng phương án, xây dựng kế hoạch mở lại chợ với lộ trình từng bước, an toàn đến đâu mở đến đó, mục tiêu đến cuối năm mới có thể phục hồi 100% hoạt động. Tuy nhiên, họ cũng nói rõ, việc này phải được cập nhật song hành với quy định người dân được đi lại như thế nào.
Trưởng BQL chợ Bà Chiểu Huỳnh Thanh Trường cho biết, đến ngày 30-9 đã có 150 tiểu thương đăng ký bán hàng trở lại. Con số này khá khiêm tốn, nhưng BQL cũng phải rà soát, xem xét có đủ điều kiện như tiêm 2 mũi vaccine hay chưa. “Cái khó là theo quy định, các sạp phải đảm bảo khoảng cách và BQL có trách nhiệm hướng dẫn người dân, tiểu thương tại chợ phải đảm bảo phòng chống dịch. Trong khi chúng tôi chỉ có 24 người, nhưng được phép đi làm 50% số lượng nên sẽ rất khó xoay trở khi chợ hoạt động bình thường trở lại trong thời gian tới”, ông Trường lo lắng.
Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Hóc Môn Phạm Minh Hoàng cho biết, đang khẩn trương phối hợp với BQL các chợ trên địa bàn để hoàn chỉnh phương án mở chợ theo bộ tiêu chí của Sở Công thương và quy định của Bộ Công thương. Nhưng đến ngày 30-9, Phòng Kinh tế vẫn chưa nhận được danh sách tiểu thương đăng ký hoạt động trở lại.
“Hiện tiểu thương và BQL các chợ vẫn đang chờ quyết định của UBND TPHCM về việc đi lại của người dân để có phương án, thời gian cụ thể mở bán trở lại. Nếu chợ mở cửa nhưng người dân ra đường phải có lý do chính đáng hay đi chợ 1 tuần/lần… thì việc đến chợ mua bán sẽ rất khó khăn”, ông Phạm Minh Hoàng nói.
Trước đó, Bộ Công thương đã ban hành công văn 5854 hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mở cửa trở lại chợ truyền thống, chợ đầu mối. Đây được đánh giá là động thái quan trọng để từng bước ổn định đời sống xã hội, mở cửa lại nền kinh tế bởi kênh phân phối truyền thống với vai trò chủ lực của chợ đầu mối, chợ truyền thống đang chiếm gần 80% tổng lượng luân chuyển, tiêu thụ hàng hóa trên thị trường.
Cùng thời điểm, UBND TPHCM cũng đã có văn bản đề nghị các quận, huyện và TP Thủ Đức xây dựng phương án tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn. Nhưng đến nay, chỉ có hơn 30/237 chợ trên địa bàn mở lại với số lượng tiểu thương, hàng hóa rất hạn chế. Nhiều ý kiến cho rằng, với quy định khắt khe khi mở lại chợ, cộng với việc phân cấp, giao quyền chịu trách nhiệm cho địa phương phải đảm bảo công tác phòng chống dịch đã khiến nhiều nơi chưa mạnh dạn đưa chợ truyền thống vào hoạt động trở lại.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/than-trong-mo-lai-cho-truyen-thong-765355.html