Thận trọng tái đàn heo
Năm 2019, toàn huyện Bù Gia Mập (không kể các trang trại của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam) có tổng đàn heo 21.000 con. Tuy nhiên, dịch tả heo châu Phi xuất hiện tại 6/8 xã của huyện, khiến 1.209 con heo bị nhiễm bệnh phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 55.566kg. Hiện trên thị trường, heo thịt và heo giống đều khan hiếm, giá cao. Người chăn nuôi trong tỉnh nói chung và huyện Bù Gia Mập còn nhiều lo lắng và rất thận trọng trong tái đàn.
Nuôi heo chuồng lạnh để phòng dịch
Gia đình anh Ngô Xuân Hòa ở thôn 19/5, xã Đức Hạnh nuôi heo từ năm 2003, với 1 con heo nọc và 30 heo nái. Đến năm 2019, quy mô chăn nuôi của gia đình anh phát triển lên 120 con heo nái và khoảng 700 heo thịt. Phương pháp nuôi thủ công, chuồng hở. Anh Hòa cho biết: “Tôi nuôi theo chiến lược lấy ngắn nuôi dài. Heo sữa sau khi tách mẹ được nuôi lớn thành heo thịt. Bình quân 1 con phải nuôi khoảng 160 ngày. Chi phí thức ăn, thú y... khoảng 4 triệu đồng/con. Nếu giá bán ra thị trường hơn 45 ngàn đồng/kg heo hơi thì người nuôi có lãi từ 500 ngàn đồng/con trở lên”.
Mặc dù năm 2019 dịch tả heo châu Phi xảy ra khắp các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh nhưng đàn heo của gia đình anh Hòa không bị bệnh. Đến tháng 11-2019, do nhu cầu thịt heo phục vụ thị trường dịp tết và đặc biệt để đảm bảo an toàn kinh tế cho gia đình, tránh bị rủi ro, anh Hòa quyết định bán toàn bộ heo nái và heo thịt, chỉ để lại 1 con heo nọc để sau này phục vụ nhu cầu tái đàn của gia đình.
Anh Hòa cho biết thêm: “Tôi đang thuê thợ xây dựng lại hệ thống chuồng trại theo mô hình chuồng lạnh, khép kín, thay thế chuồng hở để hạn chế dịch bệnh. Quy mô nuôi trong diện tích trên 1 ha, với các khu riêng biệt dành cho heo sữa, hậu bị, nái và heo thịt. Trong đó, diện tích nuôi heo thịt lớn nhất, dự kiến 8 ô, mỗi ô rộng 80m2. Mật độ nuôi heo chuồng lạnh bình quân 1,2-1,4m2/con. Khu vực chăn nuôi được xây dựng tường bao kín đáo, an toàn, có hệ thống sát trùng đạt tiêu chuẩn. Khoảng 1 tháng nữa, khi hệ thống chuồng trại hoàn chỉnh, tôi sẽ mua heo nái để tái đàn”.
Hiện trên thị trường, giá 1 con heo đực giống khoảng 50 triệu đồng, 1 con heo nái thuần chủng khoảng 12 triệu đồng. Do vậy, nhu cầu vốn để tái đàn là rất lớn, chúng tôi rất mong Nhà nước cũng như hệ thống ngân hàng có chính sách hỗ trợ vốn vay ưu đãi cho người chăn nuôi.
Anh Ngô Xuân Hòa, thôn 19/5, xã Đức Hạnh
Gia đình chị Đỗ Thị Hướng ở đường Xóm Chài, thôn Bình Đức 1, xã Đức Hạnh cũng là một trong những hộ nuôi heo số lượng nhiều trên địa bàn xã. Hiện gia đình chị vẫn giữ được đàn heo ổn định với 20 con nái và trên 100 heo thịt. Nhiều năm qua, chị Hướng là nhân lực chính chăm sóc đàn heo nên các quy trình chăm sóc thú y, phòng chống dịch bệnh cho từng loại được chị nắm rất rõ. Chị Hướng cho biết: “Tôi áp dụng quy trình chăm sóc heo giống của Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam nên đàn heo luôn đảm bảo an toàn. Vấn đề thức ăn, tiêm vắc-xin phòng, chống dịch bệnh và đặc biệt là vệ sinh chuồng trại phải được quan tâm hàng đầu. Hiện tình hình dịch bệnh vẫn chưa thực sự an toàn nên tôi chưa có ý định phát triển thêm đàn heo. Tôi kiến nghị, Nhà nước có biện pháp kiểm soát, khống chế dịch bệnh tốt hơn nữa để bảo vệ an toàn đàn heo và quyền lợi người chăn nuôi”.
Cũng theo chị Hướng, vì còn nhiều lo lắng về dịch tả heo châu Phi nên đa số hộ đang nuôi giữ ổn định số lượng heo, không dám tăng đàn. Những hộ trước đó có heo bị nhiễm bệnh phần lớn vẫn đang “phơi” chuồng. Còn những hộ heo không bị dịch bệnh nhưng đã bán hết, nay có kế hoạch nuôi lại thì đang tích cực vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, cải tạo môi trường chăn nuôi, tìm hiểu thị trường con giống và tính toán việc tái đàn phù hợp.
Tuân thủ quy trình tái đàn
Bà Trần Thị Trinh, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bù Gia Mập cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tái đàn của người dân, ngày 3-3-2020, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu UBND huyện ban hành Văn bản số 126/UBND-SX về việc triển khai đồng bộ các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch tả heo châu Phi. Các hộ từng bước tái đàn với số lượng ban đầu khoảng 10% công năng của cơ sở nuôi. Sau 30 ngày, thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, nếu heo có kết quả âm tính với dịch tả châu Phi thì được phép tăng số lượng đàn. Đối với các trang trại, cơ sở, hộ chăn nuôi chưa bị dịch tả heo châu Phi, việc tái đàn cũng phải thực hiện các yêu cầu khai báo bắt buộc về nguồn gốc giống, giấy kiểm dịch và kết quả xét nghiệm đảm bảo heo khỏe, không bị bệnh. Các trường hợp nuôi không đảm bảo tiêu chuẩn, quy định và không khai báo khi phát hiện sẽ bị xử lý theo quy định và không được hỗ trợ kinh phí khi heo bị tiêu hủy.
UBND xã đã triển khai tuyên truyền thông qua các đoàn thể chính trị xã, phát văn bản trên hệ thống loa truyền thanh để người dân nắm được mức độ nguy hiểm khi xảy ra dịch tả heo châu Phi và thực hiện nghiêm các điều kiện bắt buộc khi tái đàn. Chúng tôi đã cử cán bộ chuyên môn rà soát, lập danh sách các cơ sở, hộ chăn nuôi trên địa bàn, qua đó phân loại đối tượng có heo chưa bị và đã bị bệnh. Trên cơ sở đó sẽ kiểm tra, giám sát đảm bảo đúng quy định.
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/than-trong-tai-dan-heo-435214