Thận trọng trong kiểm định xe kinh doanh vận tải

Chất lượng phương tiện kinh doanh vận tải là vấn đề được xã hội rất quan tâm bởi ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của người tham gia giao thông.

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận, vẫn còn xe quá cũ được sơn sửa, tút lại, sử dụng cho vận chuyển hành khách. Muốn khắc phục tình trạng này, cần chuyên nghiệp hóa các đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải cũng như tăng cường kiểm tra, kiểm định an toàn kỹ thuật phương tiện.

Chấn chỉnh hiện tượng xe cũ nát vẫn chở khách

Phóng viên (PV): Thưa ông, cần giải pháp gì để chấn chỉnh hiện tượng những xe quá cũ, thậm chí không bảo đảm an toàn vẫn tham gia kinh doanh vận tải?

 Ông Nguyễn Văn Quyền.

Ông Nguyễn Văn Quyền.

Ông Nguyễn Văn Quyền: Những đơn vị kinh doanh vận tải chuyên nghiệp, có đội xe quy mô nhất định đều thường xuyên quan tâm đến công tác bảo dưỡng phương tiện, có đội ngũ riêng để thực hiện công việc này, bảo đảm chất lượng phương tiện khi khai thác. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, đơn vị kinh doanh vận tải, lái xe trước khi đưa phương tiện tham gia giao thông phải kiểm tra, bảo đảm an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường. Với đặc thù xe hoạt động thường xuyên, liên tục nên trong công tác quản lý Nhà nước đã có quy định về bảo đảm chất lượng, an toàn kỹ thuật phương tiện, gắn với điều kiện kinh doanh vận tải.

Tuy nhiên, vẫn có những xe chở khách, nhất là xe của hộ kinh doanh, xe hợp đồng còn tình trạng mua xe cũ, sơn sửa, tút lại, sử dụng để đưa đón học sinh, công nhân... Đây cũng là một trong những lý do dẫn đến chu kỳ kiểm định của xe kinh doanh vận tải thường ngắn, có loại chỉ 3-6 tháng. Nếu công tác đăng kiểm phương tiện được thực hiện nghiêm túc sẽ ngăn chặn những xe cũ nát tham gia giao thông. Hiện nay, quy định về quản lý xe kinh doanh vận tải đã cụ thể, chặt chẽ nhưng triển khai trên thực tế không đồng đều. Nếu như các đơn vị vận tải chuyên nghiệp đã hình thành hệ thống quản lý phương tiện, quy trình bài bản thì với những hộ kinh doanh, hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ, công tác này còn lỏng lẻo. Các hợp tác xã dịch vụ hỗ trợ chỉ làm dịch vụ cho xã viên như xin giấy tờ, bảo hiểm, còn việc quản lý, điều hành phương tiện hoàn toàn do xã viên thực hiện, dẫn đến còn nhiều vấn đề về chất lượng vận tải. Thời gian tới, để bảo đảm chất lượng vận tải, cần hướng đến chuyên nghiệp, bài bản trong công tác quản lý, vận hành phương tiện.

PV: Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT mới được ban hành của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về đăng kiểm phương tiện cơ giới chưa điều chỉnh đến xe kinh doanh vận tải hành khách đến 9 chỗ ngồi. Ông đánh giá thế nào về việc điều chỉnh thời gian kiểm định của loại hình phương tiện này?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Đối với xe kinh doanh vận tải, nếu xem xét điều chỉnh chu kỳ kiểm định cần phải nghiên cứu thêm để có căn cứ, cơ sở. Theo giải thích của Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ GTVT), qua tham khảo nhiều nước, quy định hiện hành về đăng kiểm với xe kinh doanh vận tải của Việt Nam cũng tương đồng. Bên cạnh đó, hiện chưa có mốc để so sánh, tham chiếu số ki-lô-mét hoạt động của xe kinh doanh vận tải với loại hình phương tiện khác nên chưa có căn cứ kiến nghị điều chỉnh. Theo tôi, chu kỳ kiểm định như hiện nay là hợp lý vì xe kinh doanh vận tải hoạt động thường xuyên, muốn thay đổi cần khảo sát, nghiên cứu cụ thể, kỹ lưỡng.

Phân biệt rõ việc kiểm định xe gia đình và xe kinh doanh vận tải

PV: Cơ sở nào để quy định về chu kỳ kiểm định khác nhau giữa xe kinh doanh vận tải và không kinh doanh vận tải, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT của Bộ GTVT vừa được ban hành về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã miễn kiểm định lần đầu cho xe không kinh doanh vận tải. Quy định này phù hợp với thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, còn điều chỉnh chu kỳ kiểm định của xe không kinh doanh vận tải thêm 6 tháng so với quy định hiện hành, trong phạm vi thời gian sử dụng của phương tiện là 7 năm. Đây cũng là nội dung chúng tôi đã từng đề xuất.

Qua phân tích có thể thấy, nhiều người sử dụng xe ô tô cá nhân, gia đình, quãng đường di chuyển khoảng 50-70km/ngày, đi nhiều cũng chỉ khoảng 100km/ngày. Khi nâng thời gian kiểm định lần đầu lên 36 tháng thì tổng quãng đường trung bình khoảng 100.000km. Quy chiếu sang xe kinh doanh vận tải, thường chạy 300km/ngày, trong chu kỳ kiểm định đầu tiên (12 đến 24 tháng) tổng quãng đường trung bình khoảng 180.000km. Như vậy, có thể thấy, nếu kéo dài chu kỳ kiểm định cho xe không kinh doanh vận tải thì tổng quãng đường đi vẫn thấp hơn nhiều so với xe kinh doanh vận tải.

 Kiểm định phương tiện kinh doanh vận tải. Ảnh: TẠ HẢI

Kiểm định phương tiện kinh doanh vận tải. Ảnh: TẠ HẢI

PV: Việc kéo dài chu kỳ kiểm định hiện mới áp dụng cho xe có thời gian sử dụng trong 7 năm, có nên xem xét quy định này với xe không kinh doanh vận tải cũ hơn không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Theo tôi, kể cả khi qua 7 năm vận hành, áp dụng chu kỳ kiểm định tiếp theo thì số ki-lô-mét sử dụng của xe không kinh doanh vận tải vẫn thấp hơn nhiều so với xe kinh doanh vận tải. Thường xe của cá nhân, gia đình rất được quan tâm, giữ gìn, thực hiện bảo dưỡng, bảo hành định kỳ nghiêm túc. Do vậy, có thể xem xét điều chỉnh tăng lên đối với chu kỳ kiểm định cho xe đã sử dụng qua 7 năm bởi quãng đường đi thực tế còn ít, khả năng vận hành của phương tiện đáp ứng được.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

MẠNH HƯNG (thực hiện)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/than-trong-trong-kiem-dinh-xe-kinh-doanh-van-tai-722896