Tháng 3/2019 tăng giá điện 8,36%, vì sao?
Sau thông báo của Bộ Công Thương về việc tăng giá điện 8,36% vào cuối tháng 3 tới, nhiều câu hỏi đang được đặt ra về nguyên nhân cho câu chuyện này và ảnh hưởng của nó tới kinh tế - xã hội.
Sáng 5/3/2019, Bộ Công Thương đã có thông báo về việc phương án điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và được Chính phủ chấp thuận.
Theo đó, từ cuối tháng 3/2019, giá bán lẻ điện bình quân dự kiến sẽ tăng 8,36%, nâng giá điện từ 1.720 đồng/kWh lên 1.864 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tương đương 0.080 USD/kWh sau khi điều chỉnh (tỷ giá tại ngày 5/3/2019).
Đây là lần tăng giá điện đầu tiên sau 2 năm, kể từ lần tăng 6,08% vào đầu tháng 12/2017.
Vì sao cần tăng giá điện?
“Việc tăng giá điện căn cứ vào giá thành, cơ cấu nguồn điện tăng (than, dầu, khí) tăng, cũng như các loại phí, chênh lệch tỷ giá”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định.
Năm 2017, chi phí sản xuất kinh doanh điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đạt gần 291.300 tỷ đồng, trong khi doanh thu bán điện chỉ gần 290.000 tỷ đồng. Sau khi cộng tất cả thu chi năm 2017 của toàn Tập đoàn, EVN ghi nhận khoản lỗ khoảng 2.220 tỷ đồng.
Phát biểu tại Phiên họp Ban chỉ đạo điều hành giá ngày 28/9/2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, năm 2018 và năm 2019, dự kiến tổng chi phí phát sinh của EVN sẽ lên tới khoảng 20.735 tỷ đồng.
Trong đó, năm 2018, tổng chi phí tăng thêm trong cơ cấu tính giá điện là khoảng 5.483 tỷ đồng, gồm phát sinh chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện các nhà máy điện năm 2017 khoảng 3.071 tỷ đồng, chi phí tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước khoảng 502 tỷ đồng và dự kiến giá khí trong bao tiêu thực hiện theo thị trường tăng thêm khoảng 1.910 tỷ đồng.
Năm 2019, ngành điện ước tính chi phí tăng thêm sẽ là 15.252 tỷ đồng, tức gấp khoảng 2,8 lần so với năm 2018, trong đó phát sinh chênh lệch tỷ giá năm 2018 khoảng 3.516 tỷ đồng, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 502 tỷ đồng và dự kiến giá khí bao tiêu thực hiện theo thị trường năm 2019 tăng thêm khoảng 10.500 tỷ đồng.
Với áp lực đến từ những chi phí phát sinh tăng thêm lớn như vậy đặt lên ngành điện và EVN, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng, việc điều chỉnh giá điện đáng ra đã được triển khai từ năm 2018 nhưng vì nhiều lý do đã được hoãn lại sang cuối tháng 3 năm nay.
Áp lực lớn mang tên chi phí đầu vào
Bên cạnh khoản 20.735 tỷ đồng chi phí tăng thêm, ngành điện cũng đang phải chịu áp lực lớn đến từ chi phí cho nguyên liệu đầu vào. Việc giá than bán cho điện tăng 5% từ cuối năm 2018 đang khiến EVN đau đầu khi làm tăng chi phí sản xuất điện dự kiến thêm tới khoảng 5.500 tỷ đồng.
Cùng với đó, năm 2019, do một số nhà máy than ở phía Bắc thiếu than phục vụ hoạt động sản xuất, nguồn cung than cho các nhà máy điện đã gặp khó khăn ngay từ đầu năm, dẫn đến việc Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc đưa ra đề xuất tăng giá bán than cho ngành điện.
Được Chính phủ chấp thuận, đề xuất của hai đơn vị cung cấp than cho sản xuất điện lớn nhất cả nước chính thức có hiệu lực từ 5/1/2019, nâng giá bán sản phẩm than trong nước và than trộn của TKV thêm từ 11-18,83%, trong khi các sản phẩm của Tổng Công ty Đông Bắc cũng tăng giá từ 11-15%.
Theo tính toán của EVN, áp dụng giá như đề xuất, các nhà máy điện phải chi thêm khoảng 1.498,06 tỉ đồng để mua than. Trong đó với than trộn mua từ TKV tăng 1.062,89 tỉ đồng và than mua từ Tổng công ty Đông Bắc tăng 435,17 tỉ đồng.
Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cũng cho biết, theo dự báo về giá than nhập khẩu và giá khí cung cấp cho các nhà máy điện theo dự báo của Ngân hàng Thế giới, giá than thế giới năm 2019 giảm khoảng 7,41% so với năm 2018, trong khi giá khí một số nhà máy điện sẽ được điều chỉnh để 100% các nhà máy tuabin khí sẽ thực hiện mua khí theo giá thị trường. Điều này cũng là một trong những yếu tố được cân nhắc trong việc tăng giá điện tại Việt Nam tới đây.
Chưa kể, thuế bảo vệ môi trường đối với than và dầu tăng thêm kể từ ngày 1/1/2019 theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng khiến chi phí nguyên liệu cho sản xuất điện tăng thêm.
Phát sinh chênh lệch tỷ giá hàng nghìn tỷ đồng
Cũng theo Cục Điều tiết điện lực, việc tăng giá điện còn được dựa trên dự báo về tỷ giá năm 2019 giữa VND với các ngoại tệ như USD, Euro, Yên Nhật… trên cơ sở số liệu thực tế của năm 2018 và dự báo tỷ giá năm 2019.
Cùng với đó, trong phương án giá điện năm 2019 cũng đưa vào tính toán các khoản chi phí còn treo chưa được đưa vào giá điện trong các năm trước như chênh lệch tỷ giá.
Trong khi phát sinh chênh lệch tỷ giá năm 2017 và năm 2018 ước tính lên tới 6.587 tỷ đồng, ngành điện vẫn còn khoản chênh lệch tỷ giá theo hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện còn treo của năm 2015 dự kiến phân bổ cho năm 2019 khoảng 734 tỉ đồng.
Các chuyên gia cho biết, chênh lệch tỷ giá phát sinh do nhu cầu vay vốn đầu tư xây dựng các dự án điện trong quá trình sản xuất kinh doanh của EVN lớn, nên Tập đoàn phải huy động vốn vay từ các nhà đầu tư, các tổ chức cả trong và ngoài nước.
Trong khi vốn vay trong nước bị khống chế tỷ lệ vào lãi suất cao, các nguồn vay từ nước ngoài thường có lãi thấp hơn, song lại khiến doanh nghiệp phải chịu chênh lệch tỷ giá ngoại tệ.
Tăng giá điện nằm trong tính toán đến lạm phát và dân sinh
Trước những lo ngại về ảnh hưởng của việc tăng giá điện lên các chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng khẳng định, quan điểm điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ đặt ra trong năm 2019 là phải giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát để GDP tăng từ 6,8% trở lên.
Các phương án tăng giá điện đã được Bộ Công Thương tính toán để đảm bảo việc tăng giá không ảnh hưởng tới CPI, GDP cũng như các ngành nghề sản xuất, hộ sinh hoạt và nằm trong kiểm soát chỉ số lạm phát cũng như mục tiêu tăng trưởng, đáp ứng các chỉ tiêu Quốc hội đã thông qua.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, nếu tính toán hết tất cả các yếu tố đầu vào phục vụ cho sản xuất điện thì giá điện sẽ tăng lên tới khoảng 10%. Tuy nhiên, sau khi xem xét các yếu tố, Chính phủ đã quyết định tăng 8,36% để đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội chung.
Đánh giá của Bộ Công Thương phối hợp với Tổng cục Thống kê và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện cho thấy, các phương án điều chỉnh giá điện làm tăng CPI trong khoảng từ 0,26% - 0,31%, làm tăng PPI (chỉ số giá sản xuất) trong khoảng từ 0,15% - 0,19%, làm giảm GDP trong khoảng từ 0,22% - 0,25%.
Theo thống kê của Bộ Công Thương về giá điện 25 nước trong năm 2018 bao gồm cả các nước phát triển và đang phát triển bao gồm cả các nước trong khu vực như Lào, Philippines, Indonesia, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, thì giá điện của Việt Nam năm 2018 đang ở mức 0,074 USD/kWh, thấp nhất trong số các nước được thống kê.
So sánh giá điện năm 2018 của Việt Nam so với các nước trong khu vực được thống kê cho thấy, giá điện của Việt Nam ở mức 91,9% so với giá điện của Trung Quốc, Ấn Độ; 81,7% so với giá điện của Lào; 73,5% so với giá điện của Indonesia; 50,4% so với giá điện của Philippines và 38,7% so với giá điện của Campuchia.
Như vậy, nếu giá điện lần này được điều chỉnh tăng ở mức 8,36% so với giá điện bình quân hiện hành thì giá điện của Việt Nam sẽ ở mức 0.080 USD/kWh (tỷ giá tại ngày 5/3/2019), tương đương với các nước như Trung Quốc, Ấn Độ.
Đáng chú ý, Bộ Công Thương nhấn mạnh, riêng đối với các hộ nghèo, hộ chính sách, nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc hỗ trợ các hộ nghèo, hộ chính sách, Bộ sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
Theo đó, hộ nghèo được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Hộ chính sách xã hội có lượng điện sử dụng không quá 50 kWh/tháng được hỗ trợ với mức hỗ trợ hàng tháng tương đương số lượng điện sử dụng 30kWh/hộ/tháng.
Trên cơ sở mức giá bán lẻ điện bình quân điều chỉnh được phê duyệt, Bộ Công Thương sẽ có những điều chỉnh cụ thể đối với từng nhóm khách hàng theo thẩm quyền theo quy định tại Quyết định số 28/2014/QĐ-TTg ngày 07/4/2014 về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện cho phù hợp.