Thận trọng trong việc mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế
Sáng 22-5, Quốc hội đã nghe Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Thỏa thuận quốc tế.
Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh.
Trên cơ sở những chính sách đã được Chính phủ, Quốc hội nhất trí thông qua, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, dự thảo Luật được thiết kế gồm 7 chương, 53 điều, nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật hiện hành về công tác ký kết và thực hiện các văn bản hợp tác quốc tế không phải là điều ước quốc tế, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương trong công tác thỏa thuận quốc tế; bảo đảm triển khai và quản lý một cách thống nhất, nâng cao hiệu quả ký kết, thực hiện thỏa thuận quốc tế, tranh thủ nguồn lực bên ngoài, cả về công nghệ, kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn vốn của các nước và tổ chức quốc tế phục vụ công cuộc bảo vệ và phát triển đất nước.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Thỏa thuận quốc tế, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết, tại phiên họp thứ 44, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và thống nhất dự án Luật Thỏa thuận quốc tế đủ điều kiện trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ chín. Qua thẩm tra dự thảo luật, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng cần làm rõ bản chất của thỏa thuận quốc tế để làm cơ sở cho việc xác định phạm vi điều chỉnh của Luật, tránh chồng lấn với Luật Điều ước quốc tế năm 2016; bảo đảm tính thống nhất giữa các quy định trong dự án Luật này và trong hệ thống pháp luật.
Bên cạnh đó, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đề nghị cân nhắc về một số nội dung, trong đó có vấn đề mở rộng chủ thể ký kết thỏa thuận quốc tế đến UBND cấp huyện và UBND cấp xã. Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, việc hợp tác quốc tế luôn tiềm ẩn những vấn đề nhạy cảm về chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, đòi hỏi cơ quan, tổ chức tham mưu và chủ thể ký kết phải có năng lực nhất định, do đó không phải cơ quan, tổ chức nào cũng được trao quyền ký kết thỏa thuận quốc tế.