Thận trọng với bệnh cúm A
ĐBP - Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính thường xảy ra khi chuyển giao mùa, do các chủng vi rút cúm A phổ biến, như: A/H1N1, A/H3N2, A/H7N9, A/H5N1 gây nên. Do diễn biến thất thường của thời tiết, gần đây căn bệnh này đang có xu hướng gia tăng tại tỉnh ta. Tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) từ đầu tháng 7 đến nay đã có hơn 50 ca mắc cúm A nhập viện điều trị. Đa phần số ca mắc cúm A là trẻ em và đã ghi nhận trường hợp diễn biến nặng, nhiều trường hợp xuất hiện tình trạng viêm phổi và đang phải theo dõi điều trị. Chính vì vậy, việc nhận biết sớm các triệu chứng của cúm A sẽ giúp xử trí kịp thời, tránh các biến chứng nguy hiểm.
Trẻ em mắc cúm A điều trị tại Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).
Chị Vì Thị Hóa, bản Na Sang 2, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) có con nhỏ 18 tháng tuổi mắc cúm A đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm cho biết: Khi ở nhà cháu có biểu hiện sốt, gia đình chủ quan để tự điều trị ở nhà không đỡ, đến lúc có biểu hiện sốt cao 3 - 4 ngày, li bì, mệt lử mới đưa vào viện khám. Được các bác sĩ điều trị kịp thời, sau 5 ngày, sức khỏe của cháu đã ổn định và có thể xuất viện.
Bác sĩ đa khoa Hoàng Thị Hồng Thơm, Khoa Truyền nhiễm cho biết: Các triệu chứng phổ biến của nhiễm cúm A bao gồm sốt và ớn lạnh, cảm thấy mệt mỏi, hắt hơi, nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi, đau họng, ho, trẻ em có thể kèm theo các triệu chứng của đường tiêu hóa (buồn nôn, tiêu chảy). Vi rút cúm A có thể dễ dàng lây lan từ người này sang người khác thông qua không khí có chứa các hạt nước nhỏ li ti khi người bệnh ho, hắt hơi, cười hoặc nói chuyện; do tiếp xúc, chạm tay vào bề mặt vật dụng bị nhiễm vi rút, chạm vào khăn giấy đã sử dụng có nhiễm vi rút sau đó đưa tay lên mũi, miệng, dụi mắt hoặc dùng chung đồ dùng, ly uống nước, hoặc bàn chải đánh răng với người bệnh; tiếp xúc với động vật nhiễm cúm A.
Trong giai đoạn bùng phát các ca mắc cúm A, người dân cần hết sức cảnh giác vì các biểu hiện khá tương đồng với bệnh Covid-19 và một số bệnh hô hấp khác. Bệnh cúm A là bệnh truyền nhiễm thông thường, hầu hết bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và hồi phục trong vòng 2 - 7 ngày. Tuy nhiên, trẻ em, người cao tuổi, thai phụ, người có bệnh nền mạn tính là đối tượng dễ bị cúm biến chứng nguy hiểm đến tính mạng (trẻ em sẽ có nguy cơ cao bị các biến chứng như viêm phổi, viêm não; ở phụ nữ đang mang thai có thể viêm phổi hoặc sảy thai) nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời.
Để phòng ngừa cúm A, biện pháp hàng đầu là tiêm vắc xin phòng cúm định kỳ, đặc biệt là các đối tượng có nguy cơ cao cần được tiêm phòng đầy đủ trước mùa dịch; thực hiện tốt việc vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên, đeo khẩu trang khi ra ngoài đường, hạn chế đến những nơi đông người, tiếp xúc với người bị cúm; tập thể dục, chế độ sinh hoạt hợp lý, ăn uống đảm bảo chất dinh dưỡng để nâng cao thể trạng. Nếu có biểu hiện sốt cao, ho, sổ mũi, đau đầu, nghi ngờ cúm, người bệnh cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám, điều trị kịp thời. Người được cơ sở y tế xác định mắc cúm A nên nghỉ ngơi, đeo khẩu trang, hạn chế đến nơi đông người để tránh vi rút lây sang những người xung quanh.
Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/y-te/198573/than-trong-voi-benh-cum-a