Tháng 10, có từ bốn đến sáu đợt không khí lạnh

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, trong tháng 10, tần suất không khí lạnh gia tăng; dự tính có khoảng bốn đến sáu đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới nước ta. Ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với các nhiễu động nhiệt đới trên Biển Ðông có thể gây ra nhiều ngày mưa vừa, mưa to cho khu vực miền trung từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.

Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, trong tháng 10, tần suất không khí lạnh gia tăng; dự tính có khoảng bốn đến sáu đợt không khí lạnh ảnh hưởng tới nước ta. Ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với các nhiễu động nhiệt đới trên Biển Ðông có thể gây ra nhiều ngày mưa vừa, mưa to cho khu vực miền trung từ Thanh Hóa đến Quảng Nam.

* Từ 19 giờ ngày 1-10 đến 7 giờ ngày 2-10, ở khu vực miền núi Bắc Bộ, Ðông Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa, mưa vừa, mưa to. Một số trạm có mưa lớn như: Ðảo Thắng Lợi (Quảng Ninh) 73 mm, Ðê biển 3 Tiên Lãng (Hải Phòng) 53 mm, Nâm Nung (Ðắk Nông) 93 mm, Ðức Xuyên (Ðắk Lắk) 53 mm, Thanh Sơn (Ðồng Nai) 50 mm, Cần Ðước (Long An) 61 mm…

* Chiều 2-10, Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai có Công điện số 14/CÐ-TW yêu cầu Giám đốc Công ty Thủy điện Hòa Bình, Công ty cổ phần Thủy điện Thác Bà: Kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn công trình và hạ du để thực hiện việc xả lũ: Hồ Hòa Bình: Mở tiếp một cửa xả đáy vào hồi 16 giờ ngày 2-10. Hồ Thác Bà: Chủ động vận hành các cửa xả để đưa mực nước thượng lưu hồ về cao trình +58 m theo quy định. Tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, hiện trạng công trình, kịp thời báo cáo về Ban Chỉ đạo và các cơ quan liên quan để có quyết định điều hành trong thời gian tới phù hợp tình hình thực tế.

* Theo Công điện số 14/CÐ-TW vào 15 giờ ngày 2-10 của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, hồ thủy điện Hòa Bình sẽ mở tiếp một cửa xả đáy vào hồi 16 giờ ngày 2-10. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội sẽ lên nhanh từ chiều 3-10. Dự báo, đến 19 giờ ngày 3-10, mực nước sông Hồng tại Hà Nội có khả năng lên mức 5,1 m (dưới báo động 1: 4,4m); đến 7 giờ ngày 4-10, mực nước sông Hồng tại Hà Nội tiếp tục lên mức 5,3 m (dưới báo động 1: 4,2 m).

* Ngày 2-10, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai có Công văn số 407/VPTT gửi: Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) các tỉnh, thành phố: Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Ðịnh, Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng về việc bảo đảm an toàn hạ du khi xả lũ các hồ Sơn La, Hòa Bình, Thác Bà…

* Do lưu vực hồ Thác Bà những ngày qua có mưa to, có nơi mưa rất to, lưu lượng nước về hồ chứa thủy điện Thác Bà tăng nhanh, khiến mực nước hồ đạt 58,13 m. Lúc 7 giờ 30 phút ngày 2-10, thủy điện Thác Bà tiến hành mở tăng lưu lượng xả lũ qua đập tràn với hai cửa xả, lưu lượng nước đạt khoảng 900 m3/giây.

Trước đó, hồi 15 giờ ngày 1-10, đơn vị đã mở một cửa xả tràn. Ðến sáng 2-10, mực nước hồ đạt cao trình 58,13 m, lưu lượng nước về hồ khoảng 890 m3/giây. Công ty tiếp tục nhận lệnh tăng lưu lượng xả lũ qua đập tràn, bảo đảm an toàn cho hồ chứa.

Công ty CP Thủy điện Thác Bà có công văn khẩn đến Ban Chỉ huy PCTT và TKCN huyện Yên Bình (Yên Bái); huyện Ðoan Hùng (Phú Thọ); Yên Sơn (Tuyên Quang) cùng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN của 10 xã nằm dọc sông Chảy về thời gian xả lũ. Ðồng thời, phát loa cảnh báo tại bảy trạm cố định bố trí dọc sông, dọc hai bên bờ sông về lưu lượng nước lũ, nhằm bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho nhân dân vùng hạ du.

* Tại tỉnh Hà Giang, mưa lũ xảy ra đã làm hai người bị thương do sét đánh (thôn Nậm Khương, xã Nà Chì, Xín Mần); 29 nhà bị ngập bùn cát. Một số tuyến đường bị sạt ta-luy dương, hiện đã được khắc phục, thông tuyến. Ngoài ra, tại huyện Xín Mần, một cầu treo bị sạt trụ ở xã Nấm Dần, một trạm biến áp bị ngập nước, hỏng một cầu bản tại xã Nà Chì, một nhà văn hóa, hai trường học bị sạt lở gây vùi lấp một số công trình phụ tại xã Bản Ngò, 35 m kênh bê-tông bị gãy hỏng tại xã Nấm Dần. Tại huyện Mèo Vạc, sạt lở ở hai điểm trường tại xã Nậm Ban; tại huyện Hoàng Su Phì: Trường mầm non Bản Luốc bị sạt lở ta-luy dương. Ước tính thiệt hại ban đầu: 3,6 tỷ đồng. Chính quyền các địa phương đang chỉ đạo tổ chức khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.

* Tình hình thiên tai ở Cà Mau diễn biến bất thường và không theo quy luật. Trong chín tháng đầu năm, trên địa bàn xuất hiện ít nhất bảy loại hình thiên tai: năm cơn bão, hạn hán, gió mạnh trên biển, nắng nóng, mưa lớn, dông lốc, sạt lở, sụt lún đất xảy ra thường xuyên… Thiên tai đã làm chìm 10 tàu cá, một sà-lan, năm người chết, hai người mất tích; sập, tốc mái 836 căn nhà; thiệt hại, ảnh hưởng gần 22.700 ha lúa và hoa màu, gần 18.000 ha nuôi trồng thủy sản; gần 21.000 hộ dân bị khó khăn về nước sạch sinh hoạt; hơn 1.300 vị trí đường giao thông nông thôn bị sụt lún, sạt lở với tổng chiều dài hơn 45 km; sạt lở thường xuyên ven biển,... với tổng thiệt hại về tài sản ước khoảng 827 tỷ đồng.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/thang-10-co-tu-bon-den-sau-dot-khong-khi-lanh-618998/