Thận trọng trước các 'lò' luyện thi đánh giá năng lực trên mạng xã hội
Giữa ma trận các 'lò' luyện thi đánh giá năng lực quảng cáo trên mạng xã hội, nhiều học sinh lớp 12 phân vân không biết lựa chọn thế nào để ôn thi đạt hiệu quả.
Hoa mắt với các lò luyện thi cùng lời mời gọi 'có cánh'
Chỉ cần một cú nhấp chuột liên quan đến từ khóa "luyện thi đánh giá năng lực" trên mạng, phụ huynh và học sinh lớp 12 "hoa mắt" với hàng nghìn kết quả. Đặc biệt, trên các hội nhóm Facebook về kỳ thi đánh giá năng lực, cứ vài tiếng lại có một bài viết ẩn danh hỏi địa chỉ luyện thi. Dưới bài đăng, hàng loạt bình luận giới thiệu là nhân sự hoặc từng học ở những trung tâm và đạt kết quả tốt. Thí sinh chỉ cần phản hồi bình luận liền có người chủ động liên hệ giới thiệu các khóa học. Đa phần các nhóm, "trung tâm" ôn thi đánh giá năng lực trên nền tảng mạng xã hội được tổ chức theo hình thức học online, có các buổi thi thử.
Nhiều fanpage ôn thi đánh giá năng lực đổi tên để mời gọi, thu hút người học với nhiều lời "có cánh": "cam kết đỗ đại học - không đỗ hoàn 100% học phí"; "nắm chắc cấu trúc bài thi, mục tiêu chinh phục 950 điểm"; "có thủ khoa đồng hành"... Các đối tượng này thường tạo nhóm kín, sử dụng tài khoản ẩn danh để tiếp cận và dụ dỗ thí sinh. Hình thức hoạt động phổ biến là đăng bài hỏi thăm địa điểm luyện thi, sau đó các tài khoản ảo sẽ vào bình luận giới thiệu khóa học với lời lẽ hoa mỹ, cam kết "đảm bảo đỗ".
Thậm chí nhiều nơi còn lấy mác của một số đại học để thu hút học sinh và phụ huynh.
Có cần tìm 'lò' luyện thi đánh giá năng lực?
Về kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo - Giám đốc Trung tâm Khảo thí - tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, bài thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội triển khai phiên bản mới từ năm 2021 trở lại đây nhưng tâm lý tò mò, luyện thi luôn xuất hiện với các khóa học sinh cuối cấp.
Các nhóm luyện thi lôi kéo thí sinh ôn luyện theo theo kiểu 2 trong 1: vừa ôn thi đánh giá năng lực, vừa ôn thi tốt nghiệp. Do đó, thí sinh tìm đến các trung tâm luyện thi theo tạo tâm lý yên tâm hơn vì có học để thi.
Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, kỳ thi đánh giá năng lực không đơn giản chỉ là kiến thức một lĩnh vực hay một dạng nào đó mà đòi hỏi học sinh nắm chắc kiến thức, kỹ năng phân tích tổng hợp, tư duy hệ thống, hiểu bản chất sự việc. Những thứ đó không trung tâm nào có thể cung cấp cho thí sinh thời gian ngắn mà đỏi hỏi thí sinh tích lũy quá trình trên ghế nhà trường.
Vì thế, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo khuyên thí sinh cần học tập nghiêm túc, chăm chỉ trong từng bài học, từng giờ kiểm tra và làm quen với đề thi tham khảo của kỳ thi đánh giá năng lực. Trung tâm luyện thi đáng tin cậy nhất chính là trường THPT, nếu các em học tốt toàn bộ chương trình THPT thì sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc luyện thi lan man tại các trung tâm.
Để hỗ trợ thí sinh trong việc ôn tập và chuẩn bị cho kỳ thi này, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết, hiện nay, trường đang phối hợp với các chuyên gia và nhà xuất bản phát hành cuốn tài liệu hướng dẫn ôn tập kỳ thi đánh giá năng lực. "Thời gian tới chúng tôi sẽ phát hành phục vụ thí sinh tham khảo, xây dựng kế hoạch ôn tập thực chất, hiệu quả. Song, tài liệu thiết yếu và quan trọng nhất đang nằm trong tay của các bạn học sinh đó là sách giáo khoa. Cẩm nang ôn tập của chúng tôi phát hành chỉ định hướng các yêu cầu, dạng thức cơ bản. Kết quả của kỳ thi phụ thuộc phần lớn vào năng lực hình thành và tích lũy trong quá trình học tập chương trình giáo dục phổ thông".
Về phía Đại học Quốc gia TP.HCM, TS. Nguyễn Quốc Chính - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo Đại học Quốc gia TP.HCM cho biết, những năm qua kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM đã đánh giá được năng lực cốt lõi để học đại học của thí sinh. "Từ năm 2024, tất cả bậc học phổ thông đều thực hiện theo Chương trình GDPT 2018, với định hướng tính linh động cao hơn và cho học sinh trong việc lựa chọn các môn học nhiều hơn. Do vậy, bài thi đánh giá năng lực cần phải có sự thay đổi để đáp ứng yêu cầu: thứ nhất, đánh giá chính xác năng lực của thí sinh; thứ hai, bảo đảm sự công bằng tiếp cận với giáo dục đại học cho tất cả thí sinh".
Trước đây bài thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM hơi gần với bài thi ACT (Hoa Kỳ), vừa có phần chung, vừa có phần chuyên sâu về các môn học. Nhưng từ năm 2025 bài thi điều chỉnh lại mang tính của SAT nhiều hơn, đánh giá những năng lực cơ bản nhất, đặc biệt là năng lực tư duy khoa học cần thiết cho tất cả thí sinh. "Đề thi cung cấp đầy đủ thông tin, dữ kiện để đảm bảo thí sinh có thể hoàn thành bài thi. Thí sinh dùng chính dữ kiện được cung cấp trong đề thi để suy luận ra quy luật và giải quyết vấn đề. Điều này không yêu cầu thí sinh phải học chuyên sâu về các môn mà phải dựa vào năng lực đọc hiểu, suy luận".
Theo TS. Nguyễn Quốc Chính, Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo được Đại học Quốc gia TP.HCM giao nhiệm vụ phụ trách các công tác liên quan của kỳ thi đánh giá năng lực. Đơn vị này không tổ chức luyện thi, cũng như không liên kết với bất kỳ tổ chức và cá nhân nào liên quan đến hoạt động ôn luyện thi đánh giá năng lực.
"Mục tiêu của kỳ thi đánh giá năng lực cũng là để giúp thí sinh học tốt, không phải để luyện thi, luyện đề. Muốn thi đánh giá năng lực đạt kết quả tốt, thí sinh chỉ cần học tốt những gì được dạy trong trường. Các giáo viên phổ thông hoàn toàn hỗ trợ được cho học sinh có đủ kiến thức để làm tốt bài thi đánh giá năng lực, không cần tìm các lớp ôn tập ở đâu xa xôi. Thí sinh không nên chăm chăm giải đề thi, mà cần tìm tòi sâu trong từng bài học để hiểu bản chất vấn đề, từ đó nâng cao năng lực của bản thân".