Thận trọng với tour du lịch giá rẻ
Mùa hè, khi nhu cầu du lịch của người dân tăng cao, bên cạnh việc các Công ty du lịch chạy đua chào bán các tour du lịch hấp dẫn với nhiều ưu đãi thì trên các trang mạng xã hội, không ít đối tượng đã lợi dụng dịp này để tung ra các chiêu trò lừa đảo thông qua hình thức đặt cọc tour du lịch, vé máy bay, phòng resort… với giá rẻ. Không ít người đã bị lừa từ vài triệu đến vài chục triệu đồng.
“Vỡ mộng” tour giá rẻ
Hiện nay, trên các mạng xã hội, không khó để tìm thấy những cộng đồng bán voucher, combo du lịch giá rẻ “giật mình” như: Du lịch giá rẻ; Hot deals voucher & combo tour toàn quốc; Săn tour du lịch 5 sao giá rẻ; Combo du lịch giá rẻ... Để thu hút người mua, nhiều fanpage còn tung ra các gói khuyến mại như sử dụng bể bơi, miễn phí bữa ăn sáng, hỗ trợ xe đưa đón tận sân bay. Tuy nhiên, bên cạnh các chương trình kích cầu du lịch được các đơn vị lữ hành, các doanh nghiệp uy tín đưa ra, thì không ít người đã “vỡ mộng” khi gặp phải những fanpage giả lừa đảo.
Mới đây, anh Phạm Ngọc Linh (trú tại Hà Nội) chia sẻ thông tin trên mạng xã hội về việc bị lừa đảo khi mua voucher du thuyền Hạ Long 5 sao. Theo anh Linh, đầu tháng 4/2023, anh thấy thông tin quảng cáo “Chương trình khuyến mại du thuyền Hạ Long Ambassador 5 sao, 3 ngày 2 đêm với giá chỉ 1.999K/khách”, trong khi đó giá tour thường ngày trên du thuyền này có mức 7,9 triệu đồng/người. Do đó, anh đã đặt tour cho 9 thành viên, với tổng số tiền là 14 triệu đồng. Để giữ voucher cho chuyến đi vào tháng 5/2023, tư vấn viên yêu cầu anh Linh phải chuyển khoản 50% để đặt cọc. Sau khi chuyển tiền, ngày 20/4, anh Linh phát hiện đã bị fanpage chặn tài khoản. Nghi ngờ bị lừa, anh liền liên hệ đến một đơn vị cung cấp loại hình tương tự thì được biết, không có đơn vị nào bán voucher với mức giá như trên. Email đã xác thực thanh toán cũng không còn phản hồi. Lúc này, anh Linh mới biết mình đã mua phải voucher “ảo”.
Một trường hợp khác là chị Hoàng Thị Quyên ở (Hà Đông, Hà Nội) cho biết, cuối tháng 3, chị Quyên tìm kiếm tour và đọc được thông tin trên trang “Du lịch giá rẻ” về combo du lịch Phú Quốc 3 ngày, 2 đêm với giá 2,8 triệu đồng/người (bao gồm ở khách sạn 5 sao, ăn sáng, vé máy bay 2 chiều). Liên hệ đặt tour, chị Quyên được một người hướng dẫn làm các thủ tục thanh toán và được “nhân viên tư vấn” gửi cho một mã code vé máy bay, mã đặt chỗ… Sát ngày khởi hành, chị Quyên nhận được thông báo hoãn chuyến bay do những thay đổi từ hãng hàng không. “Nhân viên tư vấn” đề nghị chị chuyển sang mua vé máy bay của một hãng khác vì lý do giá vé máy bay quá đắt… “Đến lúc này thì tôi mới biết mình bị lừa du lịch giá rẻ và ngậm ngùi vì lỡ chuyến du lịch của cả gia đình”, chị Quyên chia sẻ.
Những trường hợp như chị Quyên, anh Linh không phải là cá biệt. Hiện nay, với sự phát triển nhanh chóng, tiện ích của các nền tảng mạng xã hội, không ít người tiêu dùng vẫn tìm kiếm thông tin, tìm kiếm các tour du lịch, vé máy bay giá rẻ hay “săn” voucher giảm giá trên mạng. Lợi dụng việc này, nhiều cá nhân, tổ chức đã dùng các chiêu trò tinh vi, tung các thông tin “siêu giảm giá” 30 - 50% so với giá gốc, hoặc thậm chí miễn phí để lừa đảo khách hàng. Trên thực tế, rất nhiều người đã trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo trên. Khi người tiêu dùng phát hiện ra bị kẻ lừa đảo chiếm đoạt tiền, thì chúng đã cao chạy xa bay.
Cần tỉnh táo trước các tour du lịch giá rẻ
Việc bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ gây thiệt hại về tài chính, ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của du khách mà còn ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các đơn vị lữ hành, doanh nghiệp… Trước thực trạng này, mới đây Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phát đi cảnh báo và cho biết các thủ đoạn thường được sử dụng đó là: Các đối tượng đăng bài quảng cáo bán tour du lịch, phòng khách sạn với giá rẻ trên website/ứng dụng thương mại điện tử và mạng xã hội, đề nghị nạn nhân chuyển tiền cọc từ 30 - 50% giá trị để đặt cọc tour, sau đó lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Ngoài ra, các đối tượng còn đăng bài quảng cáo làm dịch vụ visa du lịch nước ngoài với cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Lập các wisite/fanpage của các Công ty du lịch uy tín, làm giả hình ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị thanh toán và đề nghị khách hàng chuyển khoản. Đặc biệt, các đối tượng có thể làm giả, chiếm đoạt tài khoản của người dùng mạng xã hội để liên lạc với người thân trong danh sách bạn bè, cho biết đang mắc kẹt khi du lịch nước ngoài và cần một khoản tiền ngay lập tức. Thậm chí, đối tượng còn sử dụng công nghệ Deepfake (công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo” để gọi video call lừa khách hàng.
Trước các thủ đoạn này, Bộ Công Thương khuyến cáo: Trước khi quyết định đặt tour du lịch, người dân cần thận trọng và tìm hiểu kỹ thông tin về Công ty du lịch hoặc đơn vị cung cấp dịch vụ. Nên chọn các đơn vị có uy tín, được chứng nhận và có đầy đủ giấy tờ, giấy phép kinh doanh. Nếu có bất kỳ nghi ngờ hoặc phát hiện bất thường nào liên quan đến các hoạt động du lịch, cần thông báo cho cơ quan chức năng và không chuyển tiền cho bất kỳ ai trước khi xác định rõ nguồn gốc và độ tin cậy của đơn vị đó.
Đỗ Đạt (Báo Lao Động Thủ Đô)