Tháng 12, có khả năng xuất hiện năm đến bảy đợt không khí lạnh

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ ngày 1 đến 6-12, Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ trời rét về đêm và sáng sớm, Tây Nguyên và Nam Bộ ngày nắng. Do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường xuống phía nam và được bổ sung liên tục trong những ngày tiếp theo, cho nên ở khu vực bắc và giữa Biển Đông, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió đông bắc mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 8. Sóng biển cao từ 2 đến 4 m. Biển động mạnh. Dự báo, từ ngày 4-12, cơn bão Kammuri đang hoạt động ở phía đông Phi-li-pin sẽ đi vào Biển Đông.

Nhận định về xu thế thời tiết tháng 12-2019, Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, trong tháng này, không khí lạnh hoạt động mạnh dần và tần suất nhiều hơn, nhất là vào nửa đầu tháng. Trong tháng có khả năng xuất hiện khoảng năm đến bảy đợt không khí lạnh (bao gồm cả các đợt không khí lạnh tăng cường). Khoảng nửa đầu tháng 12 ít có khả năng gây mưa trái mùa ở các tỉnh phía nam. Xoáy thuận nhiệt đới (bão hoặc áp thấp nhiệt đới) vẫn có khả năng hoạt động trên Biển Đông.

Hiện đang trong thời kỳ mùa khô cho nên cần đề phòng tình trạng hạn hán, thiếu nước do ít mưa, bốc hơi mạnh ở các tỉnh Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Trên Biển Đông sẽ có gió đông bắc mạnh do hoạt động của không khí lạnh.

Huyện Phong Thổ (Lai Châu) có quy mô đàn gia súc lớn với gần 60 nghìn con. Để bảo vệ đàn gia súc trong mùa đông, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, các xã, thị trấn chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đói, rét cho vật nuôi trong mùa đông 2019. Tại tỉnh Hà Giang, dịch tả lợn châu Phi đang xảy ra tại bảy trong số 11 huyện, thành phố. Đến nay, tổng số lợn chết và tiêu hủy là 12.557 con của 1.902 hộ tại 89 xã với trọng lượng tiêu hủy hơn 517,7 tấn. Hiện đã có 24 xã, phường, thị trấn công bố hết dịch; 24 xã, phường đang làm thủ tục công bố hết dịch; các huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Hoàng Su Phì qua 30 ngày không phát sinh lợn bệnh. Tại tỉnh Yên Bái, đến nay cũng đã có 55 xã qua 30 ngày không có thêm lợn mắc bệnh; có ba huyện: Trạm Tấu, Văn Chấn và Mù Cang Chải qua 30 ngày không có thêm lợn mắc bệnh và đã công bố hết dịch.

Ngày 1-12, theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai tỉnh Bình Dương, từ ngày 25-11 đến 30-11, do triều cường lên cao tại thị xã Thuận An, TP Thủ Dầu Một đã làm vỡ bờ rạch, ngập 1 ha đất nông nghiệp và 180 m đường giao thông, gây ảnh hưởng đi lại của người dân tại địa phương.

Từ đầu tháng 11 đến nay, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đã bắt giữ năm vụ buôn lậu lợn từ Cam-pu-chia về Việt Nam, tịch thu 165 con lợn, tổng trọng lượng gần 12 tấn, trị giá hơn 525 triệu đồng.

Xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương (Thanh Hóa) có 32 hộ nuôi ngao trên diện tích 62 ha đồng triều ven sông Yên. Từ ngày 27-11 đến nay, trên đồng nuôi ngao phát sinh hiện tượng ngao chết, ước tỷ lệ thiệt hại tới 50%. Huyện đã cử cán bộ xuống xã nắm tình hình, cùng cơ quan chuyên môn tìm hiểu, xác định nguyên nhân ngao nuôi bị chết. Được biết, trong các niên vụ trước đây, nuôi ngao trên đồng triều ở xã Quảng Nham từng xảy ra hiện tượng ngao nuôi bị chết, trong đó có nguyên nhân mật độ nuôi thả quá dày.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có tám đơn vị sản xuất, kinh doanh cam đăng ký in tem điện tử truy xuất nguồn gốc cam Vinh với số lượng 125.772 chiếc tem. Trong số tám đơn vị đăng ký in tem này, có bảy đơn bị ở huyện Quỳ Hợp và một đơn vị ở huyện Nghĩa Đàn. Trong năm 2019, Nghệ An đã có thêm 60 xã của chín huyện được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bổ sung giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm cam Vinh.

Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) hiện có khoảng 17 nghìn đàn ong, tập trung chủ yếu tại các xã Xín Cái, Thượng Phùng, Lũng Pù, Lũng Chinh, Sủng Máng, Giàng Chu Phìn, Pả Vi, Sủng Trà và Tả Lủng. Theo kế hoạch phát triển, đến năm 2020, tổng đàn ong của huyện sẽ lên đến khoảng 20 nghìn đàn.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42434602-thang-12-co-kha-nang-xuat-hien-nam-den-bay-dot-khong-khi-lanh.html