Thần tượng của tôi

Tôi sinh ra trong gia đình thuần nông, đông con. Vào những năm đầu thập niên 80, cha mẹ đưa chị em tôi vào vùng đất Sông Bé (cũ) để lập nghiệp. Tuổi thơ tôi gắn liền với gốc điều, hồ tiêu và cây cao su.

Những năm tháng ấy, cha mẹ tôi vừa khai hoang trồng trọt vừa làm công nhân chăm sóc cao su cho nông trường. Khi cuộc sống vẫn khó khăn, chưa khởi sắc thì trong một lần vỡ đất khai hoang, cha tôi bị trái mìn còn sót lại trong chiến tranh nổ làm bị thương mất cả hai chân. Từ đây, gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai gầy của mẹ.

Mẹ tôi nặng vỏn vẹn 38kg, ấy vậy mà bà không từ bất cứ công việc gì: vừa chăm sóc cao su cho nông trường vừa canh tác hoa màu, chăn nuôi heo, gà. Vất vả mấy mẹ cũng không than một lời, không cho phép chị em tôi nghỉ học. Mẹ bảo đời cha mẹ ít chữ mới tay lấm chân bùn vẫn không đủ ăn nên các con phải theo lấy con chữ để tương lai tươi sáng.

Chúng tôi lớn thêm một chút, mẹ chuyển qua làm công nhân khai thác mủ cao su vì lúc này cây đã đến thời kỳ thu hoạch. Tùy điều kiện thời tiết mà mẹ đi làm từ 1-2 giờ sáng, có khi 4-5 giờ sáng để khai thác được lượng mủ nhiều nhất và tốt nhất. Thức khuya dậy sớm chỉ một mình mẹ, đến giờ trút mủ thì anh chị tôi mới ra phụ. Buổi chiều nếu không bận rong máng, chắn mưa, bóc mủ chén thì mẹ sẽ rảnh rỗi. Vậy là mẹ lại kiếm việc làm thêm. Vừa hay ngôi trường tôi đang học thiếu lao công, mẹ đã xin vào làm.

Những ngày đầu mẹ đi làm lao công, tôi đã rất xấu hổ với bạn bè. Tôi không dám để ai biết đó là mẹ mình và cố tình tránh mẹ ở trường. Và mọi thứ đã thay đổi khi một hôm trong buổi chào cờ, thầy hiệu trưởng thông báo có mời đến một gương người tốt, việc tốt để chúng tôi noi theo. Thật bất ngờ người đó chính là mẹ tôi - cô lao công của trường. Thầy hiệu trưởng cho biết trong lúc quét dọn sân trường, mẹ đã nhặt được số tiền lớn của phụ huynh làm rớt. Không mảy may suy nghĩ, mẹ nộp ngay lên cho ban giám hiệu. Và số tiền ấy là của một phụ huynh vừa đi vay để chuẩn bị phẫu thuật cho con mình. Những tràng pháo tay vang lên theo lời thầy hiệu trưởng, lần đầu tiên tôi không cảm thấy xấu hổ vì mẹ làm lao công mà ngược lại rất tự hào, rồi thấy hổ thẹn vì đã xa lánh mẹ. Mặt tôi đỏ bừng lên vì sung sướng khi bạn gần nhà kháo với các bạn đó là mẹ tôi. Mẹ tôi vậy đó, không chỉ lo cơm ăn áo mặc cho các con mà còn luôn răn dạy chúng tôi cách làm người.

Bốn tháng nghỉ cạo mủ chờ cây cao su hồi sức, mẹ lại làm quang gánh với một bên là nồi chè nặng trĩu, đầu gánh kia là chiếc ghế con và chục muỗng chén đi bán khắp ngõ ngách. Hôm thì chè đậu đen, hôm chè trôi nước… Lũ bạn tôi cũng rất mong chờ gánh chè của mẹ mỗi giờ ra chơi, vì thể nào chén chè cũng có thêm cục trôi nước nho nhỏ khuyến mãi, khi thì thêm vài cọng bột khoai xanh đỏ, cả nước cốt dừa béo ngậy. Mẹ đã trở thành thần tượng của bạn bè tôi sau lần nêu gương người tốt. Vì thế, gánh chè của mẹ được ủng hộ rất nhiệt tình.

Gia cảnh khó khăn nhưng mẹ luôn giữ tinh thần lạc quan nhất có thể. Mẹ nói buồn cũng hết một ngày, niềm vui rồi cũng qua, sao ta không chọn cách sống sao cho nhẹ nhàng, để thấy rằng khó khăn chỉ là vấn đề chứ không phải rào cản. Chị em tôi đã được mẹ hun đúc tinh thần ấy từ nhỏ, vấp ngã đau thì tự đứng lên an ủi lẫn nhau chứ không được đổ lỗi… Bây giờ mẹ tôi đã ngoài 80 tuổi, con cháu chắt đều có đủ, chúng tôi không giàu có nhưng bù lại yêu thương nhau hết mực.

Trong cuộc đời mỗi người, ít nhất sẽ có một người mà chúng ta yêu mến, thần tượng, có thể trong lĩnh vực khoa học, âm nhạc hay điện ảnh.... Với riêng tôi, thần tượng không ở đâu xa, chính là người mẹ tảo tần sớm hôm, vị tha và sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì chồng con.

Lê Thị Nam Phương

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/143444/than-tuong-cua-toi