Tháng 1, CPI của cả nước tăng 1,94% so với cùng kỳ

Tổng cục Thống kê vừa công bố sáng 29/1, tháng 1/2022 là tháng giáp Tết Nguyên đán Nhâm Dần nên nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo quy luật tiêu dùng vào dịp Tết; giá xăng dầu trong nước tăng theo giá nhiên liệu thế giới là những yếu tố làm cho chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2022 tăng 0,19% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2021, CPI tháng 1/2022 tăng 1,94%; lạm phát cơ bản tháng 1/2022 tăng 0,66%.

Người dân mua sắm hàng Tết tại siêu thị Big C Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Người dân mua sắm hàng Tết tại siêu thị Big C Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

So với tháng trước, CPI tháng 1/2022 tăng 0,19%; trong đó, khu vực thành thị tăng 0,2%; khu vực nông thôn tăng 0,19%. Trong 11 nhóm hàng tiêu dùng chính có 7 nhóm tăng giá và 4 nhóm giảm giá.

Theo đó, các nhóm hàng tăng giá, gồm nhóm giao thông tháng 1/2022 tăng cao nhất với 14,55% so với cùng kỳ năm trước, làm CPI chung tăng 1,41 điểm phần trăm; nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 3,51% so với cùng kỳ năm trước do giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 8,23% theo giá nguyên vật liệu đầu vào. Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 2,75% chủ yếu do chi phí vận chuyển tăng và nguồn cung thuốc lá giảm.

Bên cạnh đó, nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 1/2022 tăng 0,88% so với cùng kỳ năm trước; nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 1,22%; nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,25%; nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 1,57%.

Ở chiều ngược lại, có 4 nhóm hàng giảm giá: nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,14% chủ yếu do giá thực phẩm giảm 1,69%. Nhóm giáo dục giảm 3,78% do trong học kỳ I năm học 2021-2022, một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương miễn, giảm học phí. Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,65% do giá phụ kiện điện thoại thông minh giảm. Nhóm văn hóa, giải trí, du lịch giảm 0,11% do giá du lịch trọn gói và giá khách sạn, nhà khách giảm khi chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra giá tiêu dùng tháng 1/2022 của một số nhóm hàng tăng chính so với tháng trước như sau: Giá thịt lợn tháng 1/2022 tăng 1,79% so với tháng trước, làm CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm. Trong tháng, giá thịt lợn hơi dao động từ 53.000-58.000 đồng/kg. Giá thịt lợn tăng do gần đến Tết Nguyên đán nhu cầu tiêu thụ thịt để gói bánh chưng chuẩn bị Tết tăng cao. Theo đó, giá thịt quay, giò, chả tháng 1/2022 tăng 0,75% so với tháng trước.

Nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Lễ ông Công, ông Táo và chuẩn bị Tết tăng cao nên giá trứng các loại tăng 0,91% so với tháng trước; giá thịt gia cầm tươi sống tăng 0,57%, trong đó thịt gà tăng 0,61% và thịt gia cầm khác tăng 0,47%; giá thịt hộp và thịt chế biến khác lần lượt tăng 0,26% và 0,31%; giá dầu mỡ ăn và chất béo khác tăng 1,63%; giá đồ gia vị tăng 0,15%; bơ, sữa phô mai tăng 0,08%; bánh, mứt, kẹo tăng 0,61%; chè, cà phê, cacao tăng 0,51%.

Giá thủy sản tươi sống tăng 0,58% so với tháng trước và thủy sản chế biến tăng 0,54% do hoạt động đánh bắt thủy hải sản bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết và mùa vụ nên sản lượng đánh bắt và nuôi trồng không cao, trong khi nhu cầu tiêu dùng chuẩn bị Tết Nguyên đán tăng.

Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 1/2022 tăng 0,08% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,04% (khu vực thành thị tăng 0,09%; khu vực nông thôn tăng 0,01%). Giá gạo tăng nhẹ do giá xuất khẩu duy trì ở mức cao và nhu cầu tiêu dùng các loại gạo tẻ ngon và gạo nếp tăng vào dịp Tết Nguyên đán; trong đó, gạo nếp tăng 0,83%, gạo tẻ ngon tăng 0,32%.

Các mặt hàng lương thực chế biến khác cũng tăng do nhu cầu chuẩn bị cho Tết Nguyên đán tăng như giá miến tăng 0,51% so với tháng trước; mì sợi, mì, phở, cháo ăn liền tăng 0,34%.

Bên cạnh các nguyên nhân làm tăng CPI, có một số nguyên nhân làm giảm CPI tháng 1/2022 so với cùng kỳ năm trước như: giá thực phẩm tháng 1/2022 giảm 0,09% so với tháng trước do Trung Quốc siết chặt kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19 tại một số cửa khẩu khiến nông sản của Việt Nam bị ùn tắc, thương lái ngừng mua làm cho giá rau tươi, khô và chế biến giảm 6,05% so với tháng trước, trong đó giá su hào giảm 16,72%; bắp cải giảm 12,47%; đỗ quả tươi giảm 9,42%. Giá quả tươi và chế biến tháng 01/2022 giảm 0,59% so với tháng trước, chủ yếu ở mặt hàng thanh long và dưa hấu.

Trong tháng 1, chỉ số giá vàng tăng 1,08%. Theo đó, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/1/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.819,43 USD/ounce, tăng 1,46% so với tháng 12/2021 do đồng đô la Mỹ và lợi tức trái phiếu đồng loạt giảm khi dữ liệu lạm phát của Mỹ tăng cao. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư lo ngại giá cả sẽ tiếp tục tăng và căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu khiến tài sản an toàn như vàng tăng giá.

Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng trước Tết Nguyên đán tăng làm chỉ số giá vàng tháng 1/2022 tăng 1,08% so với tháng trước; giảm 0,07% so với cùng kỳ năm trước.

Chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,32%. Đồng đô la Mỹ trên thị trường thế giới giảm trong bối cảnh lạm phát của Mỹ tháng 12/2021 tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến ngày 25/1/2022, chỉ số đô la Mỹ trên thị trường quốc tế đạt mức 95,68 điểm, giảm 0,52 điểm so với tháng trước. Trong nước, giá đô la Mỹ giảm 0,32% so với tháng trước do nguồn cung đảm bảo. Giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 22.912 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 1/2022 giảm 0,32% so với tháng trước; giảm 0,73% so với cùng kỳ năm trước.

Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 1/2022 tăng 0,26% so với tháng trước, tăng 0,66% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát cơ bản tăng 0,26% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 1,94%), điều này phản ánh biến động giá tiêu dùng chủ yếu do giá lương thực, xăng, dầu và gas tăng.

Thúy Hiền (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/thang-1-cpi-cua-ca-nuoc-tang-194-so-voi-cung-ky-20220129110802117.htm