Thận trọng với bệnh sốt xuất huyết

Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, năm 2022, dịch bệnh sốt xuất huyết có dấu hiệu quay trở lại địa bàn tỉnh ta. Loại bệnh này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh, thường gây ra dịch lớn, có thể tử vong, nhất là với trẻ em. Phóng viên Báo Sơn La đã có cuộc phỏng vấn bác sĩ Nguyễn Hữu Hùng, Phó Giám đốc Sở Y tế về dịch bệnh này, trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, phát tờ rơi tuyên truyền các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết cho người dân.

Cán bộ Trạm Y tế xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn, phát tờ rơi tuyên truyền các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết cho người dân.

Ảnh: Trường Sơn

PV: Bác sĩ cho biết, tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua?

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hùng: Theo đánh giá của Trung ương, tỉnh Sơn La có nguy cơ thấp về bệnh sốt xuất huyết (tỉnh loại C) và nguy cơ bùng dịch không cao. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận có ổ dịch sốt xuất huyết. Trong đó, năm 2017 ghi nhận có 239 ca mắc, tại 11/12 huyện, thành phố (trừ huyện Sốp Cộp); riêng ổ dịch được xác định tại xã Cò Nòi và thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn, với 79 ca mắc. Đến năm 2020, ghi nhận 77 ca mắc; ổ dịch được xác định tại thị trấn Hát Lót, với 72 ca.

Nhận định năm 2022, dịch bệnh có nguy cơ quay trở lại. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiến hành điều tra, giám sát côn trùng tại huyện Mai Sơn. Qua đó, cho thấy tại các tiểu khu có ổ dịch cũ của thị trấn Hát Lót đã bắt được muỗi Aedes aegypti, đây là loài muỗi chính truyền bệnh sốt xuất huyết, chỉ số mật độ muỗi cao. Sở Y tế chỉ đạo Trung tâm khẩn trương tổ chức phun hóa chất diệt côn trùng, loăng quăng, bọ gậy trong thời gian sớm nhất.

PV: Nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết, thưa bác sĩ?

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hùng: Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus Dengue gây ra. Nguyên nhân lây lan dịch bệnh là do muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn), vật trung gian truyền virus Dengue từ người mang mầm bệnh sang người khỏe mạnh. Bệnh xảy ra quanh năm, thường gia tăng vào mùa mưa.

Về triệu chứng chính của bệnh: Sốt xuất huyết có thể cổ điển (thể nhẹ), sốt xuất huyết có chảy máu và thể nặng. Đối với thể nhẹ, bệnh thường bắt đầu với triệu chứng sốt và sẽ kéo dài trong vòng 4 -7 ngày tính từ sau khi bị truyền bệnh bởi muỗi. Ngoài ra, còn có các triệu chứng như sốt cao đến 40,5 độ C; nhức đầu nghiêm trọng; đau phía sau mắt; đau khớp và cơ; buồn nôn và ói mửa. Phát ban (các ban sốt xuất huyết có thể xuất hiện trên cơ thể 3-4 ngày sau khi bắt đầu sốt và sau đó thuyên giảm sau 1-2 ngày. Ban có thể bị nổi lại một lần nữa vào ngày sau đó).

Sốt xuất huyết có chảy máu: Các dấu hiệu sốt xuất huyết dạng này gồm tất cả các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết nhẹ kèm theo tổn thương mạch máu và mạch bạch huyết, chảy máu cam, chảy máu ở nướu hoặc dưới da, gây ra vết bầm tím. Thể bệnh này có thể dẫn đến tử vong.

Thể nặng (hội chứng sốc dengue), đây là dạng nặng nhất, gồm tất cả các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết nhẹ cộng với các triệu chứng chảy máu, kèm theo huyết tương thoát khỏi mạch máu, chảy máu ồ ạt trong và ngoài cơ thể, sốc (huyết áp thấp).

Loại này thường xảy ra trong lần nhiễm trùng sau, khi cơ thể đã có miễn dịch chủ động (do đã từng mắc bệnh) hoặc thụ động (do mẹ truyền sang) đối với một loại kháng nguyên virus. Bệnh thường biểu hiện nặng đột ngột sau 2 đến 5 ngày (giai đoạn hạ sốt). Dạng này của bệnh thường xảy ra ở trẻ em (đôi khi ở người lớn); có thể gây tử vong, đặc biệt là ở trẻ em và thanh thiếu niên.

Hiện, bệnh sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, người bệnh cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ, tự theo dõi sát tại nhà, đến bệnh viện làm xét nghiệm theo lịch hẹn. Nếu sốt bằng hoặc cao hơn 39 độ C, uống thuốc hạ sốt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ sốt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10 - 15 mg/kg cân nặng/lần. Tuyệt đối không dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị, vì có thể gây xuất huyết, toan máu. Bù dịch bằng cách uống oresol (pha đúng theo hướng dẫn), nước cam, nước chanh...

PV: Bác sĩ có khuyến cáo gì trong việc phòng, chống bệnh sốt xuất huyết?

Bác sĩ Nguyễn Hữu Hùng: Để công tác phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả cao, cần có sự cùng vào cuộc của các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chính trị xã hội. Đồng thời, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân trong việc chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa, bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn. Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng, như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp, vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá... Chủ động phun hóa chất diệt côn trùng trong phòng ở, xung quanh nhà cũng như các khu vực có nhiều bọ gậy, muỗi sinh sống (chuồng trại, cống rãnh, bụi rậm...). Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày. Khi nghi ngờ mắc sốt xuất huyết, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

PV: Trân trọng cảm ơn bác sĩ.

Hồng Luận (Thực hiện)

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/than-trong-voi-benh-sot-xuat-huyet-50120