Tháng 1/2025, doanh thu bất động sản TP.HCM đạt gần 23.000 tỷ đồng
Dù doanh thu bất động sản trong tháng đầu tiên của năm 2025 giảm nhẹ, nhưng lĩnh vực này vẫn đóng góp 21,2% vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của TP.HCM.
Tại báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội TP.HCM tháng 1/2025, Cục Thống kê TP.HCM cho hay tháng 1 là thời gian cao điểm của hoạt động mua sắm trước tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, các đơn vị kinh doanh trên địa bàn tăng cường nguồn cung hàng hóa, đảm bảo đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng với chất lượng, mẫu mã đa dạng, giá cả bình ổn.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1/2025 ước đạt 107.996 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 53.717 tỷ đồng, chiếm 49,7% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tăng 5,8% so với tháng trước và tăng 11,5% so với cùng kỳ.
Nhóm các mặt hàng phục vụ nhu cầu chủ yếu của người dân trong dịp tết Nguyên đán tăng cao so với tháng trước như: Lương thực, thực phẩm chiếm 30,5%, tăng 5,7%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 11,1%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 14,1%.
Một số nhóm mặt hàng có doanh thu giảm so với tháng trước như: Gỗ và vật liệu xây dựng giảm 13,4%; phương tiện đi lại giảm 11,7%; đá quý, kim loại quý và sản phẩm giảm 1ư%; sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác giảm 8,9%.
Trong khi đó, doanh thu dịch vụ khác ước đạt 38.849 tỷ đồng, giảm 16,6% so với tháng trước và giảm 1,6% so với cùng kỳ. Trong nhóm này, doanh thu kinh doanh bất động sản ước đạt 22.932 tỷ đồng, chiếm 59% trong doanh thu dịch vụ khác, giảm 3,3%.
Như vậy, dù doanh thu từ ngành này trong tháng đầu tiên giảm, song vẫn đóng góp 21,2% vào tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, chỉ đứng sau doanh thu bán lẻ hàng hóa.
Năm 2024, nhóm ngành này đã đóng góp 282.134 tỷ đồng doanh thu, tăng 7,9% so với năm 2023.
Cục thống kê TP.HCM đánh giá thị trường bất động sản đã có dấu hiệu hồi phục khi các chính sách hỗ trợ của Nhà nước phát huy hiệu quả, lãi suất huy động và cho vay sản xuất kinh doanh giảm, tạo điều kiện người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn.
Tuy vậy, đơn vị này nhận định ngành bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tác động đủ lực cho hoạt động xây dựng, khi tăng 2,6%, chiếm 3,2% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) nhưng chỉ đóng góp 1,1% vào mức tăng GRDP của TP.HCM
Trong các giải pháp liên quan đến thị trường địa ốc năm 2025, Cục Thống kê TP.HCM cho hay cần tập trung tích cực gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản, kéo giảm giá nhà ở, đất ở. Điều này nhằm góp phần hạn chế sự lãng phí tài nguyên xã hội góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Thành phố.
Với tính lan tỏa và ảnh hưởng đến các ngành kinh tế khác, Cục Thống kê cho rằng cần xác định hoạt động bất động sản như là một động lực tăng trưởng của kinh tế.