Thận trọng với cơn sốt đất ảo
Người dân hãy cảnh giác vì 'bong bóng' bất động sản có thể nổ bất cứ lúc nào như những năm 1997 và 2008. Khi đó người mua cuối sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất.
Từ cuối năm 2020 đến nay, cơn sốt đất lại bùng lên. Cơn sốt này tác động trên một diện rộng, từ thành thị đến nông thôn, từ đất nền các khu đô thị, khu dân cư mới đến đất ven biển, đất nghỉ dưỡng trong núi, đất gần khu quy hoạch sân bay, đường giao thông... Chỉ trong vài tháng, giá đất có nơi đã bị đẩy lên từ 5 - 10 lần.
Câu chuyện sốt đất ở huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước là một ví dụ điển hình. Khu vực này mới chỉ nghe nói sẽ xây dựng sân bay thì “cò đất" và khách hàng đã nườm nượp kéo tới xem đất làm giá đất biến động từng ngày, từng giờ. Đất nông nghiệp đang từ vài chục triệu đồng một mét chiều ngang đẩy lên vài trăm triệu đồng chỉ trong một vài ngày. Hay như cơn sốt đất tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) liên quan đến thông tin khảo sát xây dựng sân bay Phan Thiết cũng làm nhiều người hoa mắt, chóng mặt vì tốc độ tăng giá phi mã. Dù chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn đã nhiều lần cảnh báo nhưng người dân vẫn như con thiêu thân lao vào mua bán, giành giật.
Tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, giá đất cũng tăng chóng mặt bất chấp thông tin chưa rõ ràng về các chương trình, dự án sắp triển khai cũng như phớt lờ cảnh báo của cơ quan chuyên môn. Mờ mắt vì lợi nhuận, người ta đua nhau mua bán, sang tên đất thổ cư, đất nông nghiệp. Có những vị trí, người mua chỉ cần đặt cọc và "lướt" ngay trong ngày là có lãi. Vì thế, nhiều người đua nhau đổ tiền vào bất động sản (BĐS). Trong cơn say này, có người cười vì đất nhưng có người ngậm đắng, nuốt cay cũng vì đất.
Tại Hải Dương, giá đất cũng "nhảy múa" không ngừng dù biên độ biến động không lớn như các địa phương khác. Từ đầu năm đến nay, hàng chục cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại các huyện Thanh Miện, Bình Giang, TP Hải Dương, TP Chí Linh… được tổ chức thành công. Giá trúng đấu giá cao hơn từ 50 - 70% so với giá khởi điểm, thậm chí có những lô đất đẹp, giá cao gấp đôi. Nhiều người trúng đấu giá có thể bán lại ngay với mức chênh từ 100 - 150 triệu đồng/lô đất. Tại các khu đô thị mới ở TP Hải Dương, giá đất nền cũng tăng từ 10 - 15% mỗi m2, có những dự án tăng tới 20%. Hầu hết dự án đô thị mới đều có giao dịch khá sôi động như Tân Phú Hưng, khu đô thị phía nam TP Hải Dương, khu dân cư An Phú, khu đô thị mới Thạch Khôi...
Theo đánh giá của các chuyên gia, nguyên nhân khiến thị trường BĐS cả nước nói chung, Hải Dương nói riêng sôi động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, mặc dù dịch đã cơ bản được kiểm soát nhưng nguy cơ tái bùng phát vẫn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy, thay vì mở rộng sản xuất, nhiều doanh nghiệp đổ tiền vào BĐS như một kênh "trú ẩn" an toàn. Bên cạnh đó, một phần dòng tiền từ thị trường chứng khoán cũng được đưa vào BĐS. Đặc biệt, lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng luôn duy trì ở mức thấp trong khi lãi suất cho vay vẫn cao khiến nhiều người chuyển hướng đầu tư sang BĐS. Ngoài ra, từ cuối năm ngoái đến nay, nguồn cung thấp cũng khiến giá BĐS trong tỉnh bị đẩy lên cao.
Việc người dân tìm đến BĐS hoàn toàn dễ hiểu bởi thời điểm này đất vẫn là kênh "trú ẩn" an toàn trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, người dân hãy cảnh giác vì “bong bóng” BĐS có thể nổ bất cứ lúc nào như những năm 1997 và 2008. Khi đó người mua cuối sẽ chịu thiệt hại nhiều nhất. Khách hàng cần thực sự tỉnh táo trước những tin đồn, dụ dỗ, lôi kéo của các “cò” đất. Không nên hùa theo đám đông khi tham gia thị trường BĐS. Cần nghiên cứu, tìm hiểu thông tin kỹ càng, lựa chọn những dự án bảo đảm thủ tục pháp lý, hạ tầng đầy đủ, nhà đầu tư uy tín…
Bên cạnh đó, cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương cần có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, biện pháp hiệu quả nhằm ngăn chặn kịp thời những cơn sốt đất ảo để thị trường BĐS phát triển bền vững, lành mạnh, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/cung-ban-luan/than-trong-voi-con-sot-dat-ao-164251